Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > TIN TỨC > Tin y tế > Nỗ lực nuôi dưỡng 2 trẻ sơ sinh non yếu

Nỗ lực nuôi dưỡng 2 trẻ sơ sinh non yếu

Nỗ lực nuôi dưỡng 2 trẻ sơ sinh non yếu

Gần 1 tháng nay, khoa Sản, Bệnh viện HNĐK Nghệ An nỗ lực giành giật sự sống cho 2 bé sinh non nặng 1,1 kg. Dù sinh ra từ 2 người mẹ khác nhau, nhưng các bé đều chung hoàn cảnh cất tiếng khóc chào đời đầy khó nhọc bởi sơ sinh quá non yếu, thường xuyên đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Những sinh linh bé bỏng ấy lớn lên trong lồng ấp từng ngày cùng với niềm hy vọng, nỗi phập phồng lo âu của người mẹ cũng như các bác sỹ điều trị.

Có những lúc hai bé thay nhau ngừng thở

Những ngày giữa tháng 7, Bệnh viện HNĐK Nghệ An hỗ trợ sinh cho 2 sản phụ đẻ non tháng. 2 bé, bé gái con sản phụ Ngân Thị Bảy (Qùy Hợp) và bé trai con Nguyễn Thị Đức (Diễn Châu) ra đời cách nhau vỏn vẹn 3 ngày, là 2 trẻ sơ sinh thiếu tháng cực non yếu. Sinh non ở 28 tuần thai, với cân nặng lần lượt 1,1 và 1,2kg, các bé liên tục diễn biến xấu sau sinh do suy hô hấp.

Bác sỹ điều trị khám sức khỏe cho bé gái con sản phụ Ngân Thị Bảy

Ngay khi vừa chào đời, các bé đều khóc yếu, tím tái, phản xạ sơ sinh yếu. Bác sỹ khoa Sản chỉ định cho các bé thở nCpap, theo dõi toàn trạng qua Monitor, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch rốn hoàn toàn trong những ngày đầu. Sau 1 thời gian, hai bé được đặt sonde dạ dày và bơm sữa mẹ nhỏ giọt nuôi dưỡng bằng bơm tiêm điện 24/24 giờ.

Trong suốt gần 1 tháng điều trị, hai bé xuất hiện nhiều cơn ngừng thở ở trẻ sơ sinh, đe dọa tính mạng liên tục. Có những lúc, vừa cấp cứu hồi sức cho bé sản phụ Đức xong, lại đến con sản phụ Bảy chuyển biến xấu. Với những trẻ sơ sinh non tháng như hai bé, phổi trẻ chưa hoàn thiện, vì vậy trẻ có thể quên thở và điều dưỡng phải theo dõi các bé tính theo giây. Vì thế, khoa Sản luôn cử cán bộ y tế theo dõi sát sao diễn biến của các bé để xử trí kịp thời.

Cuộc giằng co giữa “sinh- tử”, cố gắng cứu sống các bé của các bác sỹ khoa Sản dường như là những chuỗi ngày căng thẳng đến nghẹt thở, bởi các bé quá non yếu, sức đề kháng còn rất kém nên vô vàn những nguy hiểm bệnh lý chỉ chực chờ cướp các bé khỏi bàn tay các y bác sỹ. “Cả 2 bé con mẹ Đức và Bảy đều sinh non, gặp các vẫn đề thường gặp ở trẻ sinh non như: nhiễm trùng sơ sinh, ngưng thở, bú kém nên chúng tôi phải sử dụng máy thở hỗ trợ hô hấp, cho bé nằm lồng ấp và dùng kháng sinh liều cao. Đã có lúc, các bé sụt cân về chỉ còn 800g. Các bé quá nhỏ nên việc lấy vein vô cùng khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn nghĩ “Còn nước còn tát”, cố gắng dùng mọi phương pháp để cứu các bé”. Bác sỹ Phạm Thị Thanh Thủy chia sẻ. Dần dần, đến hôm nay, các bé đã tự thở tốt không cần máy hỗ trợ ôxy, tự bú và đang được tập ăn bằng sữa mẹ, hệ tiêu hóa các bé hấp thu sữa được. Mỗi lần các bé bú lần lượt 10 – 20 ml. Bé trai con sản phụ Đức đã tăng cân trở lại như lúc mới sinh, đạt 1,2 kg.

Áp dụng phương pháp chuột túi (Kangaroo) hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ sinh non

Đến nay, tuy vẫn còn những nguy cơ đe dọa tính mạng, nhưng sức khỏe các bé con sản phụ Đức và Bảy đã dần ổn định, các bác sỹ quyết định hướng dẫn bố mẹ phương pháp nuôi con Kangaroo để hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ. Hàng ngày, các bé được cho ra với mẹ để được chăm sóc vỗ về, ôm ấp trực tiếp với cơ thể mẹ. Lúc này, nhịp tim, nhịp hô hấp, thân nhiệt của mẹ sẽ giúp bé bắt nhịp với cuộc sống bên ngoài lồng ấp. Sự gần gũi giữa mẹ và bé cũng như được bú sữa mẹ thường xuyên sẽ giúp hai bé sinh non được tận hưởng tối đa dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục của 2 bé.

Bác sỹ khoa Sản hướng dẫn sản phụ Ngân Thị Bảy phương pháp nuôi con Kangaroo

Bác sỹ Phạm Thanh Thủy (khoa Sản) cho biết: “Phương pháp Kangaroo được chúng tôi áp dụng cho trẻ sinh non yếu. Người mẹ có thể chủ động nuôi con tại nhà bằng phương pháp Kangaroo kết hợp với môi trường ấm áp, sạch sẽ. Phương pháp này là luôn luôn giữ ấm cho trẻ bằng chính hơi ấm người mẹ hoặc người thân trong gia đình như ông, bà, bố… bế úp bé trước ngực, bụng liên tục trong những tháng đầu tiên vì trẻ thiếu tháng có thân nhiệt rất thấp ngay cả khi thời tiết nóng bức. Phương pháp kéo dài đến khi bé 40 tuần tuổi (tính cả tuổi thai), hoặc khi trẻ đạt cân nặng 2,5kg.”

Háo hức ôm con vào lòng, sản phụ trẻ Ngân Thị Bảy khẽ khàng vỗ về con trong vòng tay, chị tâm sự: “Bác sỹ đã cố gắng cứu con em qua nhiều lần nguy kịch, giờ được ôm ấp, ủ ấm cho con, em hy vọng sẽ giúp con vượt qua bằng tình mẫu tử”.

Được biết, trong thời gian qua, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã tiếp nhận nhiều sản phụ mang thai và sinh con khi tuần thai còn nhỏ. Bệnh viện đã nuôi dưỡng thành công nhiều bé cân nặng thấp, có bé chào đời khi mới 24 tuần thai với cân nặng chỉ đạt 600g như bé Bảo Trâm, con sản phụ Nguyễn Thị Hoa (Nghi Trung, Nghi Lộc).

Xác định rõ, các sản phụ sinh con đã khó khăn, nên việc nuôi dưỡng và bảo vệ những em bé này là khát khao mong mỏi của các gia đình. Đối với trẻ sơ sinh cực non yếu, cần chế độ chăm sóc đặc biệt, ngoài điều trị lâm sàng, trẻ cần được nuôi dưỡng cẩn thận nên việc áp dụng phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng Kangaroo được bệnh viện chú trọng. Phương pháp chăm sóc này khoa học, hiệu quả mà đơn giản, dễ thực hiện.

Hoàng Yến CĐT