Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Những bông hồng “thép”

Những bông hồng “thép”

Những bông hồng “thép”

Các nữ bác sỹ mà chúng tôi đã gặp, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, họ cũng luôn tận tụy với nghề, với người bệnh. Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, thêm cả trách nhiệm, áp lực, Với họ, ngoài sự hy sinh, tận tụy thì tinh thần “thép” là một yếu tố quan trọng để trụ vững với nghề…

“Niềm kiêu hãnh, tự hào của người thầy thuốc đã góp phần thay đổi được số phận của bệnh nhân theo hướng tích cực hơn” – Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Thanh Trà, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh luôn lấy đó làm lý tưởng, mục tiêu hướng tới của mình. Chị Trà tâm sự: “Ngày thơ bé, mình thấy các bác sỹ “oai”, quan trọng lắm. Chính từ suy nghĩ ấy mà mình quyết tâm vào trường y. Vào nghề rồi mới thấy đi kèm cùng niềm vinh dự ấy là trọng trách hết sức nặng nề, đầy khắc khoải lo âu bởi nó liên quan đến sinh mạng con người”. Và để thoát khỏi những ám ảnh đó bắt buộc bác sỹ phải yêu nghề, yêu người bệnh để rồi không ngừng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp… Những tháng đầu trở lại bệnh viện sau thời gian theo học chuyên khoa Mắt ở Viện Mắt Trung ương, bác sỹ Trà đã trở thành khách “Vip” của nhiều hàng thịt ở các chợ trong thành phố. Chị Trà chỉ mua mỗi mắt lợn, mắt bò và cứ hết giờ thăm, khám, điều trị lại hì hục một mình tẩn mẩn, tỉ mỉ rèn luyện phẫu thuật mắt.

Với ý chí, quyết tâm cao độ, bác sỹ Trà nhanh chóng trở thành một thầy thuốc lành nghề, mát tay. Trung bình mỗi năm chị phẫu thuật trên 1.000 ca bệnh đục thủy tinh thể, glocom, chấn thương về mắt. Bác sỹ Trà vẫn nhớ mãi những cái nheo mắt khó chịu, nụ cười rạng ngời của bệnh nhân khi tháo băng và biết mình thoát khỏi tình cảnh mù lòa. Và chị cũng không thể nào quên những lúc mình cảm thấy bất lực dù đã nỗ lực hết sức cứu chữa đôi mắt bệnh nhân. Tất cả niềm vui, trăn trở lại biến thành động lực để chị tiến lên, vững bước trên con đường hành nghề cứu người.

Bác sỹ Lê Thị Thanh Trà ( BV HNĐK Nghệ An) nhận danh hiệu thầy thuốc ưu tú

27 năm kể từ ngày nữ bác sỹ Ngân Thị Xuyến (quê Thanh Hóa) về Nghệ An công tác là cũng chừng ấy năm chị gắn bó với việc điều trị cho những bệnh nhân tâm thần. Kinh qua nhiệm vụ ở các khoa, phòng khác nhau và bây giờ là Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, thường xuyên tiếp xúc với những người bệnh “không bình thường” nhưng chưa lúc nào chị Xuyến cảm thấy “chán” nghề (Dẫu có những lúc, chị đã từng bị những bệnh nhân mất ý thức, kiểm soát tấn công). Bởi trong sâu thẳm trái tim của người thầy thuốc này: Thì người mang bệnh đã đáng thương, người không biết mình bị bệnh lại càng đáng thương hơn; và họ cần được chăm sóc bằng tấm lòng của những “từ mẫu”.

Xuất phát từ ý nghĩ đó, bác sỹ Ngân Thị Xuyến đã chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình. Bác sỹ Xuyến tâm sự: “Để chữa trị cho các bệnh nhân tâm thần thì ngoài các vấn đề về chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50%. Tuy nhiên để tiếp cận, gần gũi, động viên người bệnh là không dễ, nếu không xử lý khéo sẽ làm tình trạng bệnh của họ thêm căng thẳng. Vậy nên, bác sỹ cần có phương pháp để người bệnh cởi mở, tin tưởng, hợp tác. Phương pháp đó không ngoài việc quan tâm người bệnh thật lòng. Đây chính là những liều thuốc không kê đơn”…

Các y bác sỹ ở Bệnh viện Tâm thần đã không ít lần chứng kiến bác sỹ Xuyến “hóa thân” thành người bệnh, nói, cười, tâm sự cùng người bệnh. Trăn trở với sức khỏe bệnh nhân tâm thần, bác sỹ Xuyến ra sức trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu các đề tài liên quan đến việc điều trị cho bệnh nhân sao cho hiệu quả hơn, nhanh hơn. Trong quá trình công tác, bác sỹ Xuyến đã nhiều lần được khen thưởng vì có những thành tích xuất sắc, nhưng theo chị “thành tích lớn nhất của bản thân và đồng nghiệp là trả lại cuộc sống bình thường cho người bệnh”.

“Người bác sỹ giỏi chưa phải là người thầy thuốc giỏi. Người thầy thuốc giỏi phải là người bác sỹ giỏi và có đạo đức nghề nghiệp tốt”. Khắc sâu lời dạy này, nên suốt 20 năm qua, bác sỹ Nguyễn Thị Hà không nề hà với công việc ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Có thể nói, để làm tốt công tác xét nghiệm thì những kỹ thuật viên phải là những người có thần kinh thép, hết sức cẩn trọng và tỉ mỉ, bởi bất cứ một sự sơ sểnh nào cũng khiến bản thân và đồng nghiệp bị nhiễm bệnh. Hơn ai hết, bác sỹ Hà ý thức rõ điều này và “Để điều trị hiệu quả thì khâu xét nghiệm cực kỳ quan trọng, có chẩn đoán được bệnh thì mới có liệu pháp, phác đồ phù hợp”… Xin được mượn lời nhận xét của bác sỹ Thái Đình Lâm – Phó Giám đốc bệnh viện để nói về chị: “Dẫu xuất phát điểm là tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội nhưng khi tổ chức phân công, Bác sỹ Hà không ngại xa rời việc trực tiếp chữa bệnh cho người bệnh về làm công tác xét nghiệm. Trong công việc này, người bác sỹ lặng lẽ, âm thầm giống như gieo thóc giống vậy – không ai biết đến mình…”.

Trở thành một nữ bác sỹ đã khó, một nữ bác sỹ giỏi chuyên môn được nhân dân, đồng nghiệp tin yêu, kính trọng lại càng khó hơn – bác sỹ Nguyễn Thị Thao, Phó trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Y học cổ truyền, tâm tình. Theo bác sỹ Thao: Với thời gian học tập kéo dài, những nữ bác sỹ đã đánh mất đi một phần của tuổi thanh xuân; công việc căng thẳng, thường xuyên ứng trực tại bệnh viện khiến bản thân họ không có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Và là nữ nên thời gian học tập, cơ hội phát triển ít hơn so với nam bác sỹ… Nhưng bác sỹ Thao đã vượt qua tất cả những khó khăn này, để có một trái tim lớn, chan chứa yêu thương dành cho người bệnh, thắp sáng ngọn lửa y đức. Tất cả mọi bệnh nhân đến điều trị, chị luôn tiếp đón thân thiện, thăm khám, chỉ dẫn, tư vấn chu đáo, điều trị chăm sóc tận tình. Danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” mà Nhà nước trao tặng cho chị trong đợt này là một sự ghi nhận xác đáng.

Nếu nữ bác sỹ ở đồng bằng vất vả một thì nữ bác sỹ ở vùng cao vất vả mười. Những người như bác sỹ Đậu Thị Hoa – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạch Giám, huyện Tương Dương hay bác sỹ Nguyễn Thị Dịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu, ngoài việc chiến đấu với bệnh tật, họ còn phải chiến đấu với những hủ tục, quan niệm sai lầm về sức khỏe. Bước chân các chị đã đi qua những bản làng vùng cao, những cánh rừng thâm u để chữa bệnh, tuyên truyền bảo vệ sức khỏe cho đồng bào. Với bác sỹ Dịnh, bất cứ một hành động, đóng góp nào có thể ngăn chặn bệnh tật thì đều đáng tự hào và bản thân chị sẽ đi nhiều, đi nữa để cuộc sống, để sức khỏe của đồng bào nơi đây ngày càng được chăm sóc tốt hơn.

Không ngại khó khăn gian khổ, các nữ bác sỹ đã tự nguyện dấn thân vào cuộc chiến chống chọi với bệnh tật để cứu người. Luôn giữ lửa trong mái ấm gia đình mình, tiếp lửa niềm tin cho người bệnh, luôn tự hào, yêu quý ngành nghề của mình họ chính là những “Đặng Thùy Trâm” của thể kỷ XXI.

(Báo Nghệ An)