Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Gian nan gắp dị vật đường thở phức tạp ở bé 1 tuổi

Gian nan gắp dị vật đường thở phức tạp ở bé 1 tuổi

Gian nan gắp dị vật đường thở phức tạp ở bé 1 tuổi

Trong lúc chơi đùa, bé trai Hoàng Khánh Duy (1 tuổi) ngậm viên đá dăm vào miệng và vô tình bị sặc vào đường thở. Bé nhanh chóng rơi vào trạng thái tím tái, khó thở, xuất hiện tình trạng ngạt thở. Gia đình khẩn trương đưa bé tới Bệnh viện đa khoa huyện, bé Duy được mở canuyl nội khí quản hỗ trợ hô hấp và khẩn trương chuyển Bệnh viện HNĐK Nghệ An cấp cứu.

Tối 5/12, bệnh nhi Hoàng Khánh Duy (Quỳnh Lưu) nhập viện với chẩn đoán bị dị vật đường thở, đã được mở khí quản giờ thứ 5, sốt do viêm phổi nặng, bị co kéo nhẹ cơ hô hấp. Qua phim chụp Xquang, các bác sỹ xác định có hình ảnh dị vật cản quang phế quản gốc phải, mờ đậm phổi phải. Dị vật gây bít tắc 1 bên phổi, phổi bên phải đã bị xẹp hoàn toàn. Bệnh nhân cần được khẩn trương gắp dị vật để hồi phục đường thở.

BS CKII. Tăng Xuân Hải thăm khám sức khỏe bệnh nhi Khánh Duy

Đối với các ca gắp dị vật đường thở khác, có thể sử dụng phương pháp nội soi, đưa kìm y tế vào đường thở để gắp dị vật. Nhưng với bệnh nhi 1 tuổi, tình hình khó khăn hơn rất nhiều, bởi lòng khí quản bệnh nhi quá nhỏ. Nếu sử dụng kìm to dễ gây rách phế quản, tràn khí trung thất, gây nguy hiểm cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu gắp không cẩn thận, viên đá dăm trơn trượt có thể di chuyển sang bên phế quản trái, bít hoàn toàn tất cả đường hô hấp thì bé sẽ tử vong nhanh chóng.

“Chúng tôi đã cố gắng áp dụng các biện pháp thường quy nhưng vẫn không thể lấy được dị vật. “Cái khó ló cái khôn”, cuộc hội chẩn liên khoa ngay bên bàn mổ giữa các khoa Tai Mũi Họng, Gây mê Hồi sức, Ngoại Tiết niệu đã quyết định dùng phương pháp sáng tạo mới: Một mặt, khoa Gây mê Hồi sức cố gắng giữ mê, kiểm soát tình hình cho bé. Mặt khác, tôi dùng thuốc chống phù nề phế quản cho bệnh nhân, rồi dùng móc tự tạo bằng que kim loại kéo dần viên đá lên. Sau khi viên đá được kéo lên vị trí thuận lợi hơn, bác sỹ Ngoại tiết niệu sử dụng rọ lấy sỏi (thường sử dụng trong các ca phẫu thuật lấy sỏi trong cơ thể) khéo léo lấy viên đá kích thước 0,5×1 cm ra ngoài. Cả ê kip chúng tôi vỡ òa trong niềm vui sướng và xúc động bởi đã cứu được bé khỏi lưỡi hái tử thần”. BS CKII. Tăng Xuân Hải, trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết.

Sau khi lấy được dị vật, bé được chuyển về khoa Hồi sức Ngoại khoa để theo dõi chặt chẽ. Chức năng hô hấp của bé được phục hồi nhanh. Bé chỉ phải sử dụng máy thở hỗ trợ hô hấp sau mổ một thời gian ngắn. Dị vật đã được lấy ra nên thông khí 2 phổi của bé tốt dần, phổi phải bị xẹp đã hồi phục tốt. Ngày thứ 2 sau khi lấy dị vật, bé tỉnh dần, hết sốt, tự thở và đã có thể ăn cháo.

Bé Khánh Duy (1 tuổi) đã phục hồi tốt sau khi trải qua ca nội soi lấy dị vật phức tạp

Được biết, Bệnh viện HNĐK Nghệ An thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh lý hóc dị vật như: hạt na, hạt lạc, xương cá,…Các bác sỹ bệnh viện đã tiến hành thường quy kỹ thuật nội soi gắp dị vật. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhi Duy là ca bệnh lý phức tạp nhất từng gặp, đòi hỏi trình độ tay nghề vững vàng, chuyên môn cao của bác sỹ và sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa. “Để tránh tình trạng cấp cứu đáng tiếc này, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc giám sát trẻ ngay cả khi ăn uống và lúc vui chơi. Tại địa phương, nếu trẻ bị dị vật đường hô hấp, sau khi cấp cứu tức thì, hãy nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện tuyến trên trong thời gian sớm nhất có thể, để công tác xử lý cấp cứu được kịp thời và ít tai biến, biến chứng.” BS CKII. Tăng Xuân Hải khuyến cáo.

Hoàng Yến