Bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp: Đã đủ điều kiện công bố dịch?
Trong lúc Bộ Y tế thông báo số ca mắc sởi đã tạm lắng thì những ngày qua, bệnh nhân mắc sởi vẫn ùn ùn nhập viện và các trường hợp biến chứng nặng không ngừng tăng. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu thừa nhận: So với dịch sởi năm 2009-2010, các ca mắc sởi trong đợt này gây bệnh cảnh nặng hơn. Thậm chí, diễn biến những ca mắc sởi trong bệnh viện (BV) khác với bệnh sởi “truyền thống”. Câu hỏi đặt ra lúc này là: đến thời điểm này, Bộ Y tế có nên công bố dịch sởi?
“Gồng mình” chống… sởi
Từ khi dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp cũng là lúc BV Nhi trung ương lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng. Sáng 14-4, phía ngoài cổng, trong khuôn viên BV trở nên đông đúc khác thường. Người nhà bệnh nhân xếp hàng dài chờ đợi trong tâm trạng lo lắng. Đến 11h trưa, thời điểm người nhà được vào thăm bệnh nhi là hàng dài người lại lặng lẽ đi về phía khoa Truyền nhiễm. Tại đây, hiện có hơn 200 bệnh nhi đang phải chống chọi với bệnh sởi và biến chứng của bệnh.
Ôm đứa con nhỏ trong lòng, gương mặt anh Nguyễn Văn H (30 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội) không giấu nổi mệt mỏi, lo lắng. Anh kể, cách đây 1 tuần, con trai bị sốt cao, trên cơ thể xuất hiện nhiều nốt đỏ, hai vợ chồng ngay lập tức đưa con vào viện. Kết quả xét nghiệm cho biết, con anh mắc sởi. Từ hôm vào viện đến nay, anh phải dừng mọi công việc kinh doanh để túc trực bên con. Gần đó, bà Nguyễn Thị Th (ở Thường Tín, Hà Nội) đang chăm sóc đứa cháu ngoại chưa qua cơn nguy kịch. Vừa nói bà vừa khóc, cho biết: “Gần 1 tháng ở đây, tôi đã chứng kiến không ít cảnh thương tâm, nhiều gia đình bố mẹ khóc cạn nước mắt, ngất lịm đi khi nghe bác sĩ thông báo con mình tử vong vì biến chứng sởi. Mỗi khi có một đứa trẻ tử vong là một bầu không khí ảm đạm bao trùm, từ người nhà bệnh nhân cho đến bác sĩ đều não nề”.
PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Trung bình, mỗi ngày tại đây tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhi mắc sởi. Cả khoa có 90 giường bệnh và đã phải sắp xếp, kê thêm thành 110 giường nhưng vẫn không đủ chỗ cho bệnh nhi. Phòng bác sĩ, phòng phó trưởng khoa đều kê thêm giường điều trị. “Suốt hai tháng nay, các y, bác sĩ luôn làm việc trong tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi và buồn. Ai cũng cố gắng hết sức, làm việc thông tầm, không dám nghỉ phép. Nhưng khi chứng kiến những trường hợp tử vong dù đã cố gắng hết sức cứu chữa, chúng tôi vẫn vô cùng đau xót và cảm thấy bất lực” – PGS.TS Phạm Nhật An nói.
Còn tại khoa Nhi (BV Hữu Nghị Việt Nam – Cu ba), chỉ trong buổi sáng 14-4 cũng đã tiếp nhận 6 bệnh nhi mắc sởi. Theo các bác sĩ, chưa bao giờ BV xảy ra tình trạng quá tải, phải nằm ghép như thời điểm này. Tại đây, bệnh nhi nằm ghép đến 2-3 trẻ/giường bệnh. Nhiều trường hợp bệnh sởi diễn biến nặng, phức tạp. Theo Trưởng khoa Nhi Nguyễn Thị Anh Xuân, trước đây, bệnh nhân sởi kể cả có viêm phế quản, viêm đường hô hấp chỉ ở thể nhẹ, mất khoảng 5-7 ngày nằm viện là khỏi bệnh. Nhưng hiện nay, với các bệnh nhân sởi biến chứng, các cháu thường phải nằm viện 2-3 tuần, thậm chí là cả tháng.
Dịch sởi đang được kiểm soát tốt?
