Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Chế độ luyện tập cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Chế độ luyện tập cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

ThS.BSCKII. Thái Văn Chương

BS. Hồ Thị Phương Thanh

Khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

1. NGUYÊN NHÂN CỦA THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG 

Thoát vị đĩa đệm là hệ quả của quá trình thoái hóa sinh học (ảnh hưởng của tuổi tác) và thoái hóa bệnh lý (chấn thương, rối loạn chuyển hóa, thói quen sinh hoạt…) Khi nhân nhày bị thoái hóa kèm theo vòng sụn xơ bị thay đổi sẽ làm đĩa đệm mất đàn hồi, dưới tác động cơ học làm đĩa đệm thoát ra ngoài gây thoát vị đĩa đệm.

1.1. Tuổi tác

Tuổi càng cao đĩa đệm càng suy yếu và thoái hóa dần . Lúc này, đĩa đệm có xu hướng giảm độ đàn hồi, kém dẻo dai nên dễ bị tổn thương khi có tác động cơ học (mang vác nặng, chấn thương…).

1.2. Chấn thương

Đĩa đệm là cơ quan phân tán lực và nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Khi có tác động cơ học mạnh, bao xơ có thể bị nứt, rách khiến nhân nhầy thoát ra bên ngoài.Các chấn Thương thường gặp như mang vác nặng, té ngã, có lực tác động mạnh lên cột sống. Chấn thương có thể khiến đĩa đệm bị tổn thương, suy yếu và gây nứt rách bao xơ.

1.3. Thói quen sinh hoạt, làm việc

Thoát vị đĩa đệm cũng có thể do thói quen sinh hoạt và làm việc vận động thiếu khoa học. Những động tác sai tư thế trong sinh hoạt hàng ngày. Các thói quen này đều làm tăng áp lực lên cột sống khiến đĩa đệm bị đè nén, xơ hóa và giảm dần độ đàn hồi gây thoát vị đĩa đệm và các bệnh lý cột sống khác.

1.4. Các bệnh xương khớp

Một số bệnh lý như: Viêm khớp dạng thấp, lao cột sống, thoái hóa cột sống, tiểu đường, gút, gai đôi cột sống, loãng xương,…cũng tác động làm thoái hóa đĩa đệm và gây thoát vị đĩa đệm. Các bệnh lý này có thể khiến cấu trúc cột sống mất cân bằng, làm tăng áp lực lên đĩa đệm khi vận động và gây hư tổn, thoái hóa.

1.5. Một số nguyên nhân khác

– Cấu trúc cột sống bất thường.

– Thừa cân béo phì.

– Thói quen ít vận động.

– Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng – đặc biệt là canxi, vitamin D và Omega3.

– Uống quá nhiều rượu bia, hút thuốc lá.

2. CHẾ ĐỘ TẬP LUYỆN CHO BỆNH NHÂN THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG

2.1. Trong giai đoạn đau nhiều

– Nên nằm giường phẳng, kê gối thấp và nên nằm ngửa để tránh gây chèn ép lên đĩa đệm và dây thần kinh. Bên cạnh đó, biện pháp này còn giúp ổn định cấu trúc cột sống và hỗ trợ kiểm soát cơn đau.

– Không nằm võng hoặc nằm trên ghế.

– Tuyệt đối không mang vác nặng, ngồi xổm, lao động quá mức và cần thay đổi các tư thế sai lệch.

– Có thể đi lại nhẹ nhàng để phục hồi và cải thiện chức năng vận động

– Mang đai lưng: Người bệnh nên mang đai lưng ở giai đoạn đau nhiều hoặc khi ngồi lâu, đi đường xa.

2.2. Các bài tập dành cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

– Bài tập số 1:  Ép đầu gối lên ngực

Đây cũng là một bài tập chữa đau lưng thoát vị đĩa đệm rất thông dụng và phổ biến. Ép đầu gối lên ngực có tác dụng làm cho các cơ trên cơ thể hoạt động nhẹ nhàng, mượt mà hơn và vận động riêng biệt với nhau. Cách tập luyện như sau:

+ Nằm ở tư thế ngửa, hơi co chân lại một góc 90 độ để gót chân chạm sàn.

