Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Mối quan hệ hai chiều giữa bệnh đái tháo đường và bệnh nha chu

Mối quan hệ hai chiều giữa bệnh đái tháo đường và bệnh nha chu

KHOA RĂNG HÀM MẶT – BỆNH VIỆN HNĐK NGHỆ AN

I.  Bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý mạn tính gây ra do thiếu sản xuất insulin của tụy hoặc tác dụng của insulin không hiệu quả dẫn đến hậu quả làm tăng đường trong máu gây tổn thương đến các cơ quan trong cơ thể1. Hiện nay, tỷ lệ bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh và trở thành gánh nặng kinh tế – xã hội cho từng quốc gia, cho cả thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển. Ước tính hiện có 347 triệu người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới và con số này được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 439 triệu, gần 10% người trưởng thành, vào năm 20302.

II. Bệnh viêm nha chu

Bệnh viêm nha chu là một bệnh nhiễm khuẩn gây viêm khởi đầu ở nướu, sau đó lan tới các mô nâng đỡ của răng là dây chằng nha chu, xương ổ răng và xi măng3. Bệnh thường gặp ở người trưởng thành nhưng có thể gặp ở các lứa tuổi khác. Bệnh gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống vì nếu không điều trị bệnh tiến triển gây đau nhức răng, lung lay kéo dài và cuối cùng là mất răng.

III. Mối quan hệ giữa bệnh đái tháo đường và viêm nha chu

 Mối liên quan hai chiều giữa viêm nha chu và đái tháo đường, đã được xác định từ hơn 50 năm nay: đái tháo đường được công nhận là yếu tố nguy cơ của viêm nha chu, ngược lại viêm nha chu được xem là biến chứng thứ sáu của đái tháo đường4. Theo thống kê, những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu cao gấp 3 lần so với những người không bị tiểu đường5, 6. Vậy mối quan hệ giữa bệnh đái tháo đường và viêm nha chu là gì?

  1. Bệnh nha chu làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh đái tháo đường7:

– Ở người có bệnh nền đái tháo đường mà bị viêm nha chu, cơ thể sẽ giải phóng các hóa chất kích thích các phản ứng viêm trong cơ thể (cytokin) nhiều hơn người bình thường. Các chất này gây đề kháng với hormon insulin làm giảm hiệu quả của insulin, gây khó kiểm soát đường huyết và làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

– Ngoài ra bệnh viêm nha chu được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như cao huyết áp, đột quỵ, xơ vữa động mạch…..được biết đến là các biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường.

2. Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nha chu: Những nguyên nhân làm tăng mức độ viêm nha chu ở người mắc bệnh đái tháo đường là7:

– Bệnh đái tháo đường làm suy giảm chức năng của các bạch cầu ở người mắc bệnh vì vậy làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn của cơ thể.

– Bệnh đái tháo đường làm tăng tiết các hoạt chất gây viêm, từ đó làm tăng tốc độ phá hủy mô xương ổ răng và mô nướu trong bệnh lý viêm nha chu.

– Bệnh đái tháo đường làm suy giảm khả năng làm lành vết thương của cơ thể.

Tóm lại: Bệnh viêm nha chu và đái tháo đường có mối quan hệ hai chiều với nhau. Do đó cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh đái tháo đường để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu. Bên cạnh đó việc chữa trị dứt điểm bệnh lý viêm nha chu để giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

3. Phòng ngừa bệnh viêm nha chu ở người đái tháo đường

Nước ta có tỷ lệ bệnh nha chu rất cao nên khi có đái tháo đường, bệnh nha chu sẽ dễ trở nên nặng hơn và phá hủy nhanh hơn. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường ngoài việc kiểm soát tốt đường huyết và các biến chứng khác còn cần theo dõi sức khỏe định kỳ và điều trị tốt khi có vấn đề bệnh răng miệng của chuyên khoa răng hàm mặt.

Các biện pháp phòng ngừa viêm nha chu ở người đái tháo đường

– Kiểm soát tốt đường huyết.

– Chế độ ăn uống hợp lý, tránh các loại đồ ngọt, nước có ga, ….

– Vệ sinh răng miệng đúng cách.

– Chải răng đúng cách để tránh gây tổn thương cho nướu. Chải răng đúng cách như sau:

+ Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm, chải vòng tròn theo chiều dọc của răng, chải lần lượt theo từng nhóm gồm 2-3 chiếc răng, thực hiện liên tục đến khi đi hết bề ngoài của hàm.

+ Đưa bàn chải vào bề mặt bên trong của các răng, cách chải tương tự như mặt ngoài.

+ Đến vị trí các răng cửa phía trước, đặt bàn chải theo chiều dọc, ngửa đầu bàn chải và đưa vào mặt bên trong của hàm trên, thực hiện động tác lên – xuống để chải các răng cửa phía trên.

+ Thực hiện tương tự với các răng cửa phía dưới.

+ Đặt bề mặt lông bàn chải tiếp xúc với bề mặt nhai của các răng hai bên, chải từ trước ra sau.

+ Dùng lông bàn chải hoặc dụng cụ chải lưỡi để loại bỏ các mảng bám thức ăn trên bề mặt lưỡi.

+ Súc miệng lại bằng nước sạch 3 – 4 lần để đảm bảo làm trôi hết các vụn thức ăn, các mảng bám và kem đánh răng.

– Sử dụng nước súc miệng để giảm các mảng bám và giúp hơi thở thơm mát hơn.

– Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần.

– Không hút thuốc lá

Điều trị bệnh viêm nha chu ở người mắc bệnh đái tháo đường: Tùy theo tình trạng bệnh mà nha sĩ có thể thực hiện các biện pháp:

– Lấy cao răng(cạo vôi) để loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới nướu.

– Làm nhẵn bề mặt thân, chân răng, ngăn chặn tích tụ cao răng và vi khuẩn.

– Điều trị nhiễm khuẩn: Cần đến bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.World Health Organisation (2012), Diabetes Programme, available at: http://www.who.int/diabetes/action_online/basics/en/.

  1. World Health Organisation (2013), Diabetes, Available at: http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs312/en/.
  2. Nguyễn Bích Vân, Hà Thị Bảo Đan (2015), Nha chu học, Tập 1, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  3. Phạm Anh Vũ Thuỵ, Trần Huỳnh Trung (2018), “Liên quan giữa hội chứng chuyển hóa và bệnh nha chu”, Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 22 (2), 167-173.

5.Mealey B.L., Ocampo G.L (2007), Diabetes mellitus and periodontal disease. Periodontology, 44: 127-153.

  1. Tsai C., Hayes C., Taylor G.W. (2002), Glycemic control of type 2 diabetes and severe periodontal disease in the US adult population. Community Dentistry and Oral Epidemiology, 30: 182-192.

7.Sanova L., Hughes F. & Preshaw P. (2015), Diabetes and periodontal disease. BDJ Team 1, 15007 (2015).