Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > “Kích hoạt “ toàn bộ hệ thống y tế trên toàn quốc để giám sát dịch

“Kích hoạt “ toàn bộ hệ thống y tế trên toàn quốc để giám sát dịch

“Kích hoạt “ toàn bộ hệ thống y tế trên toàn quốc để giám sát dịch

Đây là thông tin được đại diện ngành y tế thông báo tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều ngày 18/2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì.

Dịch cúm gia cầm đã lên đến mức báo động

Theo thống kê, đến ngày 18/2, cả nước có 24 ổ dịch tại 14 tỉnh, thành phố, gồm: Đăk Lăk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Số gia cầm chết là trên 23.000 con, phải tiêu hủy 30.777 con. Ngoài ra, dịch cúm gia cầm cũng xuất hiện các điểm nhỏ lẻ được địa phương khoanh vùng, xử lý kịp thời. Đáng lưu ý, trong số 20.000 mẫu bệnh phẩm giám sát lấy từ 147 chợ buôn bán gia cầm ở 44 tỉnh, thành phố có tỷ lệ phát hiện virut khá cao. Mẫu bệnh phẩm lấy từ vịt có 6% dương tính với cúm A/H5N1, tỷ lệ chợ tồn tại virut chiếm 61% mẫu xét nghiệm. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm Cao Đức Phát cho biết, hiện cứ 100 con vịt thì 6 con có virut cúm gia cầm, 100 chợ thì 61 chợ có xuất hiện virut cúm gia cầm. Ông Phát cũng nhấn mạnh, tuy dịch chưa lên đến đỉnh, nhưng còn có thể lan rộng và nếu không có biện pháp khống chế sẽ bùng nổ ở các mức độ khác nhau, không chỉ lây lan từ Trung Quốc mà còn có dấu hiệu cho thấy lây lan từ biên giới phía Tây Nam.

Kiểm soát chặt lượng gia cầm nhập khẩu từ biên giới để phòng chống dịch. Ảnh: TM

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh, dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu mở rộng nên chính quyền các địa phương ở những nơi đang có cúm A/H5N1 nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, nếu để lan rộng sẽ không có cách nào ngăn được trong khi đang phải đối phó, ngăn chặn chủng virut cúm A/H7N9 nguy hiểm hơn đang có nguy cơ xâm nhập. Do đó, các địa phương ở biên giới phía Bắc áp dụng triệt để các biện pháp cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm qua biên giới; lực lượng công an và biên phòng phải bố trí các chốt chặn dọc biên giới để kiểm soát tình hình. Phó Thủ tướng cũng đồng ý sẽ nâng vaccin cúm gia cầm dự trữ từ 35 triệu lên 60 triệu liều để sẵn sàng cho phòng chống nếu dịch cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện khẩn cấp tháng tiêu độc khử trùng. Tuyên truyền mạnh mẽ hơn để khoanh được dịch, dập được dịch và đặc biệt không để lây lan sang người gây tử vong.

Cảnh báo nguy cơ tử vong cao

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long không giấu được lo ngại cho biết, trong khi bệnh cúm A/H5N1 đang diễn biến phức tạp ở nước ta với 2 người đã tử vong trong tháng 1/2014, thì cúm A/H7N9 ở Trung Quốc vẫn chưa thấy điểm dừng, bởi số lượng mắc vẫn tăng nhanh. Chỉ riêng hơn 1 tháng của năm 2014, đã có thêm 182 trường hợp. Đặc biệt, cúm A/H7N9 có nguy cơ cao xâm nhập nước ta khi số mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam, trong khi cúm A/H7N9 vẫn chưa có vaccin phòng bệnh. Tính đến nay, đã có 338 người bị nhiễm cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan với tỷ lệ tử vong cao (66 trường hợp). Bổ sung thêm ý kiến, PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, nếu không làm tốt việc phòng chống dịch thì cứ 1 tháng sẽ có 1 ca nhiễm cúm và tỷ lệ tử vong từ nay đến cuối năm sẽ rất cao. Ông Phu cũng cho biết thêm, trước diễn biến phức tạp và khả năng lây lan trên diện rộng của dịch cúm gia cầm, ngày 23/2, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch với 63 tỉnh, thành phố.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cúm gia cầm, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống các chủng virut cúm lây truyền từ gia cầm sang người, đặc biệt lưu ý tới khách du lịch đi đến những vùng có ổ dịch; khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được chế biến hợp vệ sinh và không ăn tiết canh…

Để nâng cao cảnh giác trong nhân dân về đối phó với cúm A/H7N9, Việt Nam, WHO, FAO đã có thông cáo chung cho biết, Bộ Y tế Việt Nam đã kích hoạt tất cả hệ thống y tế trên toàn quốc và tăng cường giám sát, nhằm đảm bảo phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm đầu tiên. Trung tâm Cúm quốc gia tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán virut cúm A/H7N9 trên người. Các bệnh viện đã được chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát lây nhiễm, báo cáo và theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng cũng như chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị và phòng cách ly cho việc điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9.

Theo Suckhoedoisong