Trước thực tế trên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã trực tiếp làm việc tại các BV và cho biết, số ca mắc sởi tại các tỉnh, thành phố thống kê được hiện thấp hơn vụ dịch năm 2009-2010. Tuy nhiên, các trường hợp sởi trong đợt dịch này gây bệnh cảnh nặng hơn. Mặc dù trong phòng xét nghiệm, độc lực của virus sởi chưa có sự thay đổi nhưng thực tế tại nhiều BV, diễn biến các ca mắc sởi có khác so với các bệnh sởi “truyền thống”. Điển hình, nhiều trẻ mắc sởi bị biến chứng viêm phổi và nhiều trẻ viêm phổi đồng nhiễm sởi. Thậm chí, các ca mắc sởi bệnh cảnh tăng nhanh, nguy cơ tử vong cao, ít thấy các trẻ có biểu hiện tiêu chảy như ở các ca sởi thông thường. Bên cạnh đó, diễn biến bệnh sởi ở mỗi vùng, miền cũng khác nhau. Nếu như phía Nam, các ca mắc sởi bệnh cảnh nhẹ hơn, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, thì các ca tử vong chủ yếu tập trung ở miền Bắc. Trong số 25 ca tử vong do Bộ Y tế công bố đều có kết quả do virus sởi gây ra.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, theo quyết định, việc công bố bệnh truyền nhiễm, trong đó có sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau: Thứ nhất là có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Thứ hai có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ cụ thể: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa. “Nói như vậy, việc không công bố dịch sởi không có nghĩa là không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống. Thực tế, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các website và phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi toàn quốc” – PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi hiện nay, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc BV Nhi trung ương đưa ra nhận định: Cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng. Có lẽ mức độ bao phủ của chương trình không cao như chúng ta vẫn nghĩ. (Lao động (trang 1).
Quảng Ngãi: Thêm bệnh nhân mới bị mắc “bệnh lạ”
Chiều 14- 4, ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) xác nhận có thêm một trường hợp nhiễm Hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay-bàn chân vừa được phát hiện tại huyện này. Bệnh nhân là Phạm Thị H (14 tuổi) sống tại Làng Dút 1, xã Ba Nam. Đây là xã không nằm trong vùng bị căn bệnh này trước đây và cũng chưa từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh.
Theo ông Phong, bệnh nhân nhập viện ngày 9-4. Do tình trạng bệnh nặng nên Trung tâm y tế đã chuyển thẳng lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Hiện bệnh nhân tiếp tục được chuyển vào điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM).
Ngay khi phát hiện bệnh, Sở Y tế Quảng Ngãi và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử các đoàn công tác về chỉ đạo, hỗ trợ huyện Ba Tơ trong khám, điều trị bệnh và triển khai các hoạt động can thiệp cộng đồng tại xã Ba Nam như tăng cường giám sát dịch tễ, vệ sinh môi trường, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi cách thu hoạch, bảo quản thóc gạo, phơi khô thóc trước khi cất giữ để phòng tránh nhiễm vi nấm mốc, đồng thời tổ chức khám sàng lọc, cấp thuốc bổ cho người dân, tổng vệ sinh môi trường tại xã Ba Nam.
Trước đó, vào giữa tháng 3, tại xã Ba Điền – trung tâm của căn bệnh này các năm qua, ghi nhận một trường hợp tái phát căn bệnh này. (An ninh thủ đô (trang 2).
Cứu sống bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ bụng
Ngày 14.4, bác sĩ Phạm Văn Phương, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống ông Nguyễn Văn Yên (77 tuổi, ngụ H.Cầu Kè, Trà Vinh) bị vỡ phình động mạch chủ bụng, mất nhiều máu.
Ngày 4.4, ông Yên nhập viện trong tình trạng đau vùng thượng vị, da niêm hồng nhợt. Sau đó, bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội, mạch và huyết áp bằng 0. Ê kíp mổ đã phát hiện ổ bụng bệnh nhân có nhiều máu tụ sau phúc mạc đẩy ruột ra ngoài.
Các bác sĩ tiến hành kẹp túi phình động mạch chủ bụng vỡ, cắt túi phình thay bằng ống ghép nhân tạo cho bệnh nhân. Trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân ngưng tim nhưng đã được xoa bóp tim cấp cứu thành công. Hiện tại, sức khỏe ông Yên đang dần hồi phục, dấu hiệu sinh tồn tốt. (Thanh niên (trang 5).
Cứu sống thai phụ bị biến chứng phổi nặng do cúm A/H1N1
Ngày 14/4, PGS.TS Trương Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết đã cứu sống một thai phụ bị biến chứng phổi nặng do cúm A/H1N1.
Theo đó, bệnh viện cứu sống thai phụ Bùi Thị H. (31 tuổi, ở Quảng Ninh) đang mang thai ở tuần thứ 35, bị cúm A/H1N1 biến chứng nặng, bằng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ về phổi (ECMO). Đây là trường hợp đầu tiên bệnh viện Bạch Mai đặt thành công kỹ thuật ECMO hỗ trợ về phổi.
Theo BS Bình, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, viêm phổi nặng, khí oxy trong máu rất thấp, nguy cơ tử vong rất lớn. Thêm nữa, bệnh nhân đang mang thai ở những ngày cuối thai kỳ nên nếu không mổ cứu bé thì sẽ tử vong cả mẹ và con.
“Chúng tôi quyết định mổ bắt con để cứu đứa trẻ và giảm áp lực oxy cho người mẹ. Khi cháu bé được bắt ra đã bị ngạt, toàn thân tím tái phải tiến hành đặt nội khí quản cho thở máy. Trong khi đó, một bộ phận khác cấp cứu người mẹ”, BS Bình cho biết. (Tiền phong (trang 2).
Hiện cháu bé đã khỏe mạnh và hoàn toàn ổn định, bú bình và được người thân chăm sóc.
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN