Sinh thiết mô bệnh học và tế bào là một thủ thuật y học được thực hiện khá phổ biến ngày nay nhưng phần lớn các bệnh nhân và người nhà lại ít khi hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của thủ thuật này trước khi tiến hành.
Đây là phương pháp đánh giá bệnh chính xác nhất cung cấp thông tin ở cấp độ mô và tế bào, khi các phương pháp như xét nghiệm, siêu âm, nội soi…không mang lại đủ thông tin để chẩn đoán xác định và theo dõi tiến triển bệnh. Và đặc biệt với các bệnh ung thư thì chẩn đoán mô bệnh học là một chỉ định bắt buộc.
1. Mẫu sinh thiết là gì ?
– Mẫu sinh thiết là một phần mô hoặc tế bào được lấy ra từ cơ thể nhằm mục đích xác định xem phần mô hoặc mẫu tế bào đó có bị bệnh không. Mẫu sinh thiết đôi khi chỉ là một phần mô rất nhỏ được lấy bởi 1 chiếc kim, hoặc có khi là toàn bộ cả một khối u được cắt bỏ trong phẫu thuật.
Sinh thiết tủy xương được thực hiện tại vị trí xương hông
– Các mảnh sinh thiết không chỉ giúp chẩn đoán xác định các tình trạng như nhiễm trùng, viêm, các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, mà đặc biệt còn xác định cả tế bào ác tính – tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán ung thư.
– Ngoài ra, sinh thiết cũng được chỉ định để xác định tình trạng hoặc sự phù hợp của mô trước khi ghép cũng như theo dõi tình trạng thải ghép tạng sau phẫu thuật.
2. Sinh thiết được thực hiện như thế nào?
– Để việc sinh thiết được chính xác và an toàn, các bác sĩ thường thực hiện dưới hướng dẫn hình ảnh trực tiếp hay gián tiếp của siêu âm, chụp X-Quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Trong trường hợp các khối u/ tổn thương nghi ngờ ở ống tiêu hóa, các mẫu sinh thiết được lấy trực tiếp bằng kìm sinh thiết hoặc các dụng cụ chuyên dụng khác.
– Việc sinh thiết được thực hiện ở rất nhiều cơ quan trong cơ thể như các tạng trong ổ bụng (gan, tụy, lách, thận), mô xương, tuyến vú, phổi, nội mạc tử cung…
– Sinh thiết tủy xương được sử dụng để chẩn đoán ung thư trong máu, ví dụ bệnh bạch cầu cấp hoặc mãn tính. Một mẫu nhỏ của xương và tủy sẽ được lấy ra bằng kim. Đôi khi, chỉ có tủy xương được lấy ra để kiểm tra.
– Sinh thiết hạch bạch huyết được thực hiện bất cứ khi nào có hạch to hoặc bất thường.
Sinh thiết mở được thực hiện bằng cách lấy ra tất cả hoặc một phần của hạch bạch huyết
– Sinh thiết da để kiểm tra sự tăng trưởng bất thường của một khu vực trên da, chẳng hạn như một nốt ruồi có biểu hiện thay đổi hình thái như to nhanh, không rõ bờ.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà sẽ có một phương pháp sinh thiết da khác nhau
– Sinh thiết tinh hoàn thường được sử dụng để xác định nguyên nhân cơ bản gây vô sinh nam.
3. Mẫu sau khi sinh thiết sẽ được xử lý như thế nào?
– Ngay sau khi sinh thiết, mẫu mô sẽ được đặt trong điều kiện hóa chất bảo quản /hóa chất cố định phù hợp nhằm đảm bảo giữ nguyên tối đa tình trạng tế bào như khi ở trong cơ thể. Có nhiều phương pháp cố định tế bào khác nhau, với các yêu cầu về nhiệt độ phòng, nhiệt độ âm sâu hay hóa chất, phụ thuộc vào từng kỹ thuật đánh giá mô bệnh học và mức độ trang bị của cơ sở y tế…
– Sau đó, toàn bộ mẫu sẽ được đưa đến khoa giải phẫu bệnh. Tại đây, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ sử dụng kính hiển vi với độ phóng đại hàng trăm lần để phân tích, đánh giá xem có tế bào ác tính không, mức độ phát triển của tế bào ác tính…
4. Tại sao mẫu sinh thiết lại quan trọng đối với y học hiện đại?
– Nếu mẫu bị kết luận là ung thư, thì mỗi mẫu sinh thiết lại trở thành một dấu mốc quý giá cho việc theo dõi sự tiến triển bệnh, đánh giá kết quả các liệu pháp điều trị. Tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An nguồn mô này đều được lưu trữ và bảo quản khoa Giải Phẫu Bệnh và được chuyển tới các bác sĩ thực hiện điều trị, các nhà sinh học phân tử, hóa sinh học,… để thực hiện các nghiên cứu nhằm tìm ra các dấu ấn sinh học đặc hiệu của bệnh ở giai đoạn sớm, tìm ra các cơ chế bệnh sinh.
– Các nghiên cứu sâu ở mức độ phân tử như protein, RNA, DNA, thậm chí cả những nghiên cứu về toàn bộ hệ gen sẽ được thực hiện. Kết quả cuối cùng của tất cả các nghiên cứu này sẽ đóng góp cho việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị bệnh với phác đồ hiệu quả cao hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn. Như vậy, nhờ những thông tin thu thập được trong quá trình điều trị và nghiên cứu, mỗi người dân đều có cơ hội được hưởng các biện pháp chữa trị đặc hiệu riêng với cơ thể mình với hiệu quả chữa bệnh là cao nhất, chất lượng cuộc sống được đảm bảo và với chi phí khám chữa bệnh thấp nhất có thể.
5. Bạn cần chuẩn bị những gì cho việc sinh thiết?
Hầu hết việc sinh thiết bằng kim và bệnh nhân có thể ngoại trú khi thực hiện. Việc chuẩn bị cũng đơn giản và sẽ được các bác sỹ tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An căn dặn chi tiết trước khi triển khai. Bạn cũng cần lưu ý một số điểm như sau:
– Nếu đang điều trị 1 bệnh nào đó, hãy hỏi bác sĩ của mình về việc có nên dừng uống thuốc tạm thời trước khi sinh thiết hay không, ví dụ như aspirin hay các thuốc chống đông khác.
– Bạn cũng phải cung cấp tới bác sĩ tiền sử bệnh của mình, tiền sử dị ứng cũng rất quan trọng trong những trường hợp cần gây mê.
– Nếu là phụ nữ, thì bạn cần phải thông báo với bác sĩ về tình trạng hiện tại có mang thai hay không.
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN