Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh rối loạn mỡ máu

Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh rối loạn mỡ máu

Bệnh rối loạn mỡ máu là gì?

Bệnh rối loạn mỡ máu hay còn gọi là rối loạn lipid máu, máu nhiễm mỡ, là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn (tăng cholesterol, tăng triglycerid, tăng LDL-C, hoặc giảm HDL-C…)

Khi xét nghiệm mỡ máu, 4 chỉ số quan trọng cần được quan tâm, đó là:

  • Cholesterol toàn phần
  • LDL-cholesterol (LDL-C)
  • HDL-Cholesterol (HDL-C)
  • Triglycerid.

Dấu hiệu của rối loạn mỡ máu

Hầu hết những người bị rối loạn mỡ máu thường không có dấu hiệu gì báo trước. Cách tốt nhất để phát hiện ra bệnh là làm xét nghiệm máu. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt có thể phát hiện được bệnh nhờ một số dấu hiệu của lắng đọng cholesterol dưới da hay ở vùng quanh mi mắt.

Bảng giá trị bình thường khi xét nghiệm mỡ máu

Chỉ số

Giá trị bình thường (mmol/L) Giá trị gây hại (mmol/L)
Cholesterol toàn phần ≤5,18  ≥6,2 
LDL-Cholesterol 2,1 – 3,9  ≥4,1 
HDL-Cholesterol >= 0,9 < 0,9 
Triglycerid < 2,3 >= 2,3

Nguyên nhân rối loạn mỡ máu

  1. Rối loạn lipid máu tiên phát: do đột biến gen làm tăng tổng hợp quá mức cholesterol (CT), triglycerid (TG), LDL-C hoặc giảm thanh thải CT, TG, LDL-C hoặc giảm tổng hợp HDL-C hoặc tăng thanh thải HDL-L. Rối loạn lipid máu tiên phát thường xảy ra sớm ở trẻ em và người trẻ tuổi, ít khi kèm thể trạng béo phì.
  2. Rối loạn lipid máu thứ phát:

– Lối sống tĩnh tại

– Dùng nhiều bia-rượu, thức ăn giàu chất béo bão hòa.

– Các nguyên nhân thứ phát khác: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, suy giáp, xơ gan, dùng thuốc thiazid, corticoides, estrogen, chẹn beta giao cảm.


Khi nào cần kiểm tra mỡ máu

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ kèm theo kiểm tra mỡ máu
  • Khi có chỉ định của bác sĩ
  • Những người có nguy cơ rối loạn mỡ máu (hút thuốc, uống rượu, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, tuổi trên 45…).

Tại sao cần điều trị rối loạn mỡ máu

Rối loạn lipid máu không được điều trị có thể gây ra biến chứng ở các cơ quan:

  • Một số dấu chứng đặc hiệu ở ngoại biên của tăng lipid máu: cung giác mạc, các ban vàng ở mi mắt, u vàng ở gân khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, gót chân, màng xương.
  • Một số dấu chứng nội tạng của tăng lipid máu: nhiễm lipid võng mạc (lipemia retinalis), gan nhiễm mỡ, có thể gây viêm tụy cấp.
  • Xơ vữa động mạch: tổn thương động mạch có khẩu kính trung bình và lớn như tổn thương động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu não gây tai biến mạch não, tổn thương động mạch hai chi dưới gây viêm tắc thiếu máu hoại tử bàn chân.

Điều trị rối loạn mỡ máu thế nào

1. Nguyên tắc chung: Điều trị rối loạn lipid máu phải kết hợp thay đổi lối sống và dùng thuốc. Thay đổi lối sống là chỉ định đầu tiên, bao gồm tăng cường tập luyện – vận động thể lực, nhất là những người làm công việc tĩnh tại, và điều chỉnh chế độ tiết thực hợp lý với thể trạng và tính chất công việc.

2. Tập luyện – vận động thể lực

Thời gian tập luyện – vận động thể lực khoảng 30 đến 45 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, cường độ và thời gian tập tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe nhất là những người có bệnh lý huyết áp, mạch vành, suy tim.

3.Chế độ ăn uống 

– Hạn chế năng lượng nhất là những người béo phì.

– Hạn chế mỡ chứa nhiều acid béo bão hòa như mỡ trong thịt heo, thịt bò, thịt cừu…, giảm cholesterol có trong lòng đỏ trứng, bơ, tôm… Tăng lượng acid béo không bão hòa có trong các loại thực vật như dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu bắp, trong mỡ cá…

– Khẩu phần ăn có sự cân đối giữa glucid, lipid và protid. Tránh dùng nhiều glucid (năng lượng do glucid cung cấp khoảng 50% năng lượng của phần ăn, lipid khoảng 30% và protid khoảng 20%).

– Hạn chế bia – rượu.

– Bổ sung chất xơ, vitamin, yếu tố vi lượng từ các loại rau, củ và hoa quả.


4. Thuốc giảm lipid máu: Thay đổi lối sống sau 2-3 tháng mà không đem lại hiệu quả như mong muốn thì chỉ định điều trị với các loại thuốc hạ lipid máu.

Khám và điều trị rối loạn mỡ máu ở đâu

Khi có xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn mỡ máu, bệnh nhân nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, theo dõi và điều trị. Tùy vào mức độ của bệnh, Bác sĩ có thể áp dụng biện pháp điều trị không dùng thuốc hoặc có sử dụng thuốc.