Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > HIV/AIDS và cách phòng tránh lây nhiễm – Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS 01/12

HIV/AIDS và cách phòng tránh lây nhiễm – Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS 01/12

Ngày 01 tháng 12 hằng năm là ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì đại dịch HIV/AIDS.

             

 I. HIV/AIDS là gì?

HIV là một chữ viết tắt của cụm từ tiếng Human Immuno-deficiency Virus (Vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người).

 

AIDS (Acquired Immuno Deficiency Syndrom)  là chữ viết tắt của “Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải” ở người. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Trong giai đoạn này hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như: nhiễm trùng, nhiễm nấm, Lao, ung thư…

II. Triệu chứng lâm sàng: HIV có 04 giai đoạn lâm sàng

1. Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ)

 Thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong giai đoạn này dễ lây bệnh cho người khác nếu quan hệ tình dục không an toàn hoặc sử dụng chung bơm kim tiêm).

2. Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng

Thời gian từ 5 đến 7 năm và có thể kéo dài hơn, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm (+) dương tính HIV.

3. Giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng (cận AIDS)

Giai đoạn này người bệnh bắt đầu có những biểu hiện toàn thân điển hình hoặc không điển hình gợi ý đến tình trạng suy giảm miễn dịch như: hạch to toàn thân, mệt mỏi, gầy sút cần, suy kiệt, sốt hoặc tiêu chảy kéo dài, bệnh Candida miệng hoặc âm đạo, lao phổi, Herpes zoster (bệnh Zona)…

4. Giai đoạn AIDS: là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV

– Biểu hiện các triệu chứng sau: Hội chứng suy mòn do HIV, gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể), sốt, tiêu chảy, ho kéo dài trên 1 tháng. Xuất hiện nhiều bệnh lý mới như: ưng thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân.

– Người bệnh nhanh chóng tử vong tùy theo điều kiện chăm sóc và điều trị. HIV/AIDS không phải là bệnh xã hội, mà là một căn bệnh thật sự không phải chỉ những người “xấu”, người dính vào tệ nạn XH mới nhiễm HIV, mà tất cả mọi người đều có thể nhiễm HIV, nếu không thực hiện các hành vi an toàn.

III. Các con đường lây truyền HIV/AIDS

1. Tình dục: Vi rút HIV có rất nhiều trong chất dịch sinh dục của người bị nhiễm. Do vậy, vi rút HIV có thể xâm nhập vào máu bạn tình qua cơ quan sinh dục. Việc sinh hoạt tình dục dù có giao hợp hay chỉ tiếp xúc cơ quan sinh dục đều có khả năng lây nhiễm.

2. Đường máu

– HIV có rất nhiều trong máu người nhiễm. Do vậy việc dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế không qua tiệt trùng với người nhiễm HIV, truyền máu của người nhiễm HIV đều làm cho bạn bị lây nhiễm HIV.

– Riêng về ma túy, bản thân nó không sinh ra HIV nhưng người nghiện ma túy dễ dàng bị lây nhiễm HIV khi dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện hoặc bơm kim tiêm tại tụ điểm bán thuốc.

3. Từ mẹ sang con

Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25-30%. HIV có thể lây từ mẹ sang bé qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi  mẹ cho con bú. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá 3 năm nếu không được điều trị kịp thời.

IV. Cách phòng tránh : Dựa vào đường lây nhiễm HIV, có các biện pháp phòng sau:

1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục

– Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi.

– Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.

– Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.

2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu

– Không tiêm chích ma túy.

– Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.

– Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu,…

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.

– Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,…

3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con

– Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.

– Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.

HIV KHÔNG CÒN LÀ ÁN TỬ

Hiện nay nhờ tiến bộ của khoa học, nhiễm HIV không còn là “án tử”. Một người nhiễm HIV uống thuốc kháng vi-rút (ARV) hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) sẽ không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang cho bạn tình của họ qua đường tình dục.

Những năm gần đây, các nghiên cứu khoa học đã đưa ra bằng chứng: “Một người uống thuốc kháng vi rút (ARV) hằng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng vi rút ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính”. Tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu được xác định là ngưỡng không phát hiện. Bằng chứng khoa học này được gọi là “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K).