Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Bệnh Nội khoa > Tiêm insulin ở người bệnh đái tháo đường: Những điều nên biết

Tiêm insulin ở người bệnh đái tháo đường: Những điều nên biết

 

Đối với nhiều bệnh nhân đái tháo đường, tiêm insulin trở thành việc làm hằng ngày để kiểm soát đường huyết theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể tự tiêm insulin tại nhà, nhưng để đạt hiệu quả nhất, cần biết cách lựa vị trí tiêm phù hợp và thao tác tiêm đúng cách. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn về cách tiêm Insulin an toản và hiệu quả.

Insulin là gì?

Insulin là một loại hormone protein do tế bào β của tuyến tụy tiết ra, có tác dụng chuyển hóa đường huyết và tạo năng lượng cho cơ thể.

Về cơ chế hoạt động của insulin, chúng ta có thể hiểu một cách nôm na, mỗi tế bào trong cơ thể có một cánh cửa, trên mỗi cánh cửa đó sẽ có một ổ khóa (là thụ thể nơi insulin gắn vào), và insulin sẽ là một chìa khóa giúp mở ra cánh cửa này, đưa Glucose (1 loại phân tử đường được chuyển hóa từ các loại tinh bột, carbohydrate mà chúng ta ăn uống vào mỗi ngày) vào trong tế bào. Từ đó, các phân tử Glucose này mới có khả năng sinh ra năng lượng cho tế bào.

Hình minh họa cơ chế hoạt động của insulin

Tác động của insulin

Bình thường sau khi bữa ăn chứa carbohydrate, glucose máu sẽ tăng cao, kích thích tuyến tụy bài tiết insulin. Tiếp đó, sau khi ăn khoảng 90 – 120 phút, insulin sẽ trở về nồng độ nền trong máu.

Insulin nền là lượng insulin do cơ thể tiết ra liên tục trong 24 giờ mà không chịu sự kích thích từ bên ngoài.

Insulin được chuyển hóa ở cả gan và thận. Thời gian bán hủy khoảng 3-5 phút.

Hình minh họa về sự bài tiết insulin
Hình minh họa về sự bài tiết insulin

Tác dụng của insulin:

  • Tăng sự thu nạp và chuyển hóa glucose ở các mô cơ, mỡ, giúp giảm lượng glucose trong máu.
  • Tăng chuyển glucose thành glycogen (dạng dự trữ của glucose ở gan), làm giảm tân sinh đường ở gan, giúp hạn chế tăng đường huyết.
  • Ức chế sự ly giải mô mỡ và sự phóng thích acid béo từ mô mỡ.
  • Đưa kali từ ngoại bào (máu) vào trong tế bào.
  • Kích thích sự tổng hợp protein và ngăn chặn ly giải protein ở cơ. Từ đó, giúp tăng khối lượng cơ và ngăn cơ thể không sử dụng protein trong cơ làm năng lượng.

Lịch sử và phương pháp sản xuất insulin

Insulin được khám phá ra lần đầu tiên năm 1921 tại Canada bởi 2 nhà khoa học Frederich G. Banting và Charles H. Best. Đến năm 1922, cùng với sự giúp đỡ của các nhà khoa học khác, họ thành công trong việc sản xuất ra insulin tinh khiết dùng trong điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường type 1.3Kể từ đó đến nay, insulin được xem là “một điều kỳ diệu của y học”.

Đến năm 1955, cấu trúc phân tử của insulin người được giải trình tự bao gồm 51 acid amin chia thành 2 chuỗi A (21 acid amin) và chuỗi B (30 acid amin) nối với nhau bằng 2 cầu nối disulfur.

Insulin người được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp DNA. Kỹ thuật này dựa trên việc cấy đoạn gen mã hóa cho phân tử proinsulin lên tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae hay chủng vi khuẩn Escherichia coli không gây bệnh. Sau quá trình ủ, các tế bào này sẽ tạo ra một số lượng lớn insulin có thành phần acid amin giống như insulin nội sinh tiết ra từ tế bào β tụy của người. Mặc dù có cấu trúc giống nhau, nhưng tác dụng sinh lý của insulin ngoại sinh (được sản xuất) không thể giống hoàn toàn với insulin nội sinh.

Trong điều trị bệnh đái tháo đường, thông thường insulin sẽ được tiêm dưới da, thẩm thấu và khuếch tán vào mô ngoại biên (mô mỡ, mô cơ) trước khi đến gan và được thải qua thận. Ngược lại, insulin nội sinh khi được tiết ra từ tế bào β tụy sẽ theo tĩnh mạch cửa về gan, sau đó mới đến mô ngoại biên. Chính vì vậy, insulin ngoại sinh không thể nào thay thế một cách hoàn hảo insulin nội sinh.

Để khắc phục nhược điểm trên, các nhà sản xuất đã thêm chất phụ gia vào insulin người hoặc thay đổi một vài acid amin trong cấu trúc phân tử của insulin để kéo dài hay rút ngắn thời gian tác dụng của insulin. Nhờ đó, insulin NPH được ra đời vào năm 1936 khi Hagedorn thêm protamin vào insulin người. Năm 1996 đánh dấu sự ra đời của insulin analog và kể từ đó, insulin được sử dụng rộng rãi hơn trong việc điều trị đái tháo đường type 1 và type 2.

Insulin analog được thiết kế để tạo sự thuận lợi cho việc sử dụng insulin trong điều trị bệnh đái tháo đường. Insulin analog cũng được thiết kế để tiệm cận sự tiết insulin sinh lý gồm insulin theo bữa ăn và insulin nền. Ở người bình thường không bị đái tháo đường, nồng độ insulin nội sinh sẽ nhanh chóng tăng cao từ 30 – 45 phút sau khi ăn và trở về nồng độ insulin nền 3 giờ sau ăn. Các insulin analog tác dụng nhanh (rapid-acting insulin analog) và insulin analog tác dụng kéo dài (long-acting insulin analog) được tạo ra nhằm bổ sung một cách gần chính xác nhất với sự tiết insulin sinh lý từ tế bào β tụy.

Để tạo ra insulin analog, đoạn polypeptide gồm các acid amin ở vị trí từ 26-30 trên chuỗi B, là vùng không bị nhận diện bởi thụ thể insulin, sẽ thường bị thay đổi.

Tổng quan về điều trị đái tháo đường bằng insulin

Như đã trình bày ở phần trước, về cơ chế hoạt động của insulin trong việc điều hòa đường huyết có thể được hiểu nôm na như hoạt động của chìa khóa và ổ khóa.

  • Ở người bệnh đái tháo đường type 1, tế bào β tụy bị phá hủy, không thể sản xuất được insulin, nên cơ thể thiếu insulin hoàn toàn, tức là không có chìa khóa để mở cánh cửa cho glucose đi vào trong tế bào.
  • Ở người bệnh đái tháo đường type 2 thường sẽ có tình trạng đề kháng insulin. Hiểu nôm na là cơ thể vẫn sản xuất ra được insulin tức chìa khóa, nhưng ổ khóa và chìa khóa lại hoạt động không đúng cách nên không thể mở được cánh cửa cho glucose đi vào tế bào. Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường type 2 còn có thể có tình trạng thiếu hụt insulin tương đối, đó là khi tế bào β tụy hoạt động không hiệu quả, tuy vẫn sản xuất ra được insulin nhưng lại không đủ để mở được tất cả cánh cửa mà chỉ một phần nào đó, dẫn đến vẫn còn nhiều glucose bên ngoài tế bào, gây tăng đường huyết.
  • Chính vì vậy, ở những người bệnh đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin), việc điều trị với insulin là bắt buộc.
  • Đối với người bệnh đái tháo đường type 2, điều trị nền tảng là thay đổi lối sống, bao gồm tăng cường hoạt động thể chất và chế độ ăn uống lành mạnh. Vì là một bệnh lý thay đổi và khó kiểm soát dần theo thời gian, nên đến một lúc nào đó chức năng tụy suy giảm và không còn đủ tiết đủ insulin cho nhu cầu cơ thể. Khi đó, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng insulin để giúp cơ thể kiểm soát đường huyết ổn định. Trong một số trường hợp, insulin có thể được dùng sớm nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh, như bảo tồn chức năng của tuyền tụy và phòng ngừa các biến chứng của đái tháo đường.

Chỉ định điều trị insulin

Insulin được chỉ định trong các trường hợp sau:1

  • Đái tháo đường type 1: chỉ định tuyệt đối vì tuỵ không còn khả năng sản xuất Insulin.
  • Đái tháo đường type 2: thất bại hoặc có chống chỉ định với thuốc viên hạ đường huyết; suy gan, suy thận; có bệnh lý cấp tính (nhiễm trùng nặng, nhồi máu cơ tim cấp,…).
  • Hôn mê do tăng đường huyết.
  • Có thai: hiện tại Việt Nam, chỉ có insulin là thuốc hạ đường huyết duy nhất được chấp thuận sử dụng trong thai kỳ.
  • Trẻ em: chưa có nhiều dữ liệu cho phép sử dụng thuốc viên hạ đường huyết cho trẻ em. Vì vậy, insulin là điều trị đầu tay ở trẻ dưới 18 tuổi.
  • Phẫu thuật: bệnh nhân chuẩn bị gây mê, làm phẫu thuật cần kiểm soát đường huyết.

Vì là thuốc có khả năng gây hạ đường huyết, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, insulin cần được chỉ định bởi bác sĩ trong tất cả các trường hợp. Bạn nên tránh tự ý sử dụng insulin khi không có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Các chế phẩm insulin

Phân loại insulin

1. Phân loại theo nguồn gốc

  • Insulin động vật (hiện đã không còn được sử dụng).
  • Insulin người.
  • Insulin analog.

Phân loại theo hàm lượng: quan trọng nếu dùng ống tiêm rút insulin từ lọ. Một lọ có 10 ml, có nhiều nồng độ khác nhau. Cần phân biệt vì ống tiêm sẽ có hiển thị loại hàm lượng tương ứng cho từng lọ insulin. Phải dùng loại ống tiêm phù hợp với nồng độ thuốc: insulin loại U 40 phải dùng ống tiêm insulin 1 ml chứa 40 UI, insulin U 100 phải dùng ống tiêm 1 ml chứa 100 UI. Nếu nhầm lẫn sẽ gây rút sai liều rất nguy hiểm.

Ký hiệu Nồng độ
U 100 (hiện tại đa số dùng loại này) 100 UI/mL (100 đơn vị trong 1 mL)
U 40 (hiện không còn dùng) 40 UI/mL
U 500 500 UI/mL
Lọ insulin U 100 cần dùng ống tiêm U 100 tương ứng
Lọ insulin U 100 cần dùng ống tiêm U 100 tương ứng
Lọ insulin U 40 cần dùng ống tiêm U 40 tương ứng
Lọ insulin U 40 cần dùng ống tiêm U 40 tương ứng

2. Phân loại dựa theo thời gian tác dụng

  • Insulin tác dụng nhanh: insulin aspart, glulisine, lispro. Loại insulin này sẽ tiêm dưới da trước ăn 5-15 phút hoặc ngay sau ăn.
  • Insulin tác dụng ngắn: insulin thường (Actrapid, Humulin R), được tiêm dưới da trước ăn 30 phút, hoặc có thể dùng đường truyền tĩnh mạch.
  • Insulin tác dụng trung bình (Insulin NPH): Insulatard, Humulin N. Insulin NPH được tiêm dưới da 1-2 ngày/lần tùy chỉ định.
  • Insulin tác dụng kéo dài: insulin glargine, detemir, degludec, sẽ tiêm dưới da thường 1 lần/ngày (có loại có thể tiêm 2 lần/ngày tùy chỉ định bác sĩ).

Đặc điểm dược động học của các chế phẩm Insulin sau khi tiêm dưới da.

3. Insulin hỗn hợp/Insulin trộn sẵn

Insulin hỗn hợp/Insulin trộn sẵn còn gọi là insulin 2 pha.

Insulin người trộn sẵn: insulin người trung bình (NPH) và insulin nhanh với tỉ lệ 70/30: Mixtard 70/30, Humulin 70/30.

Insulin analog trộn sẵn:

  • 70% insulin aspart protamine suspension, 30% insulin aspart injection: bút tiêm Novomix 70/30.
  • 75% insulin lispro protamine suspension, 25% insulin lispro injection: bút tiêm Humalog mix 75/25.
  • 50% insulin lispro protamines suspension, 50% insulin lispro injection: bút tiêm Humalog mix 50/50.
  • 70% degludec, 30% aspart: bút tiêm Ryzodeg 70/30.

Dược động học của các loại insulin

Tóm tắt dược động học của các loại insulin:

Loại insulin Màu sắc Bắt đầu tác dụng Đỉnh tác dụng Thời gian tác dụng
Tác dụng rất nhanh (insulin analog) 

  • Aspart
  • Lispro
  • Glulisine
Trong 5 – 10 phút 30 – 90 phút 3 – 5 giờ
Tác dụng nhanh (insulin người) 

  • Actrapid
  • Humulin R
Trong 30 phút 2 – 4 giờ 6 – 8 giờ
Tác dụng trung bình (insulin NPH) Đục 1 – 2 giờ 6 – 12 giờ 10 – 16 giờ
Tác dụng dài (Insulin analog) Glargine Trong 2 – 5 giờ Không 24 giờ
Detemir 1 – 2 giờ 24 giờ
Degludec 42 giờ
Insulin trộn sẵn 70% NPH/30% insulin nhanh Đục 30 phút 2 pha 10 – 16 giờ
75% NPL/25% lispro Đục 5 – 15 phút 2 pha 10 – 16 giờ
50% NPL/50% lispro Đục 5 – 15 phút 2 pha 10 – 16 giờ
70% NPA/30% aspart Đục 5 – 15 phút 2 pha 10 – 16 giờ
70% Degludec/30% aspart Trong 5 – 15 phút 2 pha

Hướng dẫn sử dụng insulin

Việc tiêm insulin có gây đau hay ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của người bệnh hay không?

Việc tiêm insulin sẽ không gây đau và không làm thay đổi cuộc sống thường nhật của người bệnh. Kim tiêm insulin rất nhỏ nên không gây đau nhiều. Hơn nữa, với các loại bút, việc tiêm insulin rất dễ dàng và có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu. Hoặc có những loại insulin chỉ cần dùng 1 lần/ngày mà vẫn kiểm soát đường huyết được trong vòng 24 giờ. Nhiều bệnh nhân dùng insulin đã nói rằng việc tiêm insulin đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ, như việc đánh răng mỗi ngày.

Bảo quản insulin như thế nào?

  • Khi chưa mở lọ/bút tiêm: Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (2°C – 8°C) cho đến khi hết hạn sử dụng ghi trên nhãn.
  • Lưu ý không bảo quản insulin trong hay gần ngăn đá.
  • Khi đã mở lọ/bút tiêm (đã sử dụng): Có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng (15°C – 30°C) cho đến 4 – 6 tuần tuỳ từng loại insulin.
  • Không để lọ thuốc dưới ánh nắng trực tiếp.

Vị trí tiêm insulin ở đâu?

  • Tất cả bệnh nhân khi được chỉ định dùng insulin nên được hướng dẫn cách tiêm insulin kĩ càng.
  • Vị trí tiêm dưới da hấp thu tốt nhất theo thứ tự là: bụng > cánh tay > đùi > mông.
  • Thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm.
  • Nơi tiêm phải sạch, không có sẹo, viêm nhiễm.
Các vị trí tiêm insulin
Các vị trí tiêm insulin
Cách thay đổi vị trí tiêm (mỗi vùng 1 tuần, trong mỗi vùng tiêm cách nhau 1 cm hoặc 2 khoát ngón tay)
Cách thay đổi vị trí tiêm (mỗi vùng 1 tuần, trong mỗi vùng tiêm cách nhau 1 cm hoặc 2 khoát ngón tay)

Kiểm tra trước khi tiêm

Nếu tiêm bằng insulin lọ, ống tiêm insulin phải phù hợp với hàm lượng của lọ insulin.

Kiểm tra trước khi tiêm:

  • Nhãn thuốc có đúng loại insulin trong toa.
  • Hạn sử dụng của thuốc.
  • Màu sắc: insulin tác dụng nhanh và glargine phải trong, insulin tác dụng trung bình và trộn sẵn phải đục.
  • Chất lượng thuốc: dung dịch đồng nhất, nếu dung dịch lợn cợn tức là thuốc đã bị hư và không được sử dụng.

Thời gian tiêm thuốc:

  • Insulin Mixtard (nhanh/trung bình): tiêm trước ăn 30 phút.
  • Insulin Novomix (rất nhanh/dài): tiêm trước ăn 5-15 phút hoặc ngay sau ăn.
  • Insulin tác dụng trung bình/dài: có thể tiêm không liên quan đến bữa ăn.

