Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Uncategorized > Thành tựu > Phẫu thuật nội soi điều trị viêm túi mật hoại tử

Phẫu thuật nội soi điều trị viêm túi mật hoại tử

TS.BS. Nguyễn Huy Toàn 

Khoa ngoại tổng hợp – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An 

1. Định nghĩa:

Viêm túi mật hoại tử là tình trạng mô của thành túi mật bị chết do nhiễm trùng nặng và kéo dài. Tình trạng nhiễm trùng kéo dài làm phù nề mô chung quanh tế bào. Điều này sẽ khiến máu không thể di chuyển đến túi mật và mô, dẫn tới hoại tử tế bào. Các tế bào sẽ dần chết đi do không có đủ máu nuôi dưỡng.

                           Hình ảnh giải phẫu túi mật 

Viêm túi mật hoại tử xảy ra ở những trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi tắc nghẽn ở cổ túi mật trong thời gian dài mà không điều trị. Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi thúc đẩy diễn tiến của bệnh viêm túi mật cấp hoại tử là người có tiền căn suy giảm miễn dịch, đái tháo đường. Người mắc bệnh viêm túi mật hoại tử cần được can thiệp sớm như cắt túi mật hoặc dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, đe dọa đến tính mạng.

2. Triệu chứng nhận biết viêm túi mật hoại tử

Người bị viêm túi mật hoại tử sẽ có những triệu chứng như:

  • Hạ sườn bên phải bị đau dữ dội, hoặc đau thượng vị, sau đó lan ra khắp bụng, đôi khi bệnh nhân sẽ có kèm theo buồn nôn hoặc nôn
  • Vàng da: Triệu chứng này xảy ra khi viêm túi mật do sỏi có kèm theo sỏi đường mật chính gây tình trạng tắc mật.
  • Sốt cao, ớn lạnh: Người bệnh viêm túi mật hoại tử có thể bị sốt cao hoặc ớn lạnh (tình trạng nhiễm trùng toàn cơ thể).

3. Nguyên nhân gây ra túi mật hoại tử

Tình trạng viêm túi mật hoại tử là biến chứng từ bệnh viêm túi mật cấp. Vì thế, bệnh viêm túi mật cấp khi không có biện pháp xử trí sớm sẽ diễn tiến thành viêm túi mật hoại tử.

4. Hoại tử túi mật có nguy hiểm không?

Viêm túi mật hoại tử là tình trạng vô cùng nguy hiểm. Khi không được chẩn đoán và có biện pháp xử trí kịp thời, các mô ở trong túi mật sẽ bị viêm mủ, gây thủng túi mật, từ đó hình thành ổ áp xe, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, ảnh hưởng xấu đến tính mạng của người bệnh.

Tỷ lệ xuất hiện biến chứng viêm túi mật hoại tử là khoảng 16 – 25%, trong đó tỷ lệ tử vong lên đến 22%. Các trường hợp bị thủng túi mật chiếm 10% tổng số ca bệnh. Thời gian tiến triển bệnh do viêm túi mật cấp tính diễn ra nhanh. Người bệnh có nguy cơ bị thủng túi mật sau 2-3 ngày bị tắc nghẽn mật.

5. Làm sao điều trị viêm túi mật hoại tử?

Khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm túi mật cấp như đau hạ sườn phải, sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn và nôn liên tục…, người bệnh nên nhanh chóng đi tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng viêm túi mật hoại tử và thủng túi mật. Đối với các trường hợp xuất hiện biến chứng, bác sĩ thường chỉ định người bệnh cắt túi mật càng sớm càng tốt.

Đối với người bệnh viêm túi mật hoại tử, bác sĩ thường ưu tiên chỉ định điều trị ngoại khoa. Bệnh nhân sẽ được cắt bỏ túi mật. Có 2 phương pháp phẫu thuật cắt túi mật gồm:

                Hình ảnh: Phẫu thuật nội soi cắt túi mật 

*  Cắt túi mật bằng phẫu thuật nội soi: Phần lớn trường hợp cắt túi mật được thực hiện qua nội soi. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một số đường mổ nhỏ ở trên bụng của bệnh nhân, sử dụng ống soi có camera ở đầu để soi vào trong ổ bụng, sau đó cắt bỏ túi mật bằng những dụng cụ nội soi chuyên dụng. Phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp truyền thống như vết mổ nhỏ, tăng tính thẩm mỹ; ít đau; quá trình phục hồi ngắn; ít xuất hiện biến chứng sau phẫu thuật. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi. Đối với một số trường hợp,khi phẫu thuật viên đánh giá việc phẫu thuật nội soi không đem lại lợi ích sẽ chuyển sang mổ hở để cắt túi mật.

                Hình ảnh cắt bỏ túi mật của bệnh nhân bằng phẫu thuật nội soi 

* Cắt túi mật bằng phẫu thuật mở: Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành rạch đường mổ dài trên thành bụng của người bệnh để cắt túi mật. Phẫu thuật mổ mở ngày nay ít được áp dụng vì bất lợi là bệnh nhân sẽ chịu đường mổ dài, hồi phục chậm, đau nhiều. Một số trường hợp được mổ hở khi phẫu thuật nội soi không mang lại lợi ích và an toàn cho bệnh nhân.

6. Chăm sóc người bệnh sau điều trị

Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng sau phẫu thuật, bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý, cần lưu ý:

  • Thường xuyên vận động nhẹ nhàng để phòng ngừa tình trạng hình thành cục máu đông
  • Tránh nâng vác vật nặng trong 4-6 tuần sau mổ
  • Thay băng vết mổ mỗi ngày theo chỉ dẫn từ bác sĩ
  • Ưu tiên mặc các loại quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh cọ xát vào vết mổ

Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân nên làm quen với thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa như súp, cháo… sau đó chuyển dần qua thức ăn dạng đặc. Mỗi ngày nên uống đủ nước (1-1,5 lít nước/ngày).

Ở những tuần tiếp theo, khi cơ thể đã dần ổn định, bệnh nhân có thể ăn đa dạng hơn. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tuân theo nguyên tắc ăn từ ít tới nhiều, chia thành nhiều bữa nhỏ để cơ thể dễ hấp thu. Chế độ ăn uống hàng ngày nên có các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo tốt như dầu cá, dầu ô-liu, dầu thực vật, các loại hạt… Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần đưa những loại thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn mỗi ngày như các loại ngũ cốc, đậu nguyên hạt, súp lơ xanh, rau xanh, dâu tây, lê, táo, bắp… Đối với sữa và những chế phẩm từ sữa, bệnh nhân không nên dùng sữa nguyên chất, thay vào đó là sữa chua, sữa ít béo, phô mai ít béo, sữa đậu nành.

7. Cách phòng ngừa hoại tử túi mật

Viêm túi mật hoại tử là biến chứng nguy hiểm từ bệnh viêm túi mật cấp tính. Vì thế, khi bị viêm túi mật cấp, người bệnh nên đi đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp xử trí sớm, ngăn ngừa bệnh tiến triển thành viêm túi mật hoại tử. Ngoài ra, việc giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm túi mật cấp cũng là biện pháp phòng ngừa viêm túi mật hoại tử hiệu quả, cụ thể:

  • Lên kế hoạch ăn uống lành mạnh, giảm các loại thực phẩm có nhiều cholesterol. Các loại thực phẩm tốt giúp giảm nguy cơ mắc sỏi túi mật và viêm túi mật như cá tươi, tôm, cua, thịt nạc, thịt da cầm (bỏ mỡ và da trước khi ăn), những loại hạt thô, sữa ít béo, sữa chua, phô mai, súp từ nước dùng, nước sốt không béo (sốt mù tạt, sốt cà chua…), đậu nành, dầu mè, dầu ô-liu, nước cốt chanh, trái cây tươi…
  • Tập thói quen ăn sáng.
  • Kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân, béo phì
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao, ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần
  • Không áp dụng những chế độ ăn kiêng giảm cân cấp tốc.

    Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ:

    Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

    Km5, Đại lộ Lê nin, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An.

    Số điện thoại đặt lịch khám: 1900.8082 hoặc 0886.234.222

    Thời gian đặt hẹn: 7h – 16h thứ 2 đến thứ 6