Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Để hạn chế tác hại của thuốc trị amip

Để hạn chế tác hại của thuốc trị amip

Để hạn chế tác hại của thuốc trị amip

Amip là những nguyên sinh động vật, chỉ là một tế bào nhưng có khả năng di chuyển định hướng nhờ chân giả. Amip ký sinh ở người có nhiều loài, nhưng chỉ có Entamoeba histolytica là loài duy nhất thực sự gây bệnh cho người.Amip có thể gây bệnh ở ruột (lỵ amip, viêm đại tràng mạn tính do amip) hoặc ở các mô khác (áp-xe gan, amip ở phổi, não, da…). Các bệnh do amip chủ yếu là điều trị nội khoa, nếu điều trị không triệt để, bệnh dễ trở thành mạn tính.

Thuốc diệt amip ở mô

Các thuốc này rất có hiệu quả đối với các thể ăn hồng cầu của amip, bao gồm:

Emetin: đây là alkaloid chiết xuất từ cây Ipeca. Thuốc có nhiều độc tính và tích tụ trong cơ thể gây độc tính ở tim, thận, hệ thần kinh nên hiện nay ít dùng và được thay thế bằng dẫn chất tổng hợp là dehydroemetin ít độc hơn. Thuốc có tác dụng cản trở không hồi phục quá trình tổng hợp protein của amip. Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai.

Dehydroemetin (dametin, mebadin) là dẫn xuất tổng hợp của emetin, có tác dụng dược lý tương tự nhưng ít độc hơn emetin. Thuốc có tác dụng diệt amip ở trong các mô, ít có tác dụng trên amip ở ruột. Dehydroemetin có tác dụng diệt amip trực tiếp do cản trở sự chuyển dịch phân tử ARN thông tin dọc theo ribosom nên ức chế không phục hồi sự tổng hợp protein của amip. Thuốc hấp thu kém qua đường tiêu hóa. Sau khi tiêm bắp, dehydroemetin được phân bố vào nhiều mô, tích luỹ ở gan, phổi, lách và thận. Dehydroemetin thải trừ qua nước tiểu nhanh hơn emetin nên ít tích luỹ hơn và do đó ít độc hơn emetin. Tác dụng không mong muốn của thuốc cũng tương tự như khi dùng emetin nhưng nhẹ và ít gặp hơn.

Hình ảnh trực khuẩn Amip

Dehydrooemetin được chỉ định khi bị lỵ amip nặng, áp-xe gan do amip và chỉ nên sử dụng khi không có các thuốc khác an toàn hơn hoặc bị chống chỉ định. Tác dụng phụ thường gặp chủ yếu bao gồm: tại vùng tiêm thường bị đau, dễ tạo thành áp-xe vô trùng. Có thể gặp ban kiểu eczema. Tác dụng trên thần kinh cơ: thường gặp mệt mỏi và đau cơ, đặc biệt ở chân tay và cổ. Các triệu chứng này phụ thuộc vào liều dùng và là dấu hiệu báo trước độc tính trên tim. Hạ huyết áp, đau vùng trước tim, nhịp tim nhanh và loạn nhịp là những biểu hiện thường gặp khi bị tổn thương tim. Thuốc cũng gây buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Ngoài ra còn có thể gặp các triệu chứng: ngứa, run, dị cảm.

Vì các tác dụng phụ kể trên, đối với bệnh nhân có bệnh tim, thận, thần kinh cơ hoặc thể trạng chung yếu, trẻ em phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc này. Trong quá trình dùng thuốc phải có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc. Đối với phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng dehydroemetin vì thuốc độc với thai nhi.

Trong điều trị lỵ do amip, dùng thêm tetracyclin để giảm nguy cơ bội nhiễm. Khi điều trị áp-xe gan do amip phải uống thêm cloroquin đồng thời hoặc ngay sau đó. Sau điều trị, tất cả bệnh nhân nên uống thêm diloxanid để loại trừ amip còn sống sót ở kết tràng, đề phòng tái phát.

Metronidazol (metronidazole, tinidazole, ornidazole): là thuốc thuộc nhóm imidazole, có hiệu quả cao trong điều trị nhiễm amip ngoài ruột (áp-xe gan, amip ở não, phổi – lách) và amip ở thành ruột. Thuốc có tác dụng diệt amip thể hoạt động nhưng ít ảnh hưởng đến thể kén. Thuốc còn được dùng để điều trị trichomonas đường niệu – sinh dục, bệnh do Giardia lamblia và các vi khuẩn kỵ khí bắt buộc.

Thuốc khuếch tán, thâm nhập sâu vào bên trong và phá huỷ hay ức chế sự tổng hợp AND của ký sinh trùng. Loại thuốc này có ưu điểm diệt được cả thể kén và thể đơn bào amip, nhưng khi dùng thuốc kéo dài cần lưu ý vì có thể gặp tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, nôn, chán ăn, khô miệng, đau vùng thượng vị, nổi mày đay, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ…. các dấu hiệu này thường nhẹ và hết sau khi cơ thể đào thải hết. Khi dùng liều cao, kéo dài, thuốc có thể gây cơn động kinh, rối loạn tâm thần, viêm đa dây thần kinh ngoại biên, viêm tụy. Đặc biệt đối với bệnh nhân có tiền sử rối loạn huyết động học khi sử dụng dài ngày loại thuốc này nhất thiết phải được theo dõi công thức bạch cầu. Thuốc này không được dùng cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc trong thời kỳ cho con bú.

Không dùng đồng thời metronidazol với warfarin vì thuốc làm tăng tác dụng chống đông máu của các thuốc kháng vitamin K nên có thể gây chảy máu. Không được uống rượu trong thời gian dùng thuốc.

Thuốc diệt amip trong lòng ruột

Thuốc tập trung ở trong lòng ruột và có tác dụng với thể minuta (sống hoại sinh trong lòng ruột) và bào nang (thể kén).

Diloxanid Furoat là dẫn xuất dicloro acetamid có tác dụng diệt trực tiếp amip trong lòng ruột nên được dùng để điều trị các bệnh amip ở ruột. Diloxanid có hiệu lực cao đối với bào nang amip. Diloxanid được lựa chọn để điều trị amip thể bào nang (không có triệu chứng lâm sàng ở những vùng không có dịch bệnh lưu hành). Thuốc còn được phối hợp với metronidazol để diệt amip thể hoạt động ở trong lòng ruột.

Thuốc dung nạp tốt ngay cả khi dùng liều cao. Diloxanid ít gây các phản ứng có hại nghiêm trọng. Các tác dụng phụ thường gặp trên đường tiêu hóa là trướng bụng, chán ăn, nôn, tiêu chảy, co cứng bụng. Các triệu chứng ít gặp trên hệ thần kinh trung ương: nhức đầu, ngủ lịm, chóng mặt, hoa mắt, nhìn đôi, dị cảm… Không nên dùng thuốc cho phụ nữ có thai (3 tháng đầu) và trẻ em dưới 2 tuổi.

Iodoquinol là một dẫn xuất halogen của hydroxyquinolein có tác dụng diệt amip ở trong lòng ruột nhưng không ảnh hưởng đến amip ở thành ruột và trong các tổ chức. Thuốc hấp thu rất kém qua đường tiêu hóa (90% thuốc không được hấp thu). Phần thuốc vào được vòng tuần hoàn có thời gian bán thải khoảng 11 – 14 giờ và thải trừ qua nước tiểu dưới dạng glucuronid. Thuốc phối hợp để điều trị các trường hợp nhiễm amip ở ruột (thể nhẹ và trung bình).

Với liều điều trị, iodoquinol có thể gây một số tác dụng không mong muốn nhẹ và thoáng qua như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy (thường hết sau vài ngày), chán ăn, viêm dạ dày, khó chịu vùng bụng, đau đầu, ban đỏ, ngứa… Khi dùng liều cao và kéo dài, iodoquinol có thể gây những phản ứng có hại trên hệ thần kinh trung ương. Thuốc dễ gây phản ứng có hại ở trẻ em hơn ở người lớn.

Không nên dùng thuốc cho người có bệnh tuyến giáp, dị ứng với iod, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi.

Nhóm di-iodohydroxyquinolin là những thuốc trị amip bằng cách tiếp xúc. Không nên dùng phối hợp các thuốc nhóm này với nhau hay dùng liều cao liên tục vì thuốc gây viêm tuỷ bán cấp, viêm dây thần kinh ngoại biên và tổn thương thị giác. Thuốc này không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ còn bú, bệnh nhân cường giáp. Tác dụng phụ có thể gặp là buồn nôn, đau dạ dày, dị ứng da, có thể gây rối loạn chức năng tuyến giáp.

Để điều trị bệnh do amip đạt hiệu quả cao, việc chọn lựa loại thuốc gì, hàm lượng cụ thể như thế nào nhất thiết phải do thầy thuốc chỉ định cụ thể, người bệnh không được tự ý dùng thuốc để tránh những tác dụng không mong muốn của các loại thuốc diệt amip. Phòng bệnh chủ yếu là ăn chín uống sôi, rửa rau nhiều nước và kỹ dưới vòi nước chảy, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, nên cắt móng tay ngắn và không dùng phân tươi bón cho các loại rau.

(Theo SKĐS)