Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Uncategorized > Thành tựu > Khoa Tim mạch: triển khai kỹ thuật thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp bằng năng lượng có tần số radio

Khoa Tim mạch: triển khai kỹ thuật thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp bằng năng lượng có tần số radio

Rối loạn nhịp tim (RLNT) là một vấn đề khá thường gặp và rất phức tạp trong các bệnh lý tim mạch. Hiện nay, việc điều trị RLNT bằng phương pháp không dùng thuốc tỏ ra có nhiều ưu điểm vượt trội. Đặc biệt, thăm dò nghiên cứu điện sinh lý (Electrophysiology study) và điều trị bằng năng lượng sóng có tần số radio (Radio Frequency) là một phương pháp điều trị triệt để. Nó cho phép loại bỏ hoàn toàn một số RLNT với tỷ lệ thành công cao, tỷ lệ biến chứng thấp. Hơn nữa, đối với một số RLNT thì hiện nay phương pháp triệt đốt là phương pháp được lựa chọn hàng đầu.

Tháng 1/2017, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An triển khai kỹ thuật hiện đại này nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho các bệnh nhân có rối loạn nhịp tim tại khoa Tim mạch. Đội ngũ can thiệp tim mạch gồm các bác sỹ, điều dưỡng viên được đào tạo ở Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai, đã triển khai và làm chủ các kỹ thuật: chụp và can thiệp động mạch vành, can thiệp tim bẩm sinh, cấy máy tạo nhịp, … Trong đó có 02 bác sỹ và 01 điều dưỡng viên được đào tạo chuyên sâu về thăm dò điện sinh lý tim.

Để biết thêm thông tin chi tiết về kỹ thuật mới này, vui lòng liên hệ: Khoa Tim mạch, tầng 6, Bệnh viện HNĐK Nghệ An hoặc BS Nguyễn Thanh Hưng (khoa Tim mạch – 0913590777)

Vai trò của phương pháp thăm dò điện sinh lý tim

Hoạt động bình thường của quả tim được điều khiển bởi hệ thống phát nhịp và dẫn truyền tim. Khi cơ tim co bóp sẽ phát ra dòng điện sinh lý, điện sinh lý tim được ghi bằng các điện cực thăm dò, đánh giá dòng điện do cơ tim phát ra sẽ cho biết hoạt động của hệ thống phát nhịp và dẫn truyền tim. Phương pháp này đánh giá chính xác toàn bộ hoạt động điện sinh lý của quả tim, qua đó nó cho biết vị trí, hình thái và mức độ tổn thương của hệ thần kinh tim. Khi đó bác sĩ sẽ có lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất với bệnh RLNT. Phương pháp này đặc biệt có ý nghĩa với những RLNT có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và những rối loạn nhịp không được chẩn đoán bằng những phương pháp thông thường khác.

Quá trình thực hiện thăm dò điện sinh lý cơ tim diễn ra ở đâu?

Bác sĩ sẽ tiến hành làm phương pháp này trong khu can thiệp tim mạch tại phòng máy, với hai hệ thống máy chính là:

– Hệ thống máy chụp mạch số hoá: giúp bác sĩ quan sát các điện cực thăm dò trong buồng tim.

– Hệ thống máy điện sinh lý: xử lý các thông số nhận được từ buồng tim và thực hiện các kỹ thuật điều trị.

Các chỉ định của thăm dò điện sinh lý tim:

– Hội chứng suy nút xoang

– Block nhĩ thất (nghẽn dẫn truyền thần kinh từ nhĩ xuống thất).

– Các cơn nhịp nhanh

– Hội chứng tiền kích thích (WPW: Wolff-Parkinson-White)

– Ngất không rõ nguyên nhân

– Sống sót sau ngừng tim

– Hồi hộp trống ngực chưa rõ nguyên nhân

– Hướng dẫn điều trị thuốc chống loạn nhịp

– Bệnh nhân đã hoặc sẽ cấy máy tạo nhịp, máy phá rung

Thăm dò điện sinh lý tim bao gồm:

– Đo các khoảng dẫn truyền trong tim

– Phân tích trình tự điện học hoạt hóa của tim

– Kích thích gây cơn và chấm dứt các cơn tim nhanh

– Chẩn đoán cơ chế các rối loạn nhịp

– Đánh giá các nguy cơ xuất hiện các rối loạn nhịp nguy hiểm hay ngừng tim

– Đánh giá hiệu quả của các rối loạn nhịp

– Đánh giá hiệu quả của các can thiệp điều trị: triệt bỏ bằng năng lượng sóng radio hay cấy máy tạo nhịp tim

Các trang thiết bị

– Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA: Digital Subtraction Angiography)

– Hệ thống thăm dò điện sinh lý

– Máy kích thích tim theo chương trình

– Thiết bị theo dõi huyết động : huyết áp, áp lực mạch máu, độ bão hòa oxy máu, …

– Máy sốc điện ngoài lồng ngực

– Máy tạo nhịp tạm thời

– Các dụng cụ cấp cứu ngừng tuần hoàn

– Điện tâm đồ bề mặt, máy ghi Holter điện tâm đồ

Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì?

Bệnh nhân được nhập viện và chuẩn bị trước ngày làm thủ thuật, một số việc sẽ được thực hiện:

  • Không sử dụng các thuốc điều trị trước khi thăm dò từ 2 đến 3 ngày;
  • Làm xét nghiệm kiểm tra: xét nghiệm máu tổng thể, ghi điện tâm đồ bề mặt;
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra các thuốc người bệnh đang sử dụng và các thuốc bị dị ứng nếu có; bác sĩ sẽ giải thích với người bệnh về quá trình thực hiện thủ thuật, những lợi ích cũng như những tai biến có thể gặp và nhận được sự đồng ý từ phía bệnh nhân;
  • Không ăn và uống từ 6 đến 8 giờ trước khi làm thủ thuật.

Quá trình thực hiện diễn ra như thế nào?

Thăm dò điện sinh lý:  Bệnh nhân được y tá đưa đến phòng làm thủ thuật và hướng dẫn vào phòng máy. Bệnh nhân sẽ được gắn máy theo dõi mạch, huyết áp, điện tâm đồ bề mặt; đặt đường truyền tĩnh mạch.  Bác sĩ sẽ gây tê và chọc mạch máu để mở các đường vào hệ mạch máu. Dụng cụ mở đường vào được đặt tại bẹn và vùng ngực trái. Qua những chỗ chọc mạch, các dây thông điện cực được đưa vào tới tận buồng tim. Qua màn hình máy chụp mạch, bác sĩ xác định vị trí của đầu các điện cực trong buồng tim tương ứng với những vị trí cần thăm dò. Thông tin truyền qua dây thông điện cực ra hệ thống máy điện sinh lý để phân tích các biến đổi, qua đó đánh giá chính xác vị trí tổn thương. Một số trường hợp bác sĩ sẽ phải kích thích vào hệ thần kinh tim gây loạn nhịp, qua đó đánh giá toàn bộ chức năng và mức độ tổn thương của hệ thần kinh tim. Khi tổn thương được xác định rõ, nếu có chỉ định điều trị bằng sóng tấn số radio bác sĩ sẽ chuyển sang thực hiện kỹ thuật này.

Điều trị rối loạn điện sinh lý bằng sóng có tần số radio qua dây thông điện cực

Một loại dây thông điện cực đặc biệt được đưa vào vị trí tổn thương. Dây thông này có khả năng truyền dẫn sóng radio từ hệ thống máy điện sinh lý vào tận cơ tim. Tại điểm tiếp xúc giữa đầu dây thông điện cực và cơ tim, năng lượng sóng radio phát ra sẽ làm triệt bỏ các ổ gây rối loạn nhịp tim và các đường dẫn truyền bất thường trong cơ tim. Kết quả là thiết lập lại trật tự phát nhịp và đường truyền bình thường của hệ thần kinh tim, làm nhịp tim sẽ đều trở lại bình thường.

Điều gì sẽ xảy ra  trong lúc thực hiện thăm dò điện sinh lý?

Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong lúc thực hiện kỹ thuật và sẽ được yêu cầu phối hợp với bác sĩ trong một số trường hợp. Phương pháp này khi thực hiện chỉ có cảm giác tức nặng tại vùng chọc mạch. Khi dụng cụ di chuyển trong lòng mạch tới quả tim và xoay chuyển ở bên trong quả tim sẽ không gây cảm giác gì.

Bệnh nhân có thể mỏi do phải nằm lâu trên bàn. Hãy nói với bác sĩ nếu thấy cảm giác khó chịu hoặc thấy xuất hiện đau đầu, đánh trống ngực, đau ngực hay khó thở, bác sĩ và y tá sẽ giúp bệnh nhân giảm đi các triệu chứng đó.

Tai biến trong lúc thực hiện phương pháp này: Đây là phương pháp can thiệp xâm nhập, nó có một vài nguy cơ. Tỷ lệ tai biến là rất thấp,  tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Mặc dù rất ít bệnh nhân phải chịu các tai biến nhưng bác sĩ sẽ luôn sẵn sàng chuẩn bị đối phó khi nó xảy ra.

Phải làm gì sau khi thực hiện xong phương pháp thăm dò điện sinh lý?

Tất cả mọi dụng cụ sẽ được rút ra khỏi cơ thể. Tại vị trí chọc mạch, y tá sẽ ép cầm máu trong vòng 10-20 phút, bác sĩ sẽ khâu cầm máu nếu thấy cần thiết. Khi về bệnh phòng, người bệnh phải giữ thẳng chân trong vòng 6 giờ để bảo đảm không chảy máu tại vị trí chọc mạch. Y tá sẽ tiếp tục theo dõi mạch và huyết áp của người bệnh thường xuyên tại phòng bệnh. Hãy báo cho bác sĩ và y tá bất kể những dấu hiệu bất thường nào xảy ra tại chỗ chọc mạch hay cảm giác bất thường về nhịp tim của mình. Bác sĩ sẽ cho ra viện khi thấy sức khỏe của bệnh nhân đảm bảo. Khi về nhà, người bệnh sẽ tiếp tục dùng thuốc và chế độ sinh hoạt theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo đúng lịch hẹn.

Một số hình ảnh về hệ thống điện sinh lý cơ tim và các trang thiết bị phòng can thiệp mạch, BV HNĐK Nghệ An:

_dsc3409 _dsc3411 _dsc3416 _dsc3417 _dsc3425 _dsc3429 _dsc3430 _dsc3431 _dsc3437 _dsc3440 _dsc3444 _dsc3445 _dsc3460-2

Bài: BS. Nguyễn Thanh Hưng, Khoa Tim mạch

Ảnh: Hoàng Yến.