Nhằm triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, Chính phủ đã ban hành nghị định, Bộ Y tế ban hành các thông tư hướng dẫn. Trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhiều nội dung quan trọng đã được bổ sung, quy định chi tiết.
Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đưa ra nhiều điểm mới.
Cụ thể, trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hành nghề; cụ thể hóa các nội dung về hướng dẫn thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề và đăng ký hành nghề trong khám bệnh, chữa bệnh; hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia trong kiểm tra, đánh giá năng lực người hành nghề.
Quy định mới đã rút ngắn thời gian thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh, từ 18 tháng xuống còn 12 tháng đối với bác sĩ; từ 9-12 tháng xuống còn 6-9 tháng đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đã được giảm bớt và đơn giản hóa, trong đó, đã bỏ phiếu lý lịch tư pháp, thay thế lý lịch cá nhân bằng sơ yếu lý lịch tự thuật, không bắt buộc xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã trong sơ yếu lý lịch.
Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề được thực hiện từ ngày 1/1/2027 đối với bác sĩ; từ 1/1/2028 đối với y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Với ba chức danh hành nghề mới bao gồm: dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng đã được quy định cụ thể về thực hành, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp phép hành nghề để thực hiện cấp giấy phép hành nghề từ 1/1/2024, tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề từ 1/1/2029 theo lộ trình của Luật.
Một số hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được bổ sung, điều chỉnh, trong đó có một số loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới như: phòng khám bác sĩ y khoa, phòng khám y sĩ, phòng khám liên chuyên khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, cơ sở kính thuốc có thực hiện đo kiểm tra tật khúc xạ, cơ sở lọc máu… Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã cụ thể hóa danh mục bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Điểm nổi bật trong quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP là xếp cấp chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dựa vào năng lực chuyên môn, năng lực hỗ trợ kỹ thuật, năng lực đào tạo thực hành và năng lực nghiên cứu khoa học. Như vậy, việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật sẽ không phụ thuộc vào cấp hành chính mà hoàn toàn căn cứ vào năng lực chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96 cũng đã quy định chi tiết quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh. Quy định mới đã giới hạn hai nhóm thuộc kỹ thuật mới, phương pháp mới so với ba nhóm trước đây.
Như vậy, theo luật và nghị định mới, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng các kỹ thuật lần đầu tiên tại cơ sở đó nếu không thuộc nhóm kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng trên thế giới hay tại Việt Nam thì chỉ áp dụng thủ tục bổ sung danh mục kỹ thuật hoặc áp dụng quy định về chuyển giao kỹ thuật, các quy trình đã được đơn giản hóa so với quy định trước đây.
Một trong những nội dung đã được bổ sung vào Luật và Nghị định là vấn đề huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là những quy định tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đã xảy ra trong thực tiễn chống đại dịch COVID-19 trong những năm vừa qua, cụ thể hoá Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh việc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, Bộ Y tế đã ban hành các thông tư nhằm cụ thể hóa một số nội dung được nêu trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Ngày 31/12/2023 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 32/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh, Thông tư có 11 chương, 56 điều.
Trong đó, quy định mới đã làm rõ các nội dung liên quan đến cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 05 năm liên tục (01 giờ tín chỉ đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tương đương với 01 tiết học). Việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục có thể thực hiện bằng hình thức: Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, hội nghị, hội thảo về y khoa phù hợp với phạm vi hành nghề; Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; Tự cập nhật kiến thức y khoa và các hình thức khác.
Nội dung của thông tư cũng quy định rõ phạm vi hành nghề của các chức danh. Đối với bác sĩ gồm: Bác sĩ y khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ chuyên khoa. Các chức danh khác: Y sĩ đa khoa, Y sĩ Y học cổ truyền, Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng, lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Huy động, điều động, phân công nhiệm vụ đối với các đối tượng tham gia khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp quy định tại khoản 4 Điều 115 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, làm rõ đối tượng được huy động, điều động người tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
Theo Bộ Y tế
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN