Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Chủ động tầm soát, phòng ngừa đột quỵ để bảo vệ sức khỏe bản thân!

Chủ động tầm soát, phòng ngừa đột quỵ để bảo vệ sức khỏe bản thân!

ĐỘT QUỴ MÙA LẠNH

Theo thống kê Gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2019 (Global Burden of Disease 2019), đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu ở Việt Nam. Trên thực tế, cứ bốn người thì có một người có nguy cơ bị đột quỵ trong đời. 

TS.BS. Nguyễn Ngọc Hoà – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cho biết: đột quỵ xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn do mạch máu não bị tắc (đột quỵ do thiếu máu cục bộ) hoặc vỡ mạch máu trong não (đột quỵ xuất huyết). “Một khi bệnh nhân đã bị đột quỵ, họ cũng có khả năng bị đột quỵ tái phát. Vì vậy, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để dự phòng đột quỵ”.

Hiện nay miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang bước vào những ngày rét đậm của màu đông nên nguy cơ đột quỵ càng tăng cao. Các bác sĩ khuyên nên thay đổi lối sống để ngăn ngừa đột quỵ, đặc biệt là vào mùa đông.

Thời tiết đóng vai trò như thế nào với đột quỵ

Các nhà nghiên cứu cho rằng những thay đổi nhất định về thời tiết có thể là tác nhân gây ra đột quỵ. Mùa đông có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách. Các chuyên gia y tế cho rằng trong những tháng lạnh, nhiệt độ giảm có thể gây ra những ảnh hưởng không lường trước được đến tim, hơn nữa còn làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối quan hệ giữa thời tiết mùa đông và tỷ lệ đột quỵ tăng lên. Người ta cho biết thời tiết lạnh hơn làm cho các mạch máu co lại, có thể làm tăng huyết áp – một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy máu có xu hướng đặc lại và trở nên dính hơn khi trời cực lạnh, khiến dễ đông máu hơn. Hầu hết các cơn đột quỵ là do đông máu, làm tắc nghẽn mạch máu lên não. Phản ứng của cơ thể chúng ta với thời tiết lạnh có xu hướng gây thêm căng thẳng cho tim khi chúng ta “kiềm chế” để bảo toàn nhiệt và năng lượng.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra độ ẩm cũng đóng một vai trò trong nguy cơ đột quỵ của chúng ta. Độ ẩm cao trong khí quyển có thể khiến một số người bị mất nước, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một xu hướng tỷ lệ đột quỵ – cao hơn vào những tháng mùa đông, thấp hơn vào những tháng mùa hè và tăng đột biến tạm thời vào khoảng tháng 7.

Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Quốc tế của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy không chỉ thời tiết lạnh mà cả thời tiết dễ bay hơi, cùng với độ ẩm cao, có thể khiến nhiều người phải nhập viện sau khi bị đột quỵ. Cứ thay đổi nhiệt độ 5 độ, nguy cơ nhập viện do đột quỵ tăng 6%. Như thường lệ ở Oklahoma, nhiệt độ dao động từ 10 đến 15 độ ngày này sang ngày khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ từ 12 đến 18%. Khi độ ẩm tăng, nguy cơ đột quỵ cũng tăng – cứ tăng 2% khi điểm sương tăng 5 độ.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đã khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết. Các nghiên cứu tại Pháp cho thấy đỉnh cao của đột quỵ tại nước này rơi vào các tháng Hai và tháng Tư – thời điểm trời lạnh nhất trong năm. Các nghiên cứu từ các quốc gia như Phần Lan, Úc, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan, Trung Quốc và Iran đều báo cáo rằng đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng lạnh hơn so với những tháng ấm hơn.

Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Cụ thể, ở Miền Bắc thường gặp các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1; Miền Trung hay gặp nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não thường tháng 12. Tại Miền Nam, giai đoạn tháng 11, 12, và tháng 1 xảy ra đột quỵ não nhiều như phía bắc, trong 3 tháng này số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm từ 30-50 % tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm.

Khoảng 60-70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85% .

Theo ThS. BSCK2. Lê Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, những đợt không khí lạnh tràn về số lượng bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu tại bệnh viện tăng đột biến. Ngày cao nhất có đến gần 130 bệnh nhân, tăng khoảng 25-30%, nằm điều trị nội trú tại Trung tâm Đột quỵ Nghệ An.

Làm rõ cơ chế vì sao lại dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh, ThS. BSCK2. Lê Quang Toàn cho biết khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.

Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não.

1. Dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh

Các dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh cũng tương tự như các dấu hiệu đột quỵ thông thường. Bạn có thể dựa theo nguyên tắc F.A.S.T đột quỵ để có thể nhận biết dấu hiệu đột quỵ, bao gồm:

* F (Face – Khuôn mặt): Người bệnh có dấu hiệu chảy xệ một bên gương mặt, mí mắt sụp xuống. Có thể yêu cầu người bệnh cười để quan sát 2 bên mặt mất cân đối, méo lệch qua 1 bên.

* A (Arms – Cánh tay): Dấu hiệu đột quỵ phổ biến chính là yếu, tê liệt một bên tay hoặc một bên cơ thể. Người bị đột quỵ không thể cùng lúc nâng hai tay lên qua cao khỏi đầu, nâng thẳng tay. Một số trường hợp người bệnh có thể nâng hai tay nhưng sau đó một tay rơi xuống ngay lập tức.

* S (Speech – Lời nói): Người bệnh nói lắp, nói khó hiểu, khó nói hết một câu hoàn chỉnh,… là những dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh bạn nên chú ý.

* T (Time – Thời gian): Khi thấy một người có một hoặc nhiều dấu hiệu giống với mô tả về dấu hiệu FAST đột quỵ, cần hành động ngay lập tức để giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời, hạn chế biến chứng do đột quỵ.

Ngoài các triệu chứng trên, còn có một số dấu hiệu đột quỵ khác như: rối loạn ý thức, đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng, suy giảm thị lực, thiếu sót thị trường, khó nuốt…

2. Làm gì khi bị đột quỵ mùa lạnh?

Khi thấy người bị đột quỵ, việc đưa người bệnh đến bệnh viện sớm, giúp người bệnh được điều trị kịp thời sẽ hạn chế được những di chứng về sau. Do đó, ngay khi thấy một ai đó có một trong các dấu hiệu sau như tê bì một tay, một chân; nói khó, méo miệng; mờ một mắt đột ngột; đau đầu dữ dội thì nên gọi cấp cứu hay đến ngay bệnh viện gần nhất có chuyên khoa điều trị đột quỵ.

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là một trung tâm đột quỵ toàn diện và là một trong rất ít các trung tâm đột quỵ ở Việt Nam đoạt Giải thưởng Kim cương – Giải thưởng danh giá nhất của Tổ chức Đột quỵ Thế giới về quản lý đột quỵ. Bệnh viện có hệ thống trang thiết bị, máy móc cao cấp, tân tiến hàng đầu giúp chẩn đoán nguyên nhân và điều trị đột quỵ như: hệ thống máy DSA, cắt lớp vi tính đa dãy, cộng hưởng từ 1.5 Tesla… Bệnh viện cũng có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh – đột quỵ (02 tiến sĩ, 03 BSCK2, 10 thạc sĩ và BSCK1) để giúp người bệnh được điều trị hiệu quả, phục hồi sớm và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Khi nghi ngờ bị đột quỵ, bệnh nhân không nên tự ý cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào được quảng cáo trên mạng xã hội hoặc truyền miệng vì một số loại thuốc sẽ làm tình trạng xuất huyết não trở nên nghiêm trọng hơn và làm các biến chứng sẽ càng nặng nề hơn, tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, cần lưu ý không chích máu ngón tay, ngón chân bệnh nhân; không cử động, lắc người bệnh; không cho người bệnh ăn hay uống để tránh sặc… Người nhà cũng không nên cạo gió, nặn chanh vào miệng. Đây là những quan niệm sai lầm, không hỗ trợ gì cho người bị đột quỵ.

Với người bị đột quỵ mùa lạnh, nên để người bệnh nằm nghiêng một chỗ, nới lỏng quần áo, tránh để người bệnh mặc trang phục quá chật, giữ bệnh nhân  đủ ấm. Ghi lại thời gian người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cũng như các triệu chứng của người bệnh để có thể cung cấp với nhân viên y tế.

3. Cách phòng tránh đột quỵ mùa đông

Đột quỵ được xem là bệnh lý cấp tính, hay xảy ra rất đột ngột và hậu quả thường gây tử vong hay tàn phế về sau. Tuy nhiên, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được.

BS Lê Quang Toàn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ chia sẻ: “để phòng đột quỵ mùa lạnh, ngoài việc kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch; sử dụng thuốc chống đông máu; có chế độ ăn lành mạnh; tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống; thì cần một số lưu ý riêng về chăm sóc sức khỏe trong mùa lạnh.

Nên vận động nhẹ nhàng từ 3 – 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.

Việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng. Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Khi tham gia hoạt động thể chất, nên mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ bớt và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể. Nếu đang hoạt động ngoài trời lạnh và thấy mình đổ mồ hôi, như vậy cơ thể đang bị quá nóng và không ổn; nhất là đối với người có bệnh tim mạch thì tốt nhất nên nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác và vào ngay trong nhà.

Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức. Bởi khi trời lạnh, cơ thể chúng ta phải gắng sức hơn bình thường nhằm giữ nhiệt độ cơ thể ổn định. Do vậy, việc đi bộ nhanh hơn bình thường gặp khi gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể cũng đã là gắng sức.

Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng làm cho bản thân người uống rượu không biết được cơ thể bị mất nhiệt.

Đặc biệt, nên chủ động tầm soát đột quỵ để phòng đột quỵ mùa lạnh. Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là đơn vị có khám, tư vấn và tầm soát đột quỵ. Với đội ngũ chuyên gia và bác sĩ giỏi tay nghề, giàu kinh nghiệm, lại được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại hàng đầu sẽ giúp chẩn đoán và điều trị bệnh trúng đích, đem lại hiệu quả cao, giảm chi phí cho người bệnh.

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại hệ thống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Quý khách vui lòng liên hệ bệnh viện:

* Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê-nin, xã Nghi Phú, Thành phố Vinh, Nghệ An.

* Hotline Trung tâm Đột quỵ: 0968.623.337

* Điện thoại đăng ký khám bệnh qua Đơn vị Chăm sóc khách hàng: 19008082 hoặc 0886.234.222

* Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean

* Website: https://bvnghean.vn

Đột quỵ mùa lạnh có thể diễn ra với bất kỳ ai. Vì thế, không nên chủ quan mà hãy chủ động tầm soát, phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe bản thân!