+ Giữ tay sau gối và từ từ kéo chân về phía ngực.

+ Thực hiện tương tự với chân kia và lặp lại nhiều lần.

–  Bài tập số 2: Treo xà đơn

Bài tập treo xà đơn giúp giãn các đốt sống, làm giảm sự chèn ép lên đĩa đệm bị thoát vị, từ đó giúp giảm tổn thương đĩa đệm, giảm chèn ép các rễ thần kinh và giảm đau. Thực hiện động tác:

+ Trước khi bắt đầu, người tập cần đứng cạnh xà đơn để chuẩn bị

+ Người tập đưa hai vai qua thanh xà sao cho từ vai trở lên hoàn toàn nằm ở trên xà để giữ cố định cơ thể.

+ Thả lỏng phần dưới, không chạm hoặc dùng bất cứ vật gì để kê hoặc giữ cơ thể.

+ Giữ nguyên tư thế trong vòng khoảng 30 giây – 1 phút.

+ Buông xà, đứng lại tư thế ban đầu.

+ Thực hiện bài tập từ 5 – 6 lần.

Bài tập số 3: Bài tập Plank

Plank là một trong những bài tập tại chỗ rất hiệu quả, tác động hiệu quả lên nhiều vùng của cơ thể. Đối với người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, nếu luyện tập plank đúng cách không những mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn cải thiện tình trạng bệnh, giảm các triệu chứng tê, đau. Thực hiện động tác:

+ Tư thế chuẩn bị: Người bệnh nằm sấp, đặt hai khuỷu tay xuống sàn.

+ Lấy khuỷu tay và mũi chân 2 bên làm điểm tựa, toàn bộ cơ thể lên sao cho cơ thể nằm trên một đường thẳng, cố gắng không võng lưng.

+ Giữ tư thế trong 30 giây, cần giữ vững cơ thể, không để nghiêng người.

+ Từ từ hạ cơ thể xuống sàn, hít thở nhẹ nhàng.

+ Thực hiện động tác khoảng 10 lần trong mỗi buổi tập.

Bài tập số 4: Bài tập bơi

Hầu hết các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đều được bác sĩ khuyên nên luyện tập bơi lội, vì rất nhiều lợi ích mang lại cho sức khỏe và tình trạng bệnh. Khi ở dưới nước và thực hiện các động tác sải cánh tay cũng như toàn bộ cơ thể sẽ giúp các đốt sống được kéo giãn, giảm sự chèn ép lên các đĩa đệm và rễ thần kinh.

Người bệnh cần có chế độ tập luyện đều đặn, thường xuyên và hợp lý để đạt được hiệu quả tốt nhất, tránh làm nặng nề thêm tình trạng bệnh cũng như nguy cơ chấn thương nếu luyện tập quá mức. Tương tự, người bệnh cũng có thể lựa chọn các môn thể thao yêu thích khác mà vẫn đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân như cầu lông, bóng rổ…

–  Bài tập số 5:  Căng cơ Piriformis

Trước khi tìm hiểu bài tập chữa đau lưng thoát vị đĩa đệm này, bạn cần biết cơ Piriformis là gì. Đây là một cơ có kích thước nhỏ và nằm sâu ở vị trí trong mông. Việc kéo căng cơ này sẽ mang đến những lợi ích nhất định cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Cách thực hiện bài tập như sau:

+ Tư thế nằm ngửa, đầu gối hơi co lên, hai bàn chân đặt lên sàn nhà.

+ Đưa một chân gác lên chân kia với điều kiện mắt cá phải đặt ở vị trí trùng với đầu gối chân đó.

+ Từ từ dùng hai tay kéo đầu gối và hai chân với tư thế đó về phía ngực, giữ đến khi có cảm giác mông căng ra.

+ Đổi bên và thực hiện tương tự.

–  Bài tập số 6: Tư thế Chakravakasana

Động tác yoga này được rất nhiều người luyện tập nhờ vào khả năng hỗ trợ thúc đẩy quá trình lưu thông máu tại các vùng như đĩa đệm lưng, giúp làm tình trạng căng thẳng và giúp bạn có tư thế hoạt động tốt hơn. Bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây ngay tại nhà:

+ Bắt đầu quỳ gối xuống sàn nhà, hai tay ở tư thế chống trên mặt đất.

+ Từ từ cong lưng lên, sau đó giữ nguyên tư thế trong 10 giây và trở về như ban đầu.

+ Thực hiện lặp lại tương tự như hướng dẫn từ 10 đến 15 lần.

Bài tập số 7: Bài tập Bird Dog

Bài tập chữa đau lưng thoát vị đĩa đệm này sẽ giúp bạn kích thích sự hoạt động của toàn bộ các cơ vùng dọc theo sống lưng, giúp cột sống dẻo dai và ngăn ngừa những tổn thương bất ngờ xảy ra. Cách thực hiện như sau:

+ Tư thế chuẩn bị quỳ gối, tay chống xuống sàn nhà, thẳng lưng, ngẩng cao đầu.

+ Hít một nhịp thật sâu và từ từ nâng và duỗi một tay thẳng về phía trước, cùng lúc đó nâng và duỗi chân phía ngược lại ra đằng sau, giữ nguyên tư thế trong 5 giây.

+ Hít thở điều độ khi thực hiện bài tập, hít vào khi duỗi tay và chân ra, thở ra khi thu tay chân về.

+ Thực hiện tương tư, đổi bên và lặp lại mỗi bên khoảng 5 lần.

–  Bài tập số 8: Bài tập Cobra

Đây cũng là một bài tập chữa đau lưng thoát vị đĩa đệm mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Tư thế này được ví như một động tác của loài rắn hổ mang với tác dụng giảm các cơn đau vùng lưng, bụng, tăng sự dẻo dai cho cột sống, kéo căng cơ thể và hạn chế tình trạng mất thăng bằng. Cách tập luyện như sau:

+ Nằm sấp, lòng bàn tay úp dưới sàn nhà, giữ chân thẳng và các ngón chân chạm xuống sàn.

+ Hít thở sâu và nâng khu vực xương chậu lên từ từ, dùng sức ấn lòng bàn tay xuống sàn nhà, ngón tay mở rộng.

+ Kéo căng vai ra đằng sau, để thẳng cánh tay, nhấc phần thân lên trên mặt sàn.

+ Ngửa mặt và thực hiện hô hấp đều đặn trong từ 15 đến 30 giây, sau đó về lại tư thế chuẩn bị.

+ Nghỉ vài giây và sau đó lặp lại nhiều lần tương tự hướng dẫn trên.

3. MỘT SỐ LƯU Ý ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG

Người bị thoát vị đĩa đệm cần hết sức thận trọng trong sinh hoạt hàng ngày và làm việc để không làm nặng hơn tình trạng thoát vị. Một số điều lần lưu ý là:

  • Trong giai đoạn thoát vị đĩa đệm cấp tính thì cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động, đi lại.
  • Người bị thoát vị không nằm trên đệm quá mềm, nệm cứng hoặc giường cứng sẽ tốt cho cột sống hơn.
  • Khi mang vác đồ vật cần thực hiện đúng tư thế, giữ thẳng phần lưng trong quá trình nâng vật.
  • Không mang vác vật quá nặng, không thay đổi tư thế một cách đột ngột.
  • Người bị thoát vị đĩa đệm mạn tính kèm béo phì nên giảm cân để giảm áp lực và sự chèn ép lên đĩa đệm.
  • Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng khi luyện tập các bài tập cần có kế hoạch phù hợp, đều đặn, thường xuyên nhưng không được quá sức. Theo các chuyên gia, mỗi lần luyện tập khoảng 30 phút là hợp lý và giúp đảm bảo đạt hiệu quả.

Để đặt lịch khám và tìm hiều thông tin, xin vui lòng liên hệ

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Km5, Đại lộ Lê Nin, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082

Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h, Thứ 2 đến thứ 6 

Số điện thoại khoa Cơ xương khớp: 0385384657.

Website: https://bvnghean.vn.