Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, sự gia tăng bệnh nhân mắc BPTNMT đang gióng lên tiếng chuông cảnh báo. Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống BPTNMT của Chính phủ giai đoạn 2011- 2015 mà Nghệ An là một trong những tỉnh, thành phố nằm trong vùng tham gia đã có nhiều hành động thiết thực nhằm làm giảm mức báo động của căn bệnh nguy hiểm này.

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Môi thâm quầng và hơi thở ngắt quãng, ông Võ Hoài Bá (72 tuổi) tâm sự về chặng đường đằng đẵng chống chọi với bệnh tật của mình: “Tôi bị BPTNMT đã mười mấy năm rồi. Nghe các bác sỹ bảo, bệnh này không có thuốc chữa dứt hẳn mà chỉ có các thuốc giúp làm hạn chế và khoanh vùng bệnh thôi.” Ông Bá nhà ở phường Đội Cung, TP. Vinh. Mười mấy năm mắc BPTNMT là ngần ấy năm chặng đường từ nhà đến các bệnh viện lớn, nhỏ cứ dài thêm mãi. Ban đầu, ông có triệu chứng ho khan, tức ngực, khó thở, gia đình vội vàng đưa đi khám ở các phòng khám tư nhân thì được chẩn đoán là ông bị hen phế quản, có nơi lại khẳng định là viêm phổi cấp. Không nhớ nổi bao nhiêu loại thuốc cả Tây y, cả thuốc Nam, thuốc Bắc đã dùng, nhưng “tiền mất, tật mang”, triệu chứng bệnh vẫn ngày càng nặng thêm. Vài năm trước, ông chuyển đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, và các xét nghiệm bằng máy móc hiện đại đã chỉ ra đúng căn bệnh nguy hiểm mà bấy lâu ông và gia đình không hề hay biết.

Bác sỹ Lê Nhật Huy, trưởng khoa Nội Hô hấp Miễn dịch dị ứng khám định kỳ cho bệnh nhân

Cũng như ông Võ Hoài Bá, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khi bệnh đã quá nặng, với kiến thức về bệnh rất mơ hồ. Trong khi đó, BPTNMT là một căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, diễn biến bệnh phức tạp khi các biểu hiện gần giống với nhiều chứng bệnh về đường hô hấp khác, nên người dân dễ nhầm lẫn, chủ quan và tự ý mua thuốc sử dụng. Theo các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, BPTNMT là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở. BPTNMT là bệnh không chữa khỏi hoàn toàn, bệnh liên tục tiến triển nặng dần, các bệnh nhân khi có chẩn đoán thường cần dùng thuốc kéo dài. BPTNMT thường xảy ra ở các đối tượng như nam giới độ tuổi trên 40; những người hút thuốc lá, thuốc lào; những người tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi nghề nghiệp; tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với khói bếp than hoặc bị nhiễm khuẩn hô hấp khi còn nhỏ.

Trong đó, nguyên nhân nhiều nhất được xác định làm gia tăng tỷ lệ tử vong do BPTNMT là hút thuốc lá và sự thay đổi về đặc điểm nhân khẩu học. Tuy không lây lan nhưng BPTNMT làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, là trở ngại lớn trong sinh hoạt và công việc của người bệnh. Các bác sỹ đưa ra lời khuyên, nếu là người nằm trong nhóm nguy cơ cao đã nêu ở trên, và có các triệu chứng ban đầu là ho, khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức, nên đến ngay các chuyên khoa uy tín của bệnh viện lớn để được chẩn đoán và kiểm tra chức năng phổi bằng máy đo chức năng hô hấp, hay còn gọi là hô hấp kế.

Trước những thay đổi của đời sống xã hội và những biến động của khí hậu, môi trường sống, mức độ người mắc BPTNMT ngày càng gia tăng. Năm 2010, Bộ Y tế đã đưa BPTNMT vào danh mục các bệnh không lây nhiễm cần được quản lý và theo dõi. Năm 2012, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 2406/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 18/12/2011. Mục tiêu chung của dự án là nhằm nâng cao nhận thức đúng của nhân dân về BPTNMT và các yếu tố nguy cơ; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý BPTNMT ở các tuyến y tế; đồng thời, xây dựng hệ thống chính sách, mạng lưới quản lý BPTNMT.

Với mục tiêu trên, trong 3 năm chương trình mục tiêu đi vào thực tế, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã có những động thái quyết liệt, tích cực. Năm 2012, 2013, Bệnh viện đã cử 8 cán bộ đi tập huấn tại BV Bạch Mai, trong đó, 5 bác sỹ đào tạo về chuyên ngành giảng viên dự án, 3 kỹ thuật viên về đo chức năng hô hấp. Ngoài ra, mời giảng viên là cán bộ Bệnh viện Bạch Mai giảng dạy 4 lớp tập huấn về BPTNMT tuyến tỉnh cho 248 học viên, 18 lớp tập huấn tuyến huyện được tổ chức luân phiên với gần 660 học viên tham dự. Cùng với đó, công tác điều tra và khám sàng lọc được triển khai tích cực. Trong khuôn khổ 3 năm triển khai dự án, tổng số điều tra được 88.902 người, trong đó, chỉ định khám sàng lọc 17.179 người, tổng số đo chức năng hô hấp là 5.245 người và phát hiện tổng số bệnh nhân bị BPTNMT là 895 người, chiếm tỷ lệ khoảng 4,51 – 6,42%. Trên cơ sở đó, Ban điều hành dự án đã đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Nghệ An thành lập một Câu lạc bộ và một phòng khám, tư vấn và quản lý BPTNMT để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tiếp cận với kiến thức chuyên khoa và hưởng thụ những cơ sở vật chất hiện đại nhất dành cho căn bệnh của mình.

Tiến sỹ Dương Đình Chỉnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Trưởng Ban điều hành dự án phòng chống BPTNMT, cho biết: “Công tác sàng lọc và quản lý chương trình BPTNMT tại Nghệ An được thực hiện rất tốt, đúng quy trình và bài bản. Từ đây, số lượng bệnh nhân mắc BPTNMT được chúng tôi đưa vào quản lý định kỳ tại bệnh viện ngày càng tăng: năm 2012 là 280 người, năm 2013 là hơn 385 người và năm 2014 là hơn 400 người”. Tuy nhiên, việc triển khai dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những hạn chế khách quan như do địa bàn rộng, địa hình miền núi xa xôi, mặt bằng nhận thức của người dân về công tác khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập, thì phải kể đến những thách thức về kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở và đặc biệt là sự phối hợp chuyển bệnh nhân BHYT khi chẩn đoán được bệnh. Đây cũng là trăn trở lớn với những thành viên trong Ban điều hành dự án, bởi bệnh nhân mắc BPTNMT cần được sử dụng thuốc đặc trị thường xuyên trong thời gian dài, nhưng thực tế, sau khi hết thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân ngoại trú thường ít có điều kiện để tiếp tục dùng thuốc, bởi BHYT chỉ có mức sàn chi trả cho một số loại thuốc nhất định mà giá thuốc ngoài thị trường lại vượt khả năng của bệnh nhân.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng chống BPTNMT cho thấy chất lượng thực tế của các đợt điều tra, khám sàng lọc bệnh nhân mắc BPTNMT, gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho toàn xã hội về mức độ nguy hiểm, đáng lưu tâm của căn bệnh này. Đồng thời, giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân và gia đình sớm phát hiện đúng bệnh, củng cố kiến thức về bệnh và có điều kiện thực hiện đúng phác đồ điều trị.

(Báo Nghệ An)