Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Uncategorized > Thành tựu > Khoa Vi Sinh: Sẵn sàng các xét nghiệm hỗ trợ triển khai thụ tinh ống nghiệm IVF

Khoa Vi Sinh: Sẵn sàng các xét nghiệm hỗ trợ triển khai thụ tinh ống nghiệm IVF

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã sẵn sàng triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF: In Vitro Fertilization) điều trị vô sinh, hiếm muộn

 thu-tinh-trong-ong-nghiem

Qua nhiều năm chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đến nay Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã sẵn sàng triển khai kỹ thuật IVF để điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Một trong những chuyên ngành phục vụ kỹ thuật  cao này là Vi sinh.

I. Cơ sở vật chất

Hiện nay, khoa Vi sinh đang được bệnh viện đầu tư để xây dựng một labo di truyền hoàn chỉnh bao gồm nhiều hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho các xét nghiệm di truyền.

 1. Hệ thống phân tích nhiễm sắc thể (NST): thực hiện các xét nghiệm di truyền tế bào nhằm phát hiện bất thường NST gồm bất thường về số lượng như thiểu bội, đa bội hoặc các bất thường về cấu trúc như mất đoạn, chuyển đoạn, nhân đoạn, đảo đoạn…

 

  1. Hệ thống máy PCR, Real-time PCR và máy giải trình tự gen: thực hiện các xét nghiệm di truyền ở mức độ phân tử nhằm phát hiện các đột biến gen.

 II. Các kỹ thuật xét nghiệm trong hỗ trợ sinh sản

 1. Vô sinh – Hiếm muộn

1.1. Xét nghiệm Karyotype

Phát hiện các bất thường cấu trúc, số lượng NST dẫn tới vô sinh ở cả nam và nữ.

1.2. Xét nghiệm gen AZF

AZF, viết tắt của Yếu tố gây vô tinh trùng (Azoospermia Factor), là gen nằm trên nhiễm sắc thể Y (vị trí Yq11). Gen thường bị đột biến mất đoạn ở những nam giới bị vô sinh do thiểu tinh trùng nặng hoặc không tạo được tinh trùng. Đây cũng là  nguyên nhân di truyền gây vô sinh hàng đầu ở nam giới. Xét  nghiệm gen AZF được chỉ định đối với vô sinh nam suy giảm hoặc không có tinh trùng để tìm nguyên nhân vô sinh và giúp chọn phương thức điều trị hỗ trợ sinh sản thích hợp. Gen AZF được khảo sát bằng kỹ thuật PCR khuếch đại đoạn DNA đặc hiệu nằm trong vùng AZFa, AZFb và AZFc của gen. Các đoạn khuếch đại được đánh dấu bằng huỳnh quang và phân tích bằng hệ thống điện di mao quản.

1.3. Xét nghiệm gen bệnh tắc nghẽn mạch máu di truyền bằng kỹ thuật PCR

Bệnh tắc nghẽn mạch máu di truyền là rối loạn di truyền trong con đường đông máu dẫn đến tạo các cục máu đông bất thường. Các nghiên cứu cho thấy bệnh này gây biến chứng mạch máu dẫn đến sẩy thai, thai chết trong tử cung, tiền sản giật và hội chứng HELLP.

Phụ nữ mang gen bệnh tắc nghẽn mạch máu di truyền có nguy cơ cao gấp 2 – 14 lần bị sẩy thai so với người bình thường. Các đột biến gen chính gây tắc nghẽn mạch máu là:

  • Đột biến gen yếu tố V Leiden (FV): Bình thường trong cơ thể có protein C hoạt hóa (APC) có chức năng chống đông máu. Nguyên nhân hàng đầu gây thuyên tắc là do cơ thể có hiện tượng đối kháng protein này. Điều này xảy ra do đột biến gen yếu tố V Leiden. 60% phụ nữ bị  thuyên tắc mạch máu trong thai kỳ có đột biến này. Đây là cũng là nguyên nhân chính gây thuyên tắc có liên quan với sử dụng thuốc ngừa thai dạng uống.
  • Đột biến gen yếu tố II prothrombin G20210 (FII): Đột biến gen yếu tố II prothrombin xảy ra ở 7,8% phụ nữ bị sẩy thai do rối loạn đông máu. Yếu tố II là một trong các yếu tố quan trọng trong con đường đông máu.
  • Đột biến methylene-tetrahydrofolate reductase (MTHFR) gây tăng homocystein máu: Homocysteine thường chỉ hiện diện với nồng độ trong máu có nguồn gốc từ methionine có trong thức ăn. Đột biến gen sản xuất enzyme methylene-tetrahydrofolate reductase (MTHFR) sẽ dẫn đến hiện tượng ứ đọng và tăng homocysteine trong máu tạo thành cụng máu đông và làm cứng thành mạch, kể cả ở trẻ nhỏ. Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin B6, B12 và axít folic làm tình trạng nặng thêm. Phụ nữ mang đồng hợp tử gen đột biến MTHFR có nguy cơ sẩy thai tăng hơn hai lần.

 

Những trường hợp bị bệnh tắc nghẽn mạch máu và các trường hợp sẩy thai nhiều lần cần được xét nghiệm đột biến các gen FV, FII và MTHFR bằng kỹ thuật PCR.

 

  1. Xét nghiệm tiền làm tổ (PGD/PGS) trong IVF bằng kỹ thuật FISH

PGD (Preimplantation Genetic Diagnosis)/PGS (Preimplantation Genetic Screening) xác định và loại trừ các phôi bị thừa hoặc thiếu các nhiễm sắc thể số 18,21,22,23 có liên quan đến các dị tật bẩm sinh thai nhi dẫn đến tử vong thai nhi cao do thai ngừng phát triển hay do chủ động chấm dứt thai kỳ.

Ngoài ra trẻ có bất thường số lượng nhiễm sắc thể được sinh ra đều mắc hội chứng Down, Edwards, Patau, Turner, Klinefelter… ở các thể nặng nhẹ khác nhau.

PGD/PGS phát hiện được các bất thường gen gây bệnh như thiếu máu thalassemia, máu khó đông hemophilia,xơ nang,múa vờn Huntington, nhược cơ Duchenne…

PGD/PGS là lấy 1 tế bào từ phôi thu được từ thụ tinh ống nghiệm, ở giai đoạn 8 phôi bào – khi phôi được khoảng 3 ngày tuổi, để xét nghiệm loại trừ các bất thường di truyền trước khi chuyển phôi vào tử cung. Điều này bảo đảm cho đứa con quý báu của bạn không hề mắc các bệnh lý di truyền.

 

  1. Các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh 

Trong quá trình mang thai, nếu siêu âm và xét nghiệm Double test/ Triple test phát hiện thai có nguy cơ cao, người mẹ sẽ được chỉ định chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau để xét nghiệm karyotype nhằm phát hiện các bất thường di truyền có thể có ở thai hoặc xét nghiệm nhanh chẩn đoán hội chứng Down, Turner, Edwards, Klifelter… bằng kỹ thuật QF-PCR trên máy giải trình tự gen.

 

III. Nhân lực

Để phục vụ cho các xét nghiệm di truyền kể trên, hiện nay khoa Vi sinh đã có 01 bác sĩ được đào tạo về xét nghiệm di truyền –  sinh học phân tử tại Bệnh viện Từ Dũ, 02 cử nhân sinh học được đào tạo về sinh học phân tử tại Đại học Quốc gia Hà Nội, 01 cử nhân sinh học được đào tạo kỹ thuật IVF tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

 

TS.BS. Nguyễn Ngọc Hòa (Trưởng phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến – Nghiên cứu Khoa học và Quan hệ Quốc tế, Phó Trưởng khoa Thần kinh)

 BS. Nguyễn Văn Phúc (Khoa Vi sinh)