Đến nay, sau hơn 1 tuần kể từ khi tiến hành ca mổ nối tay đứt lìa tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, bệnh nhân Phan Công Bằng (14 tuổi, Yên Thành) đã tiến triển tốt, cánh tay đứt lìa đã có dấu hiệu phục hồi chức năng.
18h05 ngày 23/02, khoa Cấp cứu Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Bằng nhập viện với vết thương vùng cánh tay trái đứt gần lìa giờ thứ 4 do bị tường đổ gây dập nát cánh tay. Bệnh nhân đau dữ dội; xương, mạch máu, cơ cánh tay bị đứt hoàn toàn, dây thần kinh giữa, quay, trụ bị đụng dập, chỉ còn một mẩu da khoảng 5cm, tay nhợt lạnh, vết thương nham nhở, dập nát, mất vận động và cảm giác bàn tay trái.
Bác sỹ khoa Chấn thương và Ngoại Lồng ngực thăm khám hậu phẫu chặt chẽ bệnh nhân Bằng
Ngay lập tức, êkip hội chẩn liên khoa: Chấn thương, Ngoại Lồng ngực, Gây mê Hồi sức được huy động thăm khám cho bệnh nhân. Nhận thấy bệnh nhân mất máu trầm trọng do đứt động mạch, không còn mạch máu nuôi chi, nguy cơ tàn phế hiện hữu; các bác sỹ quyết tâm bằng mọi giá phải cứu cánh tay cho bệnh nhân, cứu lấy tương lai của cháu bé. Êkip hội chẩn quyết định chuyển mổ tối khẩn, nhanh chóng nối mạch, phục hồi lưu thông dòng máu để bảo toàn cánh tay không bị hoại tử; đồng thời cần xử lý nhanh tránh nhiễm trùng.
Ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng ngay trong đêm 23/02 là sự phối hợp xử lý song song, nhanh chóng, đồng bộ của 2 chuyên khoa: Chấn thương và Ngoại Lồng ngực. Một mặt, các bác sỹ Chấn thương tiến hành cắt ngắn khoảng 6cm xương cánh tay đoạn dập nát, cắt lọc tổ chức cơ, phần mềm hoại tử, dập nát và khâu nối lại; đồng thời cố định xương bằng khung ngoại vi. Mặt khác, “Chúng tôi nhanh chóng bộc lộ mạch, cầm máu, cắt bỏ tổ chức đoạn động mạch nách, động mạch cánh tay dập nát; luồn ống thông Fogarty lấy bỏ huyết khối trong động mạch cánh tay, quay, trụ; bơm rửa mạch bằng dung dịch Heparin pha loãng. Sau đó tiến hành ghép động mạch nách – cánh tay bằng tĩnh mạch hiển tự thân lấy từ đùi bệnh nhân lên, ghép phục hồi lại tĩnh mạch cánh tay cũng bằng tĩnh mạch hiển. Sau khi ghép mạch, nhận thấy tuần hoàn ngoại vi đã có sự tưới máu, hồi lưu tĩnh mạch được, Êkip chấn thương tiếp tục mở cân cẳng tay phòng hội chứng tái tưới máu” Thạc sỹ, BS. Phạm Văn Chung, khoa Ngoại Lồng ngực, phẫu thuật viên chính mạch máu cho biết.
Hình ảnh chụp X Quang cánh tay đứt lìa của bệnh nhân lúc mới nhập viện
Quá trình hồi sức sau mổ và xử lý vết thương cho bệnh nhân Bằng đòi hỏi chuyên môn cao và quá trình chăm sóc hậu phẫu cẩn thận. “Việc tầm soát quá trình nhiễm trùng hoai tử cơ sau mổ rất quan trọng, bởi bệnh nhân Bằng rất dễ bị nhiễm trùng, xuất phát từ vết thương dập nát và rất bẩn. Chúng tôi liên tục kiểm tra các chỉ số xét nghiệm máu như: đông máu, sinh hóa máu như ure, creatinin ( đánh giá chức năng thận), CK (chỉ số đánh giá mức độ tổn thương hoại tử cơ),…Bệnh nhân được duy trì dùng thuốc chống đông, giảm đau, lợi tiểu; kết hợp cùng kháng sinh liều cao và mạnh nhất; thay băng, rửa vết thương thường xuyên để chống nhiễm trùng. Quá trình điều trị, bệnh nhân bị tổn thương động mạch, nên lượng máu mất rất nhiều. Sau 1 tuần điều trị, bệnh viện đã huy động gần 8 lít máu, huyết tương để truyền bù cho bệnh nhân”.- Thạc sỹ, BS. Phan Ngọc Khóa, khoa Chấn thương Chỉnh hình nhận định.
Đến nay, tình hình sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn định, vết thương ít dịch,đỡ sưng nề; đầu móng tay đã hồng, chi ấm, mạch quay, trụ rõ, độ bão hòa oxy cao, các ngón tay đã có thể vận động nhẹ. Bước đầu, cánh tay được ghép nối đã có kết quả khả quan.
Được biết, Bệnh viện HNĐK Nghệ An thường xuyên tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca bệnh đứt chi, nhưng đây là một trong những trường hợp bệnh nhân bị tổn thương phức tạp nhất bệnh viện tiếp nhận điều trị.
Ngày 23/02, gia đình ông Phan Công Thành (Hậu Thành, Yên Thành) khởi công xây dựng nhà mới. Trong quá trình tháo dỡ ngôi nhà cũ, bức tường cao 3m, ngang 20 cm bằng bê tông cốt thép bất ngờ đổ sập, khiến 3 nạn nhân thương vong. Ông Trần Văn Nghĩa (49 tuổi, Hậu Thành, Yên Thành) tử vong tại chỗ. Ông Nguyễn Duy Toàn (50 tuổi, hàng xóm ông Thành) kịp thoát thân nên chỉ bị chấn thương nhẹ phần mềm sau lưng. Riêng em Phan Công Bằng (con trai ông Thành) bị đứt lìa tay, phải chuyển cấp cứu tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An. |
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN