Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Hội chứng gan thận  – Biến chứng gây tử vong khó điều trị của Bệnh xơ gan

Hội chứng gan thận  – Biến chứng gây tử vong khó điều trị của Bệnh xơ gan

Hội chứng gan thận (Hepatorenal syndrome) với tên viết tắt là HRS là tình trạng suy giảm chức năng thận xảy ra ở những người mắc phải bệnh gan mạn tính, bị suy gan tiến triển hoặc xơ gan có tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Đây được xem là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh lý xơ gan. Chúng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

 

 

Hội chứng gan thận được phân thành các nhóm: Hội chứng gan thận có tổn thương thận cấp (HRS- AKI), hội chứng gan thận có bệnh thận cấp (HRS- AKD) và hội chứng gan thận có bệnh thận mạn (HRS- CKD). Trong đó HRS-AKI có tiên lượng sống xấu nhất. Đặc biệt khi bệnh nhân có suy thận tiến triển nhanh, thì tỉ lệ tử vong sau 3 tháng gần như là 100%

        1. Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy Hội chứng gan thận

  • Dùng thuốc độc cho gan
  • Dùng lợi tiểu quá mức
  • Suy giảm thể tích tuần hoàn trong các bệnh cảnh như tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa…
  • Chọc tháo một lượng lớn dịch ổ bụng mà không được truyền bù plasma.
  • Tình trạng nhiễm trùng, trong đó nhiễm trùng dịch cổ chướng chiếm 20% các trường hợp bệnh nhân HRS có tổn thương thận cấp
  • Viêm gan rượu cấp mức độ nặng2. Hội chứng gan thận có tổn thương thận cấp tính (HRS-AKI)

Chẩn đoán Hội chứng gan thận có tổn thương thận cấp (HRS-AKI) khi có đầy đủ các tiêu chuẩn sau (theo hiệp hội cổ chướng quốc tế):

  • Bệnh nhân xơ gan cổ chướng hoặc suy gan cấp hoặc đợt cấp suy gan mạn
  • Có tổn thương thận cấp theo tiêu chuẩn KIDGO: nồng độ creatinin huyết thanh tăng trên 26.5umol/l trong 48 giờ hoặc tăng trên 50 % so với giá trị nền được xác định trong vòng 7 ngày trước.
  • Nồng độ của creatinin huyết thanh không cải thiện sau ít nhất 2 ngày điều trị ngừng thuốc lợi tiểu kết hợp cùng bồi phụ thể tích tuần hoàn với albumin. Khuyến cáo hàm lượng albumin được sử dụng là 1g/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Mức hàm lượng tối đa của albumin là 100g/ngày.
  • Không có tình trạng sốc.
  • Trong thời gian gần trước đó hoặc ở thời gian hiện tại không có sử dụng các loại thuốc độc với thận như thuốc giảm đau chống viêm NSAID; kháng sinh nhóm aminosid, glycopeptid; thuốc cản quang…
  • Không có các bệnh lý về nhu mô thận (hàm lượng protein niệu > 0,5g/ngày), tình trạng đái máu vi thể (nhiều hơn 50 hồng cầu/1 vi trường) hoặc có những dấu hiệu bất thường trên siêu âm hình ảnh thận.
  1. Hội chứng gan thận có bệnh thận cấp (HRS-AKD)

Chẩn đoán khi bệnh nhân có nồng độ creatinin huyết thanh tăng dưới 50% giá trị nền và mức lọc cầu thận giảm dưới 60 ml/p trong thời gian dưới 3 tháng mà không do nguyên nhân tổn thương cấu trúc thận

Nhóm này thường kèm theo cổ chướng dai dẳng.

  1. Hội chứng gan thận có bệnh thận mạn (HRS- CKD)

Tiên lượng của nhóm này tốt hơn nhóm HRS- AKI

Chẩn đoán khi bệnh nhân có mức lọc cầu thận giảm dưới 60 ml/p kéo dài trên 3 tháng mà không do nguyên nhân tổn thương cấu trúc thận

HRS- CKD thường tiến triển tự phát, không có yếu tố thúc đẩy, thường kèm theo cổ chướng dai dẳng

  1. Cần phân biệt loại trừ đợt cấp suy thận mạn ở bệnh nhân xơ gan

Trường hợp này sẽ phối hợp tiêu chuẩn chẩn đoán của AKI và CKD, tức bệnh nhân có tổn thương thận cấp tính ( nồng độ creatinin huyết thanh tăng trên 26.5umol/l trong 48 giờ hoặc tăng trên 50 % so với giá trị nền được xác định trong vòng 7 ngày trước ) trên nền bệnh nhân có tổn thương cấu trúc thận mạn ( bệnh thận lupus, bệnh thận do đái tháo đường, tăng huyết áp, gút, viêm cầu thận mạn…). Tuy nhiên đây không phải là hội chứng gan thận.

  1. Phương pháp điều trị hội chứng gan thận

– Điều trị các yếu tố khởi phát: điều trị tình trạng nhiễm trùng dịch ổ bụng ( kháng sinh+ bù albumin), điều trị can thiệp xuất huyết tiêu hóa, dùng đúng liều lợi tiểu, không sử dụng các thuốc đọc cho thận…

– Điều trị bằng thuốc co mạch + albumin. Đây được coi là khuyến cáo điều trị bước đầu cho HRS-AKI, nhưng ít hiệu quả với HRS-CKD. Terlipressin lả thuốc co mạch được sử dụng rộng rãi nhất. Midodrin cùng octreotid và noradrenalin là hai điều trị khác cần thêm các đánh giá lâm sàng.

– Phẫu thuật TIPS: là lựa chọn ưu tiên cho HRS-CKD thường đi kèm cổ chướng dai dẳng, hoặc là điều trị thay thế cho các trường hợp HRS-AKI không đáp ứng với thuốc co mạch tuy nhiên với HRS-AKI hay gây ra suy gan tiến triển hoặc hội chứng não gan.

– Ghép gan là phương án điều trị triệt để duy nhất mang lại khả năng sống lâu dài.

Hội chứng gan thận xuất hiện là một biến chứng nặng nề thay đổi tiên lượng sống của bệnh nhân xơ gan, có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. Do đó người bệnh xơ gan cổ chướng cần được thăm khám định kì tại cơ sở y tế chuyên khoa và điều trị phòng tránh các yếu tố thúc đẩy kịp thời để ngăn chặn các biến chứng xấu có thể xảy ra.

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN

🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới

🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An

🌎Website: www.bvnghean.vn

🌍Facebook: bvhndknghean

☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6