1. Ung thư thanh quản là gì?
Ung thư thanh quản là loại ung thư xuất phát từ bất cứ thành phần nào của thanh quản. Đây là bệnh lý khối u ác tính xuất phát chủ yếu từ lớp biểu mô trong lòng thanh quản, xảy ra khi biểu mô tăng trưởng một cách mất kiểm soát và hình thành khối u.
Ung thư thanh quản (UTTQ) là bệnh khá thường gặp trong tai mũi họng. Ung thư thanh quản đứng hàng thứ hai của ung thư vùng đầu và cổ, sau ung thư vòm, chiếm khoảng 20% trong các ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên, chiếm 2-4% trong các loại ung thư. UTTQ thường gặp ở lứa tuổi 50 – 70 tuổi, nam giới gặp nhiều hơn nữ giới.
2. Các yếu tố nguy cơ
– Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính trong UTTQ, người nghiện thuốc lá có nguy cơ bị UTTQ gấp 2 – 12 lần so với người không hút thuốc.
– Nghiện rượu cũng là một yếu tố nguy cơ trong UTTQ, người vừa nghiện rượu và hút thuốc lá thì nguy cơ càng cao.
– Các tổn thương mãn tính ở thanh quản như bạch sản, loạn sản, trào ngược dạ dày thực quản, u nhú thanh quản nhất là thể đảo ngược rất dễ bị ung thư hóa.
– Những người có tiền sử tiếp xúc với các chất như amiant, niken, crom, bụi gỗ hay tiền sử tiếp xúc với tia xạ dễ bị UTTQ.
– Thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng: thiếu vitamin A, B, betacarotene, retinoids… được xem như đóng một vai trò trong sự phát triển ung thư biểu mô vảy nói chung.
3. Triệu chứng thường gặp của ung thư thanh quản
Hình ảnh khối u thanh quản của bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Tai mũi họng – BV HNĐK Nghệ An
– Khàn tiếng: Khàn tiếng xuất hiện sớm với khối u ở tầng thanh môn. Khàn liên tục trên 3 tuần là một gợi ý cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
– Đau họng, nuốt đau.
– Nuốt vướng, nuốt khó với các khối u lớn.
– Ho: lúc đầu thỉnh thoảng có ho khan, từng cơn ngắn vài ba tiếng, về sau ho có thể có đờm hay lẫn máu.
– Khó thở: khi khối u lớn che lấp đường thở có thể gây khó thở.
– Nổi hạch cổ.
– Nội soi tai mũi họng: xác định vị trí, tính chất, mức độ lan rộng, kích thước của khối u và sự di động của dây thanh, sụn phễu. Hình thái tổn thương có thể gặp là thể sùi, loét, thâm nhiễm hoặc thể hỗn hợp sùi loét.
– Ung thư thanh quản thường được chia thành ung thư vùng thanh môn, vùng thượng thanh môn và hạ thanh môn; trong đó thường gặp nhất là ung thư thanh môn.
4. Các thăm khám cận lâm sàng cần làm.
– Sinh thiết khối u làm giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán. Có thể tiến hành sinh thiết qua soi trực tiếp hoặc gián tiếp dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân.
– Siêu âm vùng cổ giúp đánh giá hạch cổ, theo dõi sau điều trị và giúp định hướng cho chọc hạch.
– CT-scanner là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất có giá trị, giúp đánh giá vị trí, kích thước, mật độ khối u, độ lan rộng sang các cơ quan kế cận cũng như phát hiện hạch di căn.
– MRI đánh giá mức độ xâm lấn của khối u, nhất là xâm lấn sụn, hạch di căn.
– Chụp XQ, CT ngực, siêu âm ổ bụng để đánh giá sự di căn của ung thư.
– Nội soi đường hô hấp – tiêu hóa trên: Thăm khám đánh giá tổn thương, sinh thiết lấy bệnh phẩm, tìm ung thư thứ 2.
– PET/CT: phát hiện di căn xa, có thể dùng theo dõi sau điều trị nhằm phát hiện tái phát và di căn xa.
5. Điều trị ung thư thanh quản
Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm giai đoạn bệnh, tuổi bệnh nhân, thể trạng, khả năng của cơ sở điều trị, lựa chọn của bệnh nhân. Điều trị UTTQ không chỉ điều trị về mặt ung thư học, mà cần bảo tồn tối đa chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần điều trị ung thư thanh quản
Điều trị UTTQ giai đoạn sớm có thể lựa chọn phẫu thuật hoặc xạ trị cho kết quả tốt trong 85 – 90% trường hợp. Ở giai đoạn muộn hơn thì điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và miễn dịch liệu pháp có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng thời gian sống cho người bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị UTTQ giai đoạn II
Khoa Tai mũi họng bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã thực hiện thành công phẫu thuật điều trị ung thư thanh quản từ năm 2013. Các phẫu thuật được tiến hành điều trị ung thư ở các giai đoạn sớm (I, II), thậm chí giai đọan muộn như giai đoạn III, IV với các kĩ thuật như mở sụn giáp cắt dây thanh, cắt thanh quản bán phần, cắt thanh quản toàn phần. Việc điều trị ngay tại tỉnh nhà với các kết quả mang lại rất khả quản giúp người bệnh khỏi bệnh và giảm bớt gánh nặng kinh phí điều trị và sinh hoạt khi phải lên tuyến trên điều trị.
Niềm vui cùa người bệnh sau phẫu thuật điều trị UTTQ giai đoạn III
6. Phòng ngừa ung thư thanh quản.
Để phòng tránh ung thư thanh quản cần xây dụng một lối sống lành mạnh như:
– Không sử dụng thuốc lá, rượu bia.
– Giữ vệ sinh răng miệng.
– Hạn chế các loại thực phẩm lên men hay đồ chiên rán, đồ ăn nhanh.
– Khám sức khỏe định kỳ, thăm khám tai mũi họng sớm khi có các triệu chứng bất thường như khàn tiếng, nuốt đau, nuốt vướng, ho, khó thở…
Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là cơ sở tế có nhiều kinh nghiệm trong khám phát hiện sớm và phẫu thuật điều trị ung thư thanh quản!
👉👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ
🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.
☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082
⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6
🖥Website: https://bvnghean.vn.
Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean/
Thông báo ngừng hoạt động khám bệnh tại Khoa Khám bệnh, Thứ 7, Ngày 07/9/2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đón tiếp đoàn Bệnh viện đa khoa Yên Bái đến thăm và làm việc
Thông báo về lịch nghỉ ngày Lễ Quốc Khánh 2/9 năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức Giải Thể thao chào mừng 106 năm Ngày truyền thống Bệnh viện (18/9/1918 – 18/9/2024)
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN