Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TÀI LIỆU > Hướng dẫn > Những điều cần biết về hiến- ghép mô, bộ phận cơ thể người

Những điều cần biết về hiến- ghép mô, bộ phận cơ thể người

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.

Ghép thận tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An

* Ai có thể tham gia vào danh sách hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người (tạng) tiềm năng?

– Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng (Hiến tặng sau khi chết, chết não).

– Những người cao tuổi đều có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.

– Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

Pháp luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. (Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác).

* Cơ quan nào điều phối việc hiến, lấy, ghép mô, tạng của Việt Nam?

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập có nhiệm vụ chính trong việc điều phối việc lấy, ghép mô, tạng để cứu chữa người bệnh theo đúng quy định của pháp luật và đạo đức.

Nụ cười của bệnh nhân sau khi được ghép tim tại BV Việt Đức ngày 5/9

* Làm thế nào để đăng ký hiến mô, tạng hoặc hiến xác? Những cơ sở nào được phép lấy và ghép mô, tạng?

+ Nếu một người muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não thì Người đó có thể đến cơ sở y tế gần nhất để bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Trung tâm sẽ thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp để tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng (hiến sau khi chết/chết não).

+ Hoặc người hiến có thể trực tiếp tới cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến (khi còn sống hoặc sau khi chết): BV Hữu nghị Việt Đức; BV Quân Y 103; BV Nhi TW; BV Bạch Mai; BV 198 – Bộ Công an; BVĐK Xanh Pôn; BVĐK Phú Thọ; BV TW Huế; BVĐK Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; BV Nhi đồng 2; BV Nhân dân Gia Định; ĐH Y dược Tp. Hồ Chí Minh; BV Nhân dân 115; BVĐK Kiên Giang

+ Nếu người hiến muốn đăng ký hiến mô, thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-BV Mắt TW; Trung tâm mô, phôi – ĐH Y Hà Nội; Ngân hàng Mô- BV Bỏng Lê Hữu Trác; ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc: Mekophar

+ Nếu người hiến muốn đăng ký hiến xác thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các trường ĐH y để đăng ký hiến xác: ĐH Y Hà Nội; ĐH Y Thái Nguyên; ĐH Y Thái Bình; ĐH Y Hải Phòng; Học viện Quân Y (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Huế (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Tây Nguyên; ĐH Y Cần Thơ (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y dược TP HCM (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Bộ môn giải phẫu)

Ngoài ra, một cách đơn giản hơn, Người hiến có thể tới hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để được tư vấn, trợ giúp hoặc hỗ trợ trực tiếp để đăng ký hiến tạng khi còn sống hoặc cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết/chết não).

* Cách thức đăng ký hiến tặng mô, tạng?

Việc đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não phải được thể hiện qua đơn tình nguyện hiến tặng theo quy định của pháp luật. Và xin lưu ý thêm là trong mẫu đơn đăng ký không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý thân nhân người đăng ký hiến tặng… . Tuy nhiên, trên thực tế nếu việc đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não mà gia đình không biết sẽ rất khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế biết để tiếp nhận mô, tạng hoặc thậm chí nếu gia đình sẽ phản đối thì người đăng ký hiến không thực hiện được nguyện vọng của mình. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích Bạn nên chủ động trao đổi nguyện vọng hiến tặng của mình cùng gia đình để nhận được sự ủng hộ. Việc trao đổi vừa là để giải quyết về mặt tình cảm, vừa là để chắc chắn rằng, tâm nguyện đó sẽ được người thân thực hiện.

Tất nhiên, việc hiến tặng mô, tạng là tự nguyện, là quyền nhân thân, do đó trong mọi trường hợp, nếu muốn thay đổi quyết định, thì Bạn chỉ cần ký đơn từ chối hiến tặng gửi về cơ sở y tế nơi cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng ban đầu là được đưa ra khỏi danh sách đăng ký hiến tặng. Đấy cũng là sự công bằng của pháp luật, luôn tôn trọng quyền nhân thân tối cao.

Các bác sĩ BV Việt Đức đang thực hiện ca ghép tim

* Quyền lợi của người hiến tạng?

Quyền lợi của người hiến mô?

Người đã hiến mô (khi còn sống) được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế. Người hiến mô sau khi chết (giác mạc): Người hiến giác mạc sẽ được tôn vinh, gia đình người hiến giác mạc sẽ được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp. Thân nhân người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế.

Quyền lợi của người hiến tạng khi còn sống?

Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; Được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Quyền lợi của người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác?

Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

*Trường hợp nào bị cấm hiến, lấy, ghép tạng?

Theo quy định tại điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, nếu không đủ các điều kiện trên, sẽ bị nghiêm cấm hiến, lấy và ghép tạng.

Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô, tạng còn phải bảo đảm nguyên tắc:Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; Không nhằm mục đích thương mại; Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, việc hiến, lấy, ghép tạng còn phải tuân thủ quy định tại Điều 11 (Các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi; Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định; Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời; Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Hiến tạng để làm gì?

Theo ThS Nguyễn Hoàng Phúc- phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi…

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.

Địa chỉ tư vấn và đăng ký hiến tặng mô, tạng:

– Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội:

Tel: 04.39386692-04 39386693/091.50.60.550

Email: gheptang@vncchot.com

– Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người-Bệnh viện Chợ Rẫy

Tel: 08.39560139/0838554137-184; 0913677016

Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com

– Ngân hàng Mắt-Bệnh viện Mắt Trung ương: 85 Bà Triệu, Hà Nội

Tel: 04.39454799; Email: info@vnio-eyebank.org.vn