Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Dùng nhiều thuốc cùng lúc Làm sao bớt hại?

Dùng nhiều thuốc cùng lúc Làm sao bớt hại?

Dùng nhiều thuốc cùng lúc Làm sao bớt hại?

Khi kê đơn thuốc từ hai loại trở lên, người thầy thuốc phải cân nhắc đến sự tương tác giữa các thuốc, làm sao phải có lợi, nếu không thì hại chỉ nhỏ và ít nhất.

Ít khi đi khám bệnh mà thầy thuốc chỉ ghi một loại thuốc trong đơn, ngược lại có đến 3 – 4 loại, thậm chí cả 5 – 6 loại. Lắm lúc người bệnh không đi khám mà tự đến nhà thuốc mua dưới sự hướng dẫn của nhân viên bán thuốc, cũng phải mua 4 – 5 loại thuốc.

Tương tác thuốc sẽ xảy ra khi dùng từ hai thuốc trở lên.

Có một điều ít ai chú ý là cứ hai thứ thuốc vào cơ thể thì đã có tương tác với nhau rồi, khỏi phải cần đến nhiều thứ thuốc. Tương tác có lợi là khi thuốc hỗ trợ nhau tăng cường tác dụng. Tương tác bất lợi là làm giảm tác dụng của nhau, có khi gây ra độc tính. Nếu tương tác bất lợi ít thì có thể bỏ qua vì phần lợi mà thuốc đem đến quan trọng hơn. Nhưng cũng có những trường hợp quá hại, không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí tử vong. Khi đề cập đến phần hại của tương tác, cần quan tâm đến những điều sau:

Sự tương tác làm giảm tác dụng của thuốc

Một thuốc muốn có tác dụng cần phải được hấp thu vào máu. Nếu lượng thuốc được hấp thu ít hay thời gian để thuốc vào đến máu kéo dài thì tác dụng của thuốc sẽ bị giảm đi.

Tại dạ dày, độ acid dịch vị có ảnh hưởng đến sự hấp thu của một số loại thuốc. Vì vậy, các thuốc trung hòa acid dạ dày thường dùng trong các chứng đau do thừa acid dạ dày như hydroxyd aluminum, hydroxyd magnesium hay thuốc ức chế sự bài tiết dịch vị cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine hay thuốc ức chế bơm proton (kết quả là ức chế bài tiết dịch vị) omeprazole, rabeprazole, pantoprazole; tất cả các thuốc này làm giảm sự hấp thu của những thuốc kháng viêm không steroid (ibuprofen, meloxicam,tenoxicam, piroxicam, diclofenac…) và cả amoxcyclin, tetracyclin.

Những thuốc có khả năng tạo một màng bao phủ niêm mạc đường tiêu hoá như sucralfat, bismuth để trị loét dạ dày hay smecta trị tiêu chảy cũng ngăn cản sự hấp thu của các thuốc dùng chung với nó, vì lớp màng nhầy này vừa có tác dụng bảo vệ niêm mạc nhưng lại cũng ngăn cản thuốc không cho thấm vào các mao mạch trong đường tiêu hóa.

Lại có khi các thuốc uống cùng với nhau xảy ra phản ứng tạo thành phức hay tủa làm sự hấp thu của thuốc bị giảm đi. Như tetracyclin khi uống chung với các thuốc chứa calci hay sắt sẽ làm giảm rõ rệt sự hấp thu của kháng sinh này lẫn thuốc kèm theo. Vì vậy không nên uống tetracyclin với sữa hay uống chung với các thuốc chứa calci, sắt.

Nếu xảy ra sự tương tác bất lợi giữa hai loại thuốc đều cần thiết thì nên uống cách nhau 2 – 3 giờ.

Tác dụng của thuốc bị giảm cũng có khi là do các thuốc dùng chung có tác dụng đối nghịch nhau. Chẳng hạn: acetylcystein là thuốc có tác dụng long đờm, giúp dễ ho khạc để làm thông thoáng đường hô hấp, nếu dùng chung với một thuốc giảm ho dextromethorphan thì bệnh nhân sẽ không giảm ho nữa, như vậy sẽ mất tác dụng của thuốc long đờm. Sự phối hợp này có thể rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ vì các bé chưa biết khạc, đờm nhớt sẽ ứ lại không thoát ra được khỏi đường hô hấp, sẽ làm tắc và nhiễm khuẩn nặng hơn.

Ngay cả các loại vitamin, mà đa số mọi người đều nghĩ là bổ cũng có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc khác. Nếu dùng liều cao vitamin C có thể làm mất tác dụng của vitamin B12 khi dùng chung. Vitamin B6 làm mất tác dụng của levodopa trong điều trị bệnh Parkinson.

Tương tác làm tăng độc tính của thuốc

Tác dụng phụ của thuốc có thể tăng lên khi dùng chung với một thuốc khác. Chẳng hạn: paracetamol là một thuốc giảm đau hạ sốt rất hay dùng, nhưng độc với gan. Tính độc này tăng lên khi dùng chung với isoniazid. Vì vậy, bệnh nhân lao khi đang được điều trị với isoniazid thì phải thận trọng khi dùng paracetamol. Các thuốc chống động kinh barbituric, phenytoin cũng làm tăng độc tính ở gan của paracetamol.

Thuốc aspirin do làm giảm sự kết tập tiểu cầu nên khi dùng chung với thuốc chống đông máu warfarin, clopidogrel sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Các thuốc kháng viêm không steroid có phản ứng phụ là đau dạ dày, nếu phối hợp với nhau sẽ gây xuất huyết tiêu hóa. Khi dùng chung erythromycin với lovastatin sẽ dễ làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân.

Tương tác có lợi

Khi dùng các thuốc có chứa sắt, nếu dùng thêm vitamin C sẽ tăng hấp thu sắt. Đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường mà dùng thêm sâm thì sẽ làm tăng tác dụng hạ đường máu (vì vậy cần giảm liều thuốc điều trị đái tháo đường).

Sự tương tác thuốc nói chung rất phức tạp. Nhưng trong điều trị vẫn phải cần đến phối hợp thuốc. Do đó, người thầy thuốc sẽ cân nhắc liều dùng sao cho phối hợp thuốc là có lợi hay giảm thiểu tối đa tác dụng phụ. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc hay kết hợp thuốc mà phải có chỉ định của thầy thuốc mới được dùng.

BS. NGÔ VĂN TUẤN

(Theo Sức khỏe đời sống)