“Đau như đau đẻ”, “đau như banh da xẻ thịt” đó là những câu ví von đủ để nói lên nỗi đau không gì sánh được, kéo dài liên tục nhiều giờ, thậm chí cả ngày mà người phụ nữ khi “vượt cạn” phải tự mình trải qua. Nỗi đau đó thậm chí đã ám ảnh 1 số bà mẹ trẻ tới mức không dám sinh con nữa.
Đẻ không đau là một thuật ngữ nói về việc giảm đau cho sản phụ bằng các kỹ thuật dùng thuốc và không dùng thuốc. Với sự tiến bộ của y học, ngày nay kỹ thuật được ưa chuộng nhất là “Gây tê ngoài màng cứng liên tục”. Các bác sĩ Gây mê hồi sức có thể đặt 1 Catheter ngoài màng cứng, qua 1 Syringe điện, để bơm 1 lượng thuốc tê nhỏ liên tục vào khoang ngoài màng cứng bao bọc xung quanh tủy sống giúp giảm đau khi chuyển dạ. Sản phụ sẽ ít phải chịu đau, đỡ mất sức, cuộc chuyển dạ sẽ xảy ra nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn, và do đó em bé ít bị sang chấn hơn. Kỹ thuật này được áp dụng tại Pháp từ những năm 1970. Ở nước ta Bệnh viện Phụ Sản Hùng Vương đã thực hiện những ca đầu tiên vào năm 1987, Sau đó đã được áp dụng khá rộng rãi ở 1 số bệnh viện lớn như: BV Từ Dũ, BV Phụ sản Trung ương…hàng chục ngàn sản phụ đã được đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người mẹ mà không phải trải qua đau đớn. Tuy vậy đây là 1 thủ thuật nên cũng có thể có 1 số biến chứng mà sản phụ và gia đình cần hiểu rõ, và người làm thủ thuật phải luôn cố gắng để giảm thiểu tối đa tần suất xảy ra. Gây tê NMC được tiến hành thế nào?
Sản phụ sẽ được bác sĩ sản khoa khám và tiên lượng đẻ được, bác sĩ gây mê sẽ khám toàn diện để chọn lựa các trường hợp có chỉ định, giải thích cho sản phụ và được sản phụ ký giấy tự nguyện xin làm giảm đau.
Cuộc gây tê ngoài màng cứng sẽ do các bác sĩ giàu kinh nghiệm thực hiện. Trước khi gây tê sản phụ sẽ được truyền dịch để tránh tụt huyết áp do tác dụng tê gây ra. Khi gây tê sản phụ có thể ngồi cong lưng hoặc nằm nghiêng trái. Một mũi tiêm nhỏ gây tê tại chỗ vùng cột sống sẽ giúp sản phụ không đau khi làm thủ thuật. Bác sĩ GMHS sẽ đưa 1 kim chuyên dụng vào tới khoang ngoài màng cứng. Qua kim này, 1 Catheter sẽ được luồn vào trong khoang màng cứng, kim chuyên dụng sẽ được rút ra, và sản phụ có thể nằm thoải mái với Catheter nhỏ, mềm mại này.
Khi gây tê NMC sản phụ sẽ trải qua những cảm giác gì?
Tại thời điểm tiến hành thủ thuật, khi gây tê tại chỗ sản phụ sẽ có cảm giác đau như 1 mũi tiêm thông thường. Khi bắt đầu bơm thuốc qua Catheter có thể cảm nhận được 1 dòng mát dưới lưng ( hoặc không thấy gì cả). Ít phút sau sản phụ sẽ thấy đỡ đau. Tùy theo người đôi khi sẽ có cảm giác âm ấm ở 2 bàn chân, tê như kiến bò 2 bàn chân, hay nặng ở chân.
Sản phụ có lợi gì khi gây tê ngoài màng cứng ?
Gây tê NMC sẽ giúp sản phụ tránh được cái đau như đau đẻ, cuộc chuyển dạ sẽ trở nên nhẹ nhàng, sản phụ sẽ hoàn toàn thoải mái và cảm nhận được từng giai đoạn của cuộc đẻ và không bị mất sức.
Nhờ tác dụng của thuốc giảm đau, bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được cuộc đẻ theo xu hướng tốt nhất cho mẹ và thai. Trong trường hợp phải mổ lấy thai cấp cứu thì có thể sử dụng chính Catheter này để làm vô cảm.
Gây tê có hại gì cho sản phụ và thai nhi không ?
Là 1 thủ thuật y khoa nên bên cạnh lợi ích to lớn mà nó đem lại, gây tê NMC cũng có những nhược điểm và biến chứng nhất định.
Thuốc tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp, và có thể ảnh hưởng đến cung cấp máu cho thai nhi. Một số sản phụ có thể thấy buồn nôn, toát mồ hôi, mệt xỉu hay khó thở vì tụt huyết áp. Có thể phòng tránh bằng truyền dịch trước khi gây tê. Trong khi gây tê huyết áp mẹ và tim thai luôn được theo dõi sát sao liên tục. Cơn co TC có thể phần nào bị ảnh hưởng bởi thuốc tê, nhưng bằng việc theo dõi tần số và cường độ cơn co tư cung bằng Monitoring sản khoa, các bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh sẽ biết được chính xác khi nào và bằng cách nào để can thiệp làm tăng cơn co tử cung.
Gây tê NMC không làm tăng tỷ lệ mổ đẻ hay can thiệp dụng cụ khi sổ thai.
Một số biến chứng ít gặp
Trong một số trường hợp sản phụ có thể đau đầu vài ngày sau đẻ, đau có thể tự hết hoặc hết sau khi dùng thuốc cũng như nằm nghỉ ngơi đúng tư thế. Nhiễm trùng khoang NMC là 1 biến chứng nặng có thể xẩy ra, Tuy nhiên có thể thể giảm thiểu biến chứng này bằng cách tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc vô trùng. Ngoài ra Y văn còn ghi nhận các trường hợp tai biến chảy máu gây tụ máu NMC với tần suất thấp (0,04%). Có thể phát hiện chính xác biến chứng này bằng chụp công hưởng từ để có phương pháp xử lý thích ứng.
Sản phụ nào có thể được gây tê ?
Tất cả các sản phụ có nhu cầu giảm đau mà bác sĩ sản khoa tiên lượng đẻ được, Cổ TC chưa mở quá 6cm, không có các chống chỉ định gây tê.
Những sản phụ nào không nên gây tê ?
Đó là các chống chỉ định như: dị ứng thuốc tê, nhiễm trùng toàn thân nặng, rối loạn huyết động và các chức năng sống nặng, tiểu cầu < 100.000/mm³, bắt buộc phải dùng thuốc chống đông sau đẻ, tiền sử bệnh lý thần kinh hoặc bệnh tủy sống… Cũng không nên làm tê NMC trong các tình huống cấp cứu mà tính mạng của mẹ hoặc con bị đe dọa.
Tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An
Với gây tê ngoài màng cứng, chúng tôi sẽ giúp các bạn vượt qua giai đoạn khó khăn để đón nhận hạnh phúc tuyệt vời: LÀM MẸ. Tuy nhiên gây tê NMC không phải là bắt buộc, việc đẻ thường không phụ thuộc vào việc bạn có gây tê NMC hay không. Chọn lựa “đẻ không đau” bằng gây tê NMC, hay tự chịu đựng cơn đau chuyển dạ hoàn toàn là quyết định của bạn.
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN