Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Điều trị xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch máu não

Điều trị xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch máu não

 1. Túi phình mạch máu não là gì?

Túi phình mạch máu não là tình trạng mạch máu trong não bị phình ra tại một vị trí nào đó, có hình dạng giống như một chiếc túi. Túi phình mạch não có thể không bị vỡ và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh, hoặc ngược lại. Trường hợp túi phình mạch máu não không vỡ đa phần chỉ được phát hiện khi người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp MRI não, chụp CT não…

 

             Hình ảnh túi phình động mạch máu não chưa vỡ.

Chứng phình mạch máu não hình thành và phát triển do áp lực của dòng máu chảy qua vùng yếu của thành mạch não. Sau khi hình thành, túi phình mạch máu não có thể tăng kích thước, khiến chúng nhanh chóng bị vỡ. Khi bị vỡ, túi phình mạch não sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ xuất huyết não, mất ý thức, động kinh, xuất huyết dưới nhện, não úng thủy, co thắt mạch… thậm chí dẫn đến tử vong.

2. Biến chứng vỡ túi phình mạch máu não

Túi phình mạch máu não bị vỡ sẽ gây xuất huyết não. Tình trạng chảy máu trong não có thể dẫn đến đột quỵ xuất huyết não, làm tổn thương và giết chết các tế bào não. Đồng thời, áp lực nội sọ gia tăng làm gián đoạn quá trình cung cấp máu và oxy cho não. Lúc này, người bệnh có thể bị mất dần ý thức và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Một số biến chứng nguy hiểm thường gặp sau khi bị vỡ túi phình mạch máu não gồm có:

  • Tái phát xuất huyết não: Vỡ túi phình mạch máu não đã được điều trị vẫn có nguy cơ tái phát gây xuất huyết não. Tình trạng xuất huyết não này sẽ khiến các tế bào não bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Co thắt mạch: Sau khi vỡ túi phình mạch máu não, các mạch máu trong não sẽ co lại và bị thu hẹp đáng kể, được gọi là co thắt mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến đột quỵ não do thiếu máu cục bộ.
  • Não úng thủy: Đây là tình trạng tích tụ chất lỏng trong não. Thông thường, túi phình mạch máu não bị vỡ xảy ra ở khoảng trống trong não và các mô bao phủ não. Máu từ túi phình bị vỡ ngăn chặn sự chuyển động của chất lỏng bao quanh tủy sống và não. Chất lỏng dư thừa sẽ gây áp lực lên não, làm chết các mô não.
  • Rối loạn natri máu: Xuất huyết não do vỡ túi phình mạch máu não có thể phá vỡ sự cân bằng natri trong máu. Nồng độ natri trong máu giảm có thể gây sưng và tổn thương vĩnh viễn các tế bào não. Điều này xảy ra do túi phình mạch não bị vỡ dẫn đến tổn thương khu vực gần đáy não. Vỡ túi phình mạch máu não có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tái phát xuất huyết não, co thắt mạch, não úng thủy, rối loạn natri máu…

3. Nguyên nhân vỡ túi phình mạch máu não

Một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của túi phình mạch máu não khiến chúng rò rỉ hoặc bị vỡ, trong đó thường gặp hơn cả là tình trạng tăng huyết áp đột ngột. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vỡ túi phình mạch não. Khi huyết áp trong cơ thể tăng cao sẽ khiến máu bị đẩy vào thành mạch não với cường độ mạnh, làm túi phình mạch máu não tăng kích thước đột ngột và nhanh chóng vỡ. Các yếu tố rủi ro có thể gây tăng huyết áp và dẫn đến tình trạng vỡ túi phình mạch não, bao gồm:

  • Thường xuyên trong trạng thái căng thẳng: Khi cơ thể căng thẳng hay tức giận, huyết áp sẽ tăng cao một cách đột ngột, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có vỡ túi phình mạch não.
  • Vận động với cường độ mạnh: Vận động hoặc lao động với cường độ mạnh như chống đẩy, khiêng vác vật nặng, tập thể dục ở cường độ cao… cũng là nguyên nhân có thể làm tăng huyết áp đột ngột khiến cho túi phình mạch não bị rò rỉ hoặc vỡ.
  • Bệnh tăng huyết áp không được điều trị: Người mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không được điều trị hoặc không duy trì uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ khiến tình trạng tăng huyết áp trở nên nghiêm trọng hơn. Từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não, xuất huyết dưới nhện, vỡ túi phình mạch máu não…

Tuy nhiên, không phải tất cả túi phình mạch máu não đều bị vỡ. Một số yếu tố giúp xác định khả năng bị vỡ của túi phình mạch máu não bao gồm:

  • Kích thước và hình dạng: Túi phình mạch máu não kích thước nhỏ sẽ có ít nguy cơ bị vỡ hơn so với túi phình kích thước lớn, có hình dạng bất thường.
  • Tốc độ phát triển: Túi phình mạch máu não được chẩn đoán đang phát triển nhanh chóng có nhiều khả năng bị rò rỉ hoặc vỡ trong tương lai.
  • Vị trí hình thành: Túi phình mạch máu não hình thành tại động mạch thông sau và động mạch thông trước có nguy cơ bị vỡ cao hơn so với túi phình xuất hiện ở vị trí khác.
  • Chủng tộc: Nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng một số chủng tộc trên thế giới có nguy cơ bị vỡ túi phình mạch máu não cao hơn các chủng tộc còn lại.
  • Tuổi tác: Thống kê về những trường hợp mắc chứng phình mạch máu não cho thấy người trên 70 tuổi có nguy cơ bị vỡ túi phình cao hơn người trẻ tuổi.

Ngoài ra, người có nhiều hơn 1 túi phình trong mạch máu não hoặc từng bị vỡ túi phình động mạch não trước đó có nguy cơ bị vỡ túi phình cao hơn người bình thường.

 

             Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây vỡ túi phình hàng đầu.

4. Triệu chứng vỡ túi phình mạch máu não

Đau đầu dữ dội là triệu chứng đầu tiên xuất hiện sau khi túi phình mạch máu não bị vỡ. Đau đầu do túi phình mạch não bị vỡ có cường độ mạnh và nhịp độ dồn dập khác hẳn những cơn đau đầu thông thường. Ngoài ra, túi phình mạch não bị vỡ còn gây ra một số triệu chứng khác, bao gồm:

  • Mệt mỏi, uể oải.
  • Đau cổ, cứng vùng cổ.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Thị lực giảm, nhìn đôi.
  • Rối loạn hoặc mất ý thức.
  • Co giật.
  • Yếu liệt một bên cơ thể hoặc toàn thân.

Trước khi bị vỡ, túi phình mạch máu não có thể đã bị rò rỉ. Túi phình mạch máu não bị rò rỉ sẽ gây ra một số triệu chứng. Trong đó triệu chứng phổ biến hơn cả là đau đầu dữ dội một cách đột ngột. Những cơn đau đầu do túi phình mạch não bị rò rỉ có thể xuất hiện trong vài ngày hoặc kéo dài đến 2 tuần.

5. Chẩn đoán vỡ túi phình mạch máu não

Khi nghi ngờ người bệnh bị vỡ túi phình mạch máu não, bác sĩ sẽ chỉ định cho thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm:

CTscan và CT angiography

Khẳng định chẩn đoán xuất huyết màng não > 95% (thực hiện trong vòng 48 giờ). CT scan không cản quang – độ nhạy và chuyên biệt cao, có thể thực hiện nhanh và sớm. Kiểu phân bố máu có thể gợi ý vị trí túi phình và lượng máu dự đoán nhồi máu não do co mạch (thang điểm Fisher). Ngoài ra, còn cung cấp thông tin về tình trạng não úng thủy, máu trong nhu mô não, u não, dị dạng mạch máu não (DDMMN).

CT angiography (CTA) có thể thực hiện nhanh và kết hợp với CT scan ban đầu, phù hợp trong các trường hợp nặng để chẩn đoán nhanh và lên kế hoạch điều trị (độ nhạy tương đương DSA nếu phình mạch > 4mm) và cho hình ảnh 3 chiều có thể can thiệp.

MRI và MRA

Có nhiều tiến bộ để chẩn đoán (giới hạn ở các trường hợp cấp cứu): Ptoton density và flair độ nhạy tương đương CT scan. MRA giúp chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện nhồi máu não muộn (DWI và PWI). Nên xem xét ở các trường hợp đặc biệt như mang thai.

DSA (Digital subtraction angiography)

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán vỡ túi phình trong xuất huyết màng não – độ nhạy 95%, và hình ảnh tái tạo ba chiều giúp thấy rõ cổ túi, cấu trúc giải phẫu, các mạch máu lân cận để lên kế hoạch đặt coil hoặc clip.

Chọc dò tủy não tủy

Giúp chẩn đoán các trường hợp không rõ trên CT scan. Cần chú ý thời điểm đánh giá: dịch não tủy máu trong khoảng 0-12 giờ sau xuất huyết màng não (khó phân biệt chạm mạch). Dịch não tủy cần ly tâm ngay để phát hiện xanthochromia thật sự và giữ phòng tối để tránh ánh sáng phá vỡ thành bilirubin. Thông thường để chẩn đoán xuất huyết màng não bằng dịch não tủy cần chờ ít nhất 06 giờ (tốt nhất 12 giờ) để phát hiện bilirubin (chỉ tạo thành khi hồng cầu vỡ và tồn tại đến vài tháng sau xuất huyết màng não). Để phân biệt nhiễm trùng cần cấy và đo các chỉ số kháng thể trong dịch não tủy.

Nếu không may nhận thấy bản thân thường xuyên xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ vỡ túi phình mạch máu não như đau đầu, nhìn kém, co giật, rối loạn ý thức… người bệnh cần sớm đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.

6. Cách điều trị túi phình mạch não bị vỡ

Mục tiêu của việc điều trị túi phình mạch máu não bị vỡ là làm giảm hoặc ngăn chặn hoàn toàn lưu lượng máu chảy vào túi phình. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, đưa ra lựa chọn điều trị túi phình mạch não bị vỡ phù hợp dựa trên vị trí, kích thước túi phình, sức khỏe của người bệnh và một số yếu tố khác. Người bệnh bị vỡ túi phình mạch máu não có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc đặc trị, cụ thể như sau:

6.1. Phẫu thuật điều trị vỡ túi phình mạch máu não

Phẫu thuật kẹp túi phình mạch máu não bị vỡ: Bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ thực hiện mổ mở sọ, đặt kẹp kim loại (titan) xuyên qua miệng túi phình động mạch để ngăn không cho máu tiếp tục chảy vào túi phình mạch máu não. Phẫu thuật có xâm lấn này được thực hiện với mục đích dự phòng trước khả năng mạch máu não bị vỡ và xảy ra tình trạng xuất huyết trong sọ não.

6.2. Can thiệp nội mạch

Đây là thủ thuật ít xâm lấn, được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên can thiệp nội mạch. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông qua động mạch ở đùi hoặc bẹn rồi đưa chúng lên não.

Sau đó sử dụng các phương pháp can thiệp khác nhau như sử dụng vòng xoắn kim loại (Coil) đơn thuần hay kết hợp với bóng, Stent chẹn cổ túi phình hoặc dùng Stent làm thay đổi dòng chảy để làm tắc nghẽn túi phình, từ đó chặn đứng tình trạng máu chảy vào túi phình, ngăn chặn việc vỡ mới hoặc vỡ lại túi phình.

             Hình ảnh túi phình động mạch não vỡ được chụp và can thiệp nút phình động mạch não số hóa xóa nền tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

6.3. Điều trị túi phình mạch não bị vỡ bằng thuốc

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc với mục đích ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng có nguy cơ xảy ra ở người bị vỡ túi phình mạch não, bao gồm:

  • Thuốc chống động kinh: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống động kinh cho người bị vỡ túi phình mạch máu não để ngăn ngừa những cơn co giật bất chợt.
  • Thuốc chẹn canxi: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chẹn canxi cho người bị vỡ túi phình mạch não để làm giảm nguy cơ đột quỵ não do co thắt mạch máu.

Thông thường, sau quá trình điều trị vỡ túi phình mạch máu não từ 10 đến 14 ngày là khoảng thời gian dễ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như tái phát xuất huyết não, co thắt mạch máu não, não úng thủy… Vì vậy, nếu cơ thể có các triệu chứng bất thường như ngất xỉu, chảy máu cam, mất ý thức, đau đầu… người bệnh cần thông báo với bác sĩ ngay để được hỗ trợ sớm.