Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Điều trị phẫu thuật ” Phình mạch máu não”

Điều trị phẫu thuật ” Phình mạch máu não”

  1. Phình mạch não là gì?

Phình mạch não (Aneurysm) là sự phình ra hay phồng lên của một phần thành mạch máu não tại điểm thành mạch máu bị yếu. Tại nơi túi phình hình thành thì thành mạch máu trở nên mỏng hơn và yếu hơn. Vì thành mạch quá mỏng nên dễ vỡ, máu tràn vào khoang ở xung quanh não, gọi là khoang dưới màng nhện gây nên xuất huyết khoang dưới nhện. Máu có thể tràn vào hệ thống dịch não tủy hoặc vào nhu mô não gây nên tụ máu trong não. Điều này có thể gây kích ứng, tổn thương hoặc phá hủy các tế bào não lân cận. Trong các trường hợp nghiêm trọng, tình trạng xuất huyết có thể gây tổn thương não, liệt, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

  1. Đối tượng dễ bị bệnh

Tỷ lệ phình mạch não trung bình khoảng 5% dân số. Phình mạch não có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, vỡ phình mạch thường gặp nhất ở lứa tuổi 50-60. Nữ có tỷ lệ cao hơn nam giới.

Cho đến bây giờ cơ chế chính xác gây nên túi phình động mạch vẫn chưa được hiểu một cách cặn kẽ. Trước đây, người ta cho rằng là do khiếm khuyết bẩm sinh ở thành mạch. Bây giờ, người ta thấy rằng sự hình thành túi phình là một quá trình thoái hóa với nhiều yếu tố cấu thành như:

–  Tuổi: tỷ lệ cao hơn khi độ tuổi tăng lên

–  Hút thuốc lá: đây là một yếu tố nguy cơ rất cao

–  Xơ vữa mạch máu: làm suy thành mạch

–  Tăng huyết áp

–  Uống nhiều rượu

–  Sử dụng chất kích thích (ma túy)

–  Chấn thương hoặc tổn thương mạch máu

–  Biến chứng từ một số loại bệnh nhiễm trùng máu

  1. Triệu chứng bệnh

Một số người bị túi phình mạch não không có bất kỳ triệu chứng gì trước khi bị vỡ. Túi phình vỡ một cách đột ngột. Khoảng 30-60%  bệnh nhân có “đau đầu cảnh báo” từ nhiều ngày đến nhiều tuần trước khi vỡ túi phình, và đây được cho là triệu chứng “cảnh báo sự rò rỉ”. Tại thời điểm vỡ phình mạch, có thể gây nên các triệu chứng sau:

–  Đột ngột đau đầu dữ dội (cảm giác đau như bị dao đâm)

–  Cứng cổ

–  Buồn nôn và nôn

–  Mờ mắt và rối loạn vận ngôn

–  Tê và yếu một phần cơ thể

–  Co giật

–  Nhạy cảm với ánh sáng

–  Mất ý thức

(Bất kỳ triệu chứng nào trên đây cũng đều rất nghiêm trọng, và bệnh nhân cần được đưa vào viện cấp cứu ngay).

Khi nứt hoặc vỡ ra, các phình động mạch não có thể gây tai biến mạch não hoặc tử von

4.Chẩn đoán túi phình mạch não ?

a.Chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT scan)

CT scan sọ não là chỉ định hình ảnh học đầu tiên đối với bệnh nhân tự nhiên đột ngột đau đầu dữ đội. Khi túi phình vỡ, chảy máu thường xảy ra ở trong khoang dưới màng nhện gây nên xuất huyết dưới nhện. Tình trạng này được chẩn đoán tốt nhất bằng CT scan não. Vị trí máu dưới màng nhện trên CTscan có thể cung cấp thông tin hữu ích về vị trí túi phình và nguyên nhân gây khiếm khuyết thần kinh.

b.Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA)

Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán phình mạch não. Chụp động mạch não là một loại X quang đặc biệt cho thấy hàng loạt hình ảnh mạch máu ở đầu và cổ. Chụp động mạch não xác định được kích thước, hình ảnh và vị trí chính xác của túi phình. Chụp động mạch não được thực hiện bằng cách luồn ống thông vào động mạch, thường ở vùng bẹn, ống thông được di chuyển qua các động mạch để đến mạch máu lớn ở trên tim, gọi là động mạch cảnh, sau đó sẽ bơm thuốc cản quang vào động mạch não. Một số lượng hình ảnh X quang sẽ được ghi lại, từ đó sẽ tạo được bản đồ mạch máu trong não

c.Chụp CT mạch máu não (CTA)

Đây là phương pháp không xâm lấn, sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính, phác thảo các động mạch máu não. Trong khi chụp mạch não (DSA)  cho đến nay vẫn là tiêu chuẩn vàng để xác định túi phình, thì chụp CT mạch não ngày nay đang dần phổ biến hơn. CTA có thể phát hiện tới 97% các túi phình mạch não

d.Chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp MR mạch máu (MRA)

– MRI là một phương pháp điện toán giúp dựng hình não trong không gian 3 chiều bằng cách sử dụng một từ trường mạnh thay vì tia X-quang để thu thập hình ảnh. MRI cho hình ảnh của não bộ và các mô mềm chi tiết hơn so với phương pháp CT, X-quang thông thường. Phương pháp kiểm tra này đôi khi được tiến hành bổ sung cho CT scan.

– MRA là một phương pháp kiểm tra không xâm lấn, sử dụng công nghệ MR, để tạo sơ đồ các động mạch trong não. Với một máy MRI chất lượng tốt, hình ảnh có độ phân giải cao của các động mạch có thể đạt được. MRA có thể phát hiện túi phình mạch não với độ nhạy 87% và độ đặc hiệu là 92%. Tuy nhiên, tiến hành MRI tốn nhiều thời gian hơn so với CT scan.

5.Những nguy cơ sức khỏe khôn lường đến từ vỡ túi phình mạch máu não

  • Có khoảng 10% bệnh nhân bị phình động mạch não đã tử vong trước khi được phát hiện và chăm sóc y tế.
  • Có khoảng 50% trường hợp tử vong trong vòng 1 tháng khi bệnh khởi phát
  • Ngoài ra có thể có những di chứng kèm theo khi bệnh đã được điều trị: di chứng thần kinh (liệt nửa người, thất ngôn…), tràn dịch não thất (giãn não thất
    6.Lựa chọn điều trị?

– Mục tiêu tức thời của việc xử lý bệnh nhân bị vỡ phình mạch não là ngăn chặn xuất huyết lần 2.

– Hiện nay trên thế giới có 2 phương pháp điều trị chính, cả hai phương pháp này đã và đang áp dụng tại bệnh viện HNĐK Nghệ An:

a.Can thiệp nội mạch hay đặt coil (dây xoắn)

Đặt coil nội mạch là một thủ thuật ít xâm lấn, và được thực hiện bởi Bác sĩ chuyên can thiệp nội mạch. Một ống thông được luồn qua động mạch đùi ở bẹn và được đưa cẩn thận lên não. Bằng cách đưa một dây xoắn (coil) vào túi phình mạch từ bên trong, làm tắc nghẽn nên máu không chảy vào túi phình, ngăn chặn việc vỡ lại.

b.Phẫu thuật kẹp túi phình

– Phẫu thuật kẹp túi phình mạch não được thực hiện bởi Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thần kinh. Sau khi mở sọ ở vùng trán-thái dương (pterion), đồng thời sử dụng kính vi phẫu, phẫu thuật viên thần kinh có thể cẩn thận theo dấu các mạch máu liên quan để tìm đến túi phình bị vỡ. Một hoặc nhiều clip (kẹp) bằng kim loại ( thường làm bằng titan) sẽ được kẹp vào cổ túi phình. Chụp hình mạch náu não được thực hiện sau phẫu thuật để kiểm tra việc đóng kín túi phình và giữ lưu lượng máu não bình thường.

 

Phình mạch máu não là một bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ để lại di chứng cao thậm chí là tử vong. Bệnh cần được phát hiện và xử lý kịp thời để không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An đã triển khai thành công kỹ thuật kẹp túi phình mạch máu não với tỷ lệ thành công lên tới > 95%. Ca phẫu thuật được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Bs – Ths: Nguyễn Hồng Việt

Khoa Phẫu Thuật Thần Kinh Cột Sống Bệnh Viện HNĐK Nghệ An