Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Những điều cần biết về tắc tuyến lệ ở trẻ em

Những điều cần biết về tắc tuyến lệ ở trẻ em

Khoa Nhi sơ sinh – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

1.Tắc tuyến lệ là gì

Nước mắt sẽ được tiết ra từ tuyến lệ nằm phía trên mỗi bên mắt. Nước mắt sau đó sẽ được dẫn vào hệ thống lệ đạo (ống dẫn nước mắt), bắt nguồn từ góc trong mắt, vào một túi chứa nhỏ, sau đó theo ống dẫn dọc theo cánh mũi và đi vào trong mũi (vậy nên mỗi lần khóc là nước mắt nước mũi lèm nhèm, hay nhỏ thuốc vào mắt mà đắng miệng).

 Tắc tuyến lệ hay tắc tuyến lệ đạo, là bệnh lý thường xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn, làm cho nước mắt sẽ chảy ngược và tích tụ quanh mắt, gây triệu chứng chảy nước mắt sống, khiến mắt dễ bị nhiễm trùng.

2. Nguyên nhân gây tắc tuyến lệ

– Nguyên nhân phổ biến nhất là do màng ở cuối lệ đạo, xuất hiện ở khoảng 50% trẻ sơ sinh nhưng thường biến mất sau sinh.

– Ngoài ra lệ đạo của trẻ chưa phát triển, phần lớn bị hẹp đoạn cuối khi đi vào mũi do các tế bào biểu mô chưa tách rời (các tế bào này sẽ tự tách rời sau vài tháng).

– Một số hiếm trường hợp có thể do dị dạng vùng mặt, khối u, polyp…

3. Tắc tuyến lệ phổ biến như thế nào

 Hơn 5% trẻ sơ sinh có triệu chứng tắc tuyến lệ ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt. Hầu hết (khoảng 90%) TỰ KHỎI trong năm đầu đời.

4. Triệu chứng tắc tuyến lệ

– Sự tắc nghẽn của lệ đạo khiến nước mắt trào ra trên bề mặt mắt và tràn lên lông mi, mí mắt và xuống má. Điều này thường xuất hiện sau THÁNG ĐẦU TIÊN (do trong mấy tuần đầu tuyến lệ chưa phát triển).

– Mi mắt có thể đỏ và sưng tấy (đôi khi dính vào nhau), kèm theo ghèn đục vàng. Điều này là do vi khuẩn bình thường ở mí mắt không được “đẩy” xuống hệ thống lệ đạo đúng cách vì nó bị tắc nghẽn. Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng lệ đạo.

5. Làm sao để nhận biết

– Khi khóc thì không có nước mắt nhưng bình thường không có tác động gì lại có nước mắt tràn ra mi rồi xuống má (chảy nước mắt sống), đồng thời có luồng trào ngược một thứ chất nhầy được sản xuất trong túi lệ.

– Những lúc cơ thể tăng sản xuất nước mắt như tiếp xúc trời lạnh, có gió, hoặc mắc các bệnh lý đường hô hấp như cảm lạnh, phần cuối ống lệ đạo bị tắc thì nước mắt càng chảy ra nhiều hơn.

– Các triệu chứng này thường xảy ra ở độ tuổi rất sớm.

6. Điều trị

– Giữ vệ sinh tốt phòng ngừa nhiễm trùng, nếu bé có nhiều ghèn, dùng một khăn sạch, gạc sạch, thấm nước sạch hay nước muối lau nhẹ.

– Massage lệ đạo: dùng ngón tay ấn nhẹ vào vùng mặt nơi khoảng giữa góc trong của mặt và mũi nơi có chứa túi nước mắt. Giữ áp lực vừa phải miết nhẹ từ đó xuống phía dưới dọc cánh mũi. Lặp lại 10-15 lần, 4-6 lần/ngày.

– Hầu hết trường hợp tự khỏi trước 8-10 tháng tuổi.

– Khi có tình trạng chảy ghèn mắt vàng đục nghiêm trọng hoặc viêm tấy đỏ xung quanh mắt có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh theo khuyến cáo của Bác sỹ.

7. Khi nào cần khám bác sĩ mắt

– Sau 1 tuổi mà không hết, có thể cần một thủ thuật xâm lấn là nong lệ đạo.

– Nhiễm trùng lệ đạo hay nang tuyến lệ.

👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ

 🏥 Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082 hoặc 0886.234.222

⌚️Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6

🖥Website: https://bvnghean.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean/