Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến nhất của đường tiết niệu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về bệnh sỏi thận một cách toàn diện nhất.
1. Bệnh sỏi thận là gì?
Sỏi thận là các tinh thể vật cứng xuất hiện ở nhiều vị trí bể thận, đài thận… Khi nước tiểu bị cô đặc và các khoáng chất như acid uric, canxi, natri, oxalat,… không hòa tan sẽ kết dính với nhau tạo thành sỏi. Tùy từng thời gian và mức độ lắng đọng, viên sỏi thường có kích thước khác nhau. Sỏi thận thường không “nằm im” ở một vị trí trong thận mà có thể theo dòng chảy nước tiểu rơi xuống niệu quản, bàng quang.
2. Triệu chứng nhận biết
Một số loại sỏi không gây ra triệu chứng gì và có kích thước nhỏ. Sỏi không triệu chứng thường được phát hiện trong quá trình chụp X-quang, siêu âm hoặc trong các quy trình chẩn đoán hình ảnh.
Một viên sỏi thận thường không gây ra triệu chứng cho đến khi nó di chuyển bên trong thận hoặc đi vào ống niệu quản xuống bàng quang. Lúc này, người bệnh sẽ cảm nhận thấy một số dấu hiệu sau:
– Đau: điển hình nhất là cơn đau quặn thận, đau dữ dội theo từng cơn ở hai bên hố thắt lưng ngay dưới xương sườn sau đó lan đến vùng bụng dưới và háng. Đau khiến người bệnh không thể ngồi yên hoặc tìm thấy một tư thế nào thoải mái. Nếu sỏi nhỏ hoặc nằm ở trong bể thận thường gây đau âm ỉ.
– Đi tiểu ra máu: sỏi cọ xát gây chảy máu, nước tiểu hồng như màu nước rửa thịt, ít khi có máu cục.
– Tiểu buốt: đau rát mỗi lần đi tiểu.
– Tiểu rắt: tăng rõ rệt tần suất đi tiểu, lượng nước tiểu thường ít.
– Nước tiểu đục, có màu sắc bất thường: có mủ trắng và mùi rất khó chịu, lúc này sỏi đã gây biến chứng nhiễm khuẩn.
– Các biểu hiện khác: sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa.
3. Nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ gây nên sỏi thận
Bệnh sỏi thận có thể gặp ở bất kỳ ai và nguyên nhân hình thành sỏi thận thì đa dạng khác nhau, chẳng hạn như:
– Nước tiểu bị cô đặc, cơ thể bị thiếu nước, mất nước do bệnh lý tiêu chảy hoặc do đổ nhiều mồ hôi khiến các khoáng chất dễ kết dính tạo sỏi. Thói quen nhịn tiểu, lười vận động,…
– Chế độ ăn chưa khoa học, ăn quá nhiều đạm động vật, muối, đường,… làm tăng nồng độ canxi và acid uric trong nước tiểu.
– Mắc kèm các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh dạ dày, viêm ruột, bệnh gút, loãng xương, đái tháo đường, tăng huyết áp, cường giáp, các dị dạng đường tiết niệu, túi thừa đường tiết niệu,…
– Do ảnh hưởng tác dụng phụ của các thuốc điều trị khác như thuốc chữa tăng huyết áp, thuốc tiểu đường, thuốc kháng acid,…
– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu
4. Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?
Hai quả thận đảm nhiệm chức năng chính trong hệ tiết niệu nên nếu sỏi quá lớn, cản trở lưu thông nước tiểu sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
– Tắc nghẽn đường tiết niệu: sỏi thận rơi xuống điểm nối thận – niệu quản khiến nước tiểu không được lưu thông gây nên tình trạng thận ứ nước, giãn đài bể thận.
– Viêm đường tiết niệu: sỏi thận là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn và khi sỏi di chuyển cọ xát gây chảy máu và viêm ở thận hoặc niệu quản, bàng quang, niệu đạo…
– Suy giảm chức năng thận: các tổn thương ở thận đều có thể gây suy thận cấp tính hoặc mạn tính, gây tốn kém chi phí trong điều trị.
– Biến chứng vỡ thận đột ngột gây tử vong.
5. Điều trị sỏi thận như thế nào
Đối với từng trường hợp cũng như kích thước sỏi thận để áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Khi bị sỏi thận, bạn nên đi thăm khám ở những cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Trường hợp sỏi kích thước nhỏ và được phát hiện sớm thì có thể uống nhiều nước để sỏi tự đào thải bằng đường tiểu. Cùng với đó, bệnh nhân nên uống thêm thuốc sát khuẩn đường tiểu, thuốc chống viêm theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị sỏi thận hiệu quả.
Trường hợp bệnh nặng, kích thước viên sỏi quá lớn gây tắc đường tiết niệu mà không tự điều trị được thì có thể bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật để lấy sỏi ra. Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật tân tiến hiện nay như:
– Tán sỏi nội soi ngược dòng: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi đưa vào niệu đạo và bàng quang đến niệu quản. Sau khi đã tìm thấy sỏi, các bác sĩ có thể hút bỏ hoặc phá vỡ chúng thành các phần nhỏ hơn bằng laser.
– Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (ESWL): đây là phương pháp dùng sóng xung kích để phá vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ. Những mảnh vụn này sẽ theo đường tiểu đi ra ngoài cơ thể.
– Tán sỏi qua da (PCNL): Đây là hình thức phẫu thuật được đánh giá rất cao và được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Phương pháp này áp dụng được cho mọi loại sỏi và gần như có thể thay thế mổ mở. Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ gây mê và rạch 1 vết tầm 0,5cm trên lưng để đưa dụng cụ nội soi vào. Quan sát qua màn hình siêu âm để xác định chính xác vị trí của sỏi, sử dụng năng lượng laser tác động làm vỡ sỏi thành mảnh nhỏ và hút chúng ra ngoài.
– Mổ mở lấy sỏi nếu sỏi quá lớn: Đối với trường hợp sỏi quá lớn và không thể tiến hành tán sỏi thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mổ mở để loại bỏ sỏi.
Hiện tại, Khoa Ngoại thận – tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã triển khai thường quy các phương pháp điều trị sỏi thận bằng kỹ thuật ít xâm lấn như: Tán sỏi ngoài cơ thể, Tán sỏi thận qua da, Tán sỏi thận qua nội soi niệu quản …, đã giúp cho bệnh nhân tiết kiệm chi phí, thời gian, đồng thời tiếp cận được các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh mà không phải chuyển tuyến trên.
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN