Kết hôn được hơn 5 năm, anh Trần Mạnh C. (28 tuổi) và chị Uông Thị M. (25 tuổi, trú tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) luôn thèm tiếng trẻ thơ trong ngôi nhà nhỏ của mình. Hai năm đầu trôi qua chưa thấy tin vui, vợ chồng anh C. và hai bên nội ngoại bắt đầu lo lắng, nhưng cả hai đều còn trẻ, khỏe mạnh nên không nghĩ nhiều. Anh chị đều đi xuất khẩu lao động trở về, tiền sử gia đình chưa có ai mắc các bệnh liên quan đến vô sinh hiếm muộn.
Bốn năm trôi qua, anh chị “thả” mà vẫn không thể “dính bầu”. Theo chị M., đó là bốn năm “tâm lý nặng nề”. “Sáng nào, ngồi trong nhà nhìn trẻ con hàng xóm chạy nhảy, bi bô, tôi lại chạnh lòng, rơm rớm nước mắt. Tôi luôn tự hỏi sao mình lại không được được làm mẹ như những người khác…”, chị M. kể.
Năm 2023, sau một thời gian điều trị bằng nhiều phương pháp, chị M. bàn với chồng buông xuôi. Cảm giác mặc cảm, tự ti vì chưa thể làm mẹ khiến chị M. buồn bã, bỏ ăn, bỏ việc. Được nhiều người rỉ tai cho địa chỉ tin cậy tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An), vợ chồng anh C. quyết định đến để thăm khám. Khi nhận kết quả người chồng tinh trùng yếu, khó có con tự nhiên, vợ chồng anh C. chán nản định quay trở về. Nhưng các bác sĩ tại đây gợi ý dùng phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Ban đầu còn đắn đo, nhưng sau khi được các bác sĩ phân tích, vợ chồng anh C. quyết định hy vọng một phép màu sẽ đến.
Dưới sự tư vấn, điều trị của BS.CKII Hoàng Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, ngay lần thực hiện IVF đầu tiên, chị M. có thai. Nhớ lại lúc thử que thấy hiện hai vạch mờ, chị không tin vào mắt mình, chưa dám nói với ai. Chị thử lại rất nhiều lần, rồi xét nghiệm máu để chắc chắn mới thông báo tin vui cho mọi người. Cả hai bên gia đình vỡ òa trong hạnh phúc. Những đau đớn suốt ngày tháng lặn lội để tiêm kích trứng, chọc hút trứng, chuyển phôi tươi tan biến, nhường chỗ cho niềm vui khi có một sinh linh nhỏ bé lớn lên từng ngày trong bụng.
Sau bao khó khăn, tuyệt vọng, vợ chồng chị M. đã có được hạnh phúc. “Mọi khó khăn, đau khổ đã đi qua hết, giờ chỉ còn niềm hạnh phúc, những nụ cười ở lại!”, chị M. xúc động chia sẻ.
Trung tuần tháng 12/2021, gia đình chị Phan Thị H. (35 tuổi, trú ở xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu) vui mừng khôn xiết đón bé trai (nặng 3,7kg) đầu lòng chào đời. Vợ chồng chị H. cùng làm việc tự do tại quê nhà. Kết hôn hơn 10 năm, anh chị “thả” tự nhiên, vô tư nghĩ rằng con cái… muốn ra lúc nào thì ra. Gần chục năm vẫn chưa có gì, người thân liên tục nhắc nhở, hai người đi khám mới hay người chồng tinh trùng yếu, vợ bị tắc một bên vòi trứng. Vốn lạc quan, nhưng chị H. cũng thấy áp lực từ phía nhà chồng. khi mẹ chồng luôn hỏi: “Chừng nào có bầu hả con?”. Bạn bè, hàng xóm thúc giục: “Chị nhiều tuổi rồi đó, mau có bầu sinh con đi”….
Mãi đến năm 2020, khi mọi chuyện gần như đã an bài, vợ chồng chị H. quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) để làm IVF. Sau khi được các bác sĩ chữa trị, qua hai lần chuyển phôi, chỉ có một phôi đậu thai.
Cuối cùng, quả ngọt cũng đến khi chị được thông báo có thai. Ngày 19/12/2021, bé trai kháu khỉnh chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Nói về “cột mốc” đó, chị H. không giấu được xúc động. Với chị, khoảnh khắc chị nhìn thấy con lần đầu tiên là khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc mà chị không thể nào quên.
Dù 7 năm đã trôi qua, nhưng BS.CKII Hoàng Ngọc Anh, người gắn kết với khoa hiếm muộn từ những ngày đầu thành lập đến nay nhớ lại lần đầu tiên Trung tâm chào đón em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) vào ngày 17/11/2017. Đây là ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên thành công tại bệnh viện sau hơn 9 tháng đi vào hoạt động, mang đến niềm tin, hy vọng và cơ hội cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn ở Nghệ An.
“Sự kiện đón em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm đó, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện và ngành y tế Nghệ An. Đáp ứng nỗi mong mỏi của những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn ngay tại quê nhà, từ đó tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí chữa trị cho người dân”, bác sĩ Hoàng Ngọc Anh chia sẻ.
Nhớ lại khoảng thời gian trước, bác sĩ Ngọc Anh tâm sự các y, bác sĩ của khoa hiếm muộn đã chứng kiến có những cặp vợ chồng gặp nhiều khó khăn về kinh tế để làm thụ tinh trong ống nghiệm, có nhiều gia đình đã phải bỏ cuộc giữa chừng.
Theo bác sĩ Ngọc Anh, có rất nhiều cặp vợ chồng gặp khó khăn về tài chính, vì tất cả các khoản lên đến hàng trăm triệu phải tự bỏ, khi chưa được bảo hiểm chi trả khoản nào trong qúa trình điều trị hiếm muộn. “Chúng tôi không thể can thiệp, giúp gì được cho bệnh nhân. Sợ các gia đình bỏ cuộc dở chừng, đơn vị cố gắng huy động được gì, xin miễn phí được gì cho bệnh nhân chúng tôi đều đề xuất ban giám đốc giúp các bệnh nhân. Mong khoa hiếm muộn luôn là mái nhà chăm chút, đong đầy hạnh phúc cho bệnh nhân từng li từng tí và đầy kiên nhẫn để mang đến hạnh phúc cho bệnh nhân”, bác sĩ Ngọc Anh tâm sự.
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh, từ khi thành lập đến nay đã thực hiện kỹ thuật IVF cho nhiều ca vô sinh, hiếm muộn, đặc biệt có những trường hợp thất bại ở