Kỹ thuật tiêm insulin từ lọ

Chuẩn bị trước khi tiêm:

  • Rửa tay với xà phòng và nước sạch.
  • Kiểm tra nhãn thuốc để đảm bảo đúng loại insulin cần tiêm.
  • Gỡ nắp bảo vệ lọ insulin (nếu sử dụng lọ thuốc mới).
  • Lăn lọ thuốc giữa hai lòng bàn tay cho đến khi đạt được dung dịch thuốc màu trắng đồng nhất (làm ấm và đồng nhất thuốc).
  • Khử trùng màng cao su lọ thuốc bằng bông tẩm cồn.
  • Lấy bơm tiêm ra và tháo nắp đậy bơm tiêm.

Cách rút thuốc:

Cách rút thuốc
Cách rút thuốc

Kỹ thuật tiêm:

  • Xác định vùng tiêm và sát trùng.
  • Nhẹ nhàng tạo một nếp véo da.
  • Tiêm insulin từ từ theo góc 45° – 90° độ so với bề mặt nếp véo da.
  • Lưu kim trên da và đếm đến 10 sau khi bơm hết liều insulin.
  • Rút kim tiêm ra khỏi da ở cùng góc mà đã cắm vào.
  • Giải phóng nếp gấp da.
  • Loại bỏ kim tiêm an toàn.
  • Hủy bơm tiêm đã dùng.
  • Lưu ý, kỹ thuật tiêm khác nhau tùy vào chiều dài kim khác nhau. Kim tiêm dài 8mm trở lên cần phải véo da. Kim tiêm từ 10mm trở lên cần phải véo da và tiêm với 1 góc 45°.4
Kỹ thuật tiêm khác nhau tùy vào chiều dài kim khác nhau
Kỹ thuật tiêm khác nhau tùy vào chiều dài kim khác nhau

Cách tạo nếp véo da đúng: Véo da bằng ngón cái và ngón trỏ, có thể sử dụng thêm ngón giữa.5

Cách tạo nếp véo da đúng
Cách tạo nếp véo da đúng

Hướng dẫn sử dụng bút tiêm insulin

Chuẩn bị bút tiêm:

  • Rửa tay trước khi tiêm.
  • Tháo nắp bút tiêm.
  • Làm ấm thuốc: lăn tròn bút tiêm giữa 2 lòng bàn tay 10 lần.
  • Đồng nhất thuốc: cho đến khi có được chất lỏng đồng nhất về màu.
Cấu tạo bút tiêm insulin
Cấu tạo bút tiêm insulin
Cách làm ấm thuốc
Cách làm ấm thuốc
Cách đồng nhất thuốc: di chuyển bút tiêm lên xuống giữa 2 vị trí 1 và 2 (khoảng 20 lần)
Cách đồng nhất thuốc: di chuyển bút tiêm lên xuống giữa 2 vị trí 1 và 2 (khoảng 20 lần)

Các thao tác gắn kim vào bút:

  • Khử trùng màng cao su bằng gạc vô trùng.
  • Tháo miếng bảo vệ kim tiêm.
  • Vặn kim thẳng, chặt vào bút tiêm.
  • Tháo nắp lớn bên ngoài kim và giữ nó để dùng về sau.
  • Tháo nắp nhỏ bên trong kim và bỏ đi.
  • Chọn liều tiêm.
  • Đuổi khí.
Các thao tác gắn kim vào bút và chọn liều tiêm
Các thao tác gắn kim vào bút và chọn liều tiêm
Các thao tác gắn kim vào bút và chọn liều tiêm
Các thao tác gắn kim vào bút và chọn liều tiêm

Cách chọn liều tiêm:

  • Kiểm tra nút chọn liều tiêm đang ở vị trí 0.
  • Xoay nút chọn liều tiêm để chọn số đơn vị cần tiêm.
  • Liều thuốc tiêm có thể được điều chỉnh tăng hay giảm bằng cách xoay nút chọn liều tiêm tới hay lui cho đến khi liều đúng nằm ngang với vạch chỉ liều tiêm.
  • Lưu ý: Bạn không thể chọn một liều lớn hơn số đơn vị thuốc còn lại trong ống thuốc.

Cách tiêm thuốc:

  • Tiêm liều thuốc bằng cách ấn nút bấm tiêm thuốc xuống hết cỡ cho đến khi số 0 nằm ngang với vạch chỉ liều tiêm. Chú ý cầm bút như trong hình và đâm thẳng góc.
  • Kim phải được giữ dưới da ít nhất 6 giây. Điều này đảm bảo tất cả thuốc đều được tiêm hết. Sau khi tiêm không day không xoa tại chỗ tiêm.
  • Đưa kim vào trong nắp lớn bên ngoài kim. Khi kim đã vào trong, đẩy cẩn thận nắp lớn bên ngoài kim vào hoàn toàn và vặn tháo kim ra. Bỏ kim vào thùng rác y tế hoặc có thể bỏ vào 1 hộp hay chai nhựa, sau đó đem hủy 1 lần, tránh bỏ chung vào rác thải sinh hoạt dễ gây tổn thương người khác.
  • Lưu ý, luôn tháo kim sau mỗi lần tiêm và bảo quản bút tiêm insulin bơm sẵn không có kim gắn vào. Nếu không, dung dịch thuốc có thể bị rò rỉ và làm cho việc định liều thuốc không chính xác. Tuyệt đối không được để người khác sử dụng chung kim.
Cách tiêm thuốc
Cách tiêm thuốc

Những lỗi kỹ thuật tự tiêm bệnh nhân thực tế thường gặp

Khi dùng ống tiêm và lọ:

  • Không đồng nhất lọ insulin đủ lâu: thuốc không đồng nhất, không đều thuốc khi tiêm vào đối với loại insulin trộn sẵn.
  • Dùng ống tiêm 1ml=40 IU cho chai Insulin U 100: nguy hiểm, dẫn đến sai liều thuốc.
  • Dùng ống tiêm 3 hoặc 5 ml lấy insulin (ống tiêm thường, không phải loại chuyên dụng rút insulin).
  • Không rút không khí bơm vào chai: không tạo đủ áp lực để rút thuốc.
  • Dùng lại ống tiêm: không đảm bảo vô trùng.

Khi dùng bút tiêm:

  • Lắc bút không đủ: thuốc không đồng nhất, không đều thuốc khi tiêm vào đối với loại insulin trộn sẵn.
  • Không thay kim: dùng 1 kim nhiều lần dẫn đến cong vẹo kim, tắc thuốc bên trong, biến chứng gây đau, bầm máu, liều thuốc không chính xác.
  • Không tháo kim sau mỗi lần tiêm: gây rò rỉ thuốc ra ngoài (khi nhiệt độ tăng, insulin phình ra và chảy ra ngoài theo đường kim gắn trên bút tiêm) hoặc tạo bọt khí trong phần thuốc lưu trữ trong bút (khi nhiệt độ giảm, insulin co lại và làm không khí thâm nhập vào ống insulin).
  • Bơm thuốc vào lại bút: không đảm bảo vô trùng, có thể đưa bọt khí vào trong thuốc, gây hư thuốc.

Sai về kỹ thuật tiêm:

  • Sau tiêm, day và xoa vùng tiêm: làm thay đổi sự hấp thu insulin bình thường của cơ thể khi tiêm thuốc.
  • Không lưu kim 10 giây: dễ rò rỉ thuốc ra ngoài.
  • Không thay đổi chỗ tiêm: gây biến chứng loạn dưỡng mô mỡ, làm insulin hấp thụ vào cơ thể không hiệu quả.

Biến chứng khi tiêm insulin

Các biến chứng có thể gặp

  • Hạ đường huyết: do ăn trễ hoặc bỏ bữa ăn, quá liều insulin.
  • Loạn dưỡng mỡ nơi tiêm (sẹo lõm hoặc phì đại): do tiêm cùng một vị trí lặp lại.
  • Tăng cân.
  • Dị ứng (hiếm gặp).

Khi nào cần gặp bác sĩ

  • Hạ đường huyết tái đi tái lại khi tiêm insulin.
  • Tiêm quá liều insulin. Ví dụ: tiêm 2 lần liều insulin do quên.
  • Đường huyết kiểm soát kém dù tiêm insulin đúng cách, đúng liều.
  • Dị ứng thuốc.
  • Khi có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến cách tiêm insulin.

Phòng tránh biến chứng sau tiêm insulin

Để phòng tránh các biến chứng, cần có hiểu biết về insulin. Bạn cần chọn đúng loại insulin (U40, U100) và biết thời gian tác dụng, loại insulin đang dùng:

  • Insulin tác dụng nhanh: tiêm trước ăn 5-15 phút, hoặc ngay sau ăn.
  • Insulin tác dụng ngắn: tiêm trước ăn 30 phút.
  • Insulin tác dụng trung bình hoặc tác dụng kéo dài: có thể tiêm không liên quan với bữa ăn.
  • Insulin hỗn hợp: tiêm trước ăn (thời gian tùy loại thuốc). Đọc kĩ toa thuốc để biết thời gian tiêm phù hợp.

Cần bảo quản đúng insulin.

Phải tiêm insulin đúng liều, đúng giờ, đúng chỉ định của bác sĩ. Không lấy toa thuốc của người khác để áp dụng cho bản thân.

Ống tiêm phải phù hợp lọ insulin, cụ thể:

  • Ống tiêm 40UI/ml cho lọ insulin U40.
  • Ống tiêm 100UI/ml cho lọ insulin U100.

Loại kim tiêm ngắn, nhỏ sẽ giúp giảm đau.

Thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm và chỉ lặp lại nơi tiêm cũ sau khoảng 1 tháng.

Không tiêm insulin khi vừa lấy bút hoặc lọ thuốc ra khỏi tủ lạnh.

Chú ý bước đồng nhất thuốc đối với loại insulin trộn sẵn.

Kiểm tra đường huyết mao mạch thường xuyên khi tiêm insulin.

Trên đây là bài viết về tiêm insulin và những vấn đề liên quan. Bác sĩ Nguyễn Vũ Nhật Phong hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn đọc. Việc tiêm insulin đúng cách, đúng liều theo chỉ định của bác sĩ không những giúp tránh được các biến chứng của việc tiêm insulin, mà còn sẽ giúp kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.

Câu hỏi thường gặp

Đường huyết bao nhiêu thì tiêm insulin?
Không có con số cụ thể nào để chỉ định mức đường huyết cần phải tiêm insulin. Bạn nên đến tái khám bác sĩ định kỳ để được đánh giá toàn diện để xem có chỉ định cần phải tiêm insulin hay không.

Nên tiêm insulin trước ăn hay sau ăn?
Tùy loại insulin, có loại insulin tác dụng nhanh, ngắn, hỗn hợp, bạn nên tiêm trước khi ăn. Đối với insulin tác dụng trung bình hay kéo dài, bạn có thể tiêm thuốc 1-2 lần/ngày tùy chỉ định bác sĩ không phụ thuộc vào bữa ăn.

Quên tiêm insulin có sao không?
Khi quên tiêm insulin, ví dụ insulin trước bữa ăn, bạn có nguy cơ sẽ bị tăng đường huyết sau ăn. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn tiêm insulin ngay khi nhớ ra sau bữa ăn, vì khi đó, insulin được tiêm vào sẽ tác dụng không đúng vào đỉnh đường huyết sau ăn, bạn có nguy cơ bị hạ đường huyết sau đó. Vì vậy, khi đã quên tiêm insulin trước bữa ăn, bạn cần đợi đến bữa ăn tiếp theo để tiêm mũi insulin tiếp theo, bạn có thể thử đường huyết mao mạch trước bữa ăn tiếp theo để xem xét tăng liều thuốc tùy mức đường huyết. Nếu không chắc chắn, bạn nên gọi cho bác sĩ điều trị của bạn để quyết định để tránh tiêm quá liều thuốc.

Đối với loại insulin kéo dài (24 giờ), tiêm 1 lần/ngày, khi quên tiêm, bạn có nguy cơ sẽ bị tăng đường huyết lúc sáng đói, hoặc đường huyết nền giữa các bữa ăn. Bạn có thể tiêm với liều tương tự ngay khi nhớ ra, nhưng nên lưu ý, mũi tiếp theo sau mũi tiêm này nên cách sau đó đúng 24 giờ để tránh hiện tượng hạ đường huyết do chồng liều.

Bs.Ths. Lê Đình Sáng (Khoa Nội tiết)

MỌI CHI TIẾT VUI LÒNG LIÊN HỆ:

KHOA NỘI TIẾT – BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN 

Địa chỉ: Tầng 7 toà nhà A1, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An 

Km5 Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An

Điện thoại khoa Nội tiết: 091.779.2323

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM & CSKH: 1900.8082 – 0886.234.222

Website: www.bvnghean.vn – Facebook: /bvhndknghean