Những ngày qua, khoa Sản, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đang nỗ lực giành giật sự sống cho bé trai sinh non 33 tuần tuổi- con sản phụ Nguyễn Thị Tin (32 tuổi, Nghi Văn, Nghi Lộc), nạn nhân tử vong do bị chó dại cắn.
Ngày 9/6, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận điều trị bệnh nhân Nguyễn Thị Tin với chẩn đoán bị lên cơn dại. Tình thế vô cùng nguy cấp, tính mạng sản phụ gần như không có cơ hội gìn giữ, tiên lượng tử vong gần. Phương án phẫu thuật lấy thai, với hy vọng kịp cứu con trước khi sản phụ rơi vào tình trạng nguy kịch, có thể mất cả mẹ và con, được các bác sỹ khoa Bệnh nhiệt đới và khoa Sản quyết định nhanh chóng trong cuộc Hội chẩn liên khoa.
12 giờ trưa 10/6, bệnh nhân Tin được chuyển lên bàn phẫu thuật lấy thai trong tình trạng vật vã bởi cơn dại khởi phát. Để tránh tình trạng kích thích, êkip phẫu thuật bắt buộc cố định tay chân bệnh nhân vào các góc bàn mổ. Êkip Gây mê hồi sức tiến hành gây mê nội khí quản để bác sỹ Sản khoa phẫu thuật lấy thai. Bé trai 1,6 kg chào đời ở tuần thai 33.
Tiên lượng trước, đây là ca sinh khó do thai nằm trong cơ thể mẹ bị mắc bệnh lý, bác sỹ tổ Sơ sinh đã được thông báo sẵn sàng trong phòng mổ, phối hợp kịp thời xử lý tình huống cấp cứu trẻ ngay khi chào đời. Đúng như nhận định ban đầu, sau sinh, bé trai không khóc, không thở, tím tái, trương lực cơ nhão, phản xạ sơ sinh yếu. Bác sỹ phải nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực, bóp bong; song tình trạng bé không cải thiện. Phương án đặt nội khí quản, tiếp tục bóp bóng được triển khai. Khi bé dần hồng hào hơn, bắt đầu có nhịp tự thở, bác sỹ khẩn trương chuyển bé về phòng Hồi sức tích cực sơ sinh để cho bé tiếp tục thở máy nCPAP.
3 ngày đầu sau sinh, bé trai liên tục rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng nặng. Bé thường xuyên duy trì thở máy nCPAP với áp lực nồng độ Oxy cao (FiO2 75%). Xét nghiệm khí máu cho thấy toan hô hấp, chỉ số CO2 trong máu cao. Hình ảnh chụp XQuang ngay tại lồng ấp cho thấy phổi mờ.
“Với chẩn đoán bệnh màng trong độ IV ở trẻ sơ sinh non yếu, chúng tôi đã giải thích với gia đình bệnh nhân, bé cần được bơm Sulfactan (thuốc trưởng thành phổi ở trẻ sinh non) để cải thiện tình trạng suy hô hấp của trẻ. Nhưng do giá thành thuốc cao, trong khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có điều kiện cho bé dùng loại thuốc này . Vì vậy, vấn đề điều trị cho bé gặp thêm khó khăn, tiên lượng điều trị rất dè dặt. Bé được đặt Catheter tĩnh mạch rốn, nuôi dưỡng bằng dịch truyền. Chúng tôi sử dụng bơm tiêm điện để kiểm soát nồng độ và tốc độ dịch truyền vào cơ thể bé, đảm bảo đường huyết luôn ổn định. Ngoài ra, bé được sử dụng kháng sinh dự phòng viêm nhiễm ở trẻ sinh non và được chiếu đèn tích cực do xuất hiện tình trạng vàng da sinh lý.”- BS Trần Anh Thái, tổ Sơ sinh nhận định.
Đến nay, sau 5 ngày được theo dõi chặt chẽ 24/24 tại khoa Sản, bé trai vẫn đang nằm lồng ấp; tình trạng hô hấp ổn định hơn, không còn các cơn ngừng thở; độ bão hòa oxy ổn định, đạt 95-98%; bệnh màng trong cải thiện. Tuy nhiên, do bé sơ sinh quá non yếu, có thể diễn biến xấu bất kỳ lúc nào; đồng thời gia đình đang lo hậu sự cho mẹ bé nên các bác sỹ tổ Sơ sinh, khoa Sản đang tích cực điều trị, chăm sóc tận tình cho bé.
Hoàng Yến
Thông báo ngừng hoạt động khám bệnh tại Khoa Khám bệnh, Thứ 7, Ngày 07/9/2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đón tiếp đoàn Bệnh viện đa khoa Yên Bái đến thăm và làm việc
Thông báo về lịch nghỉ ngày Lễ Quốc Khánh 2/9 năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức Giải Thể thao chào mừng 106 năm Ngày truyền thống Bệnh viện (18/9/1918 – 18/9/2024)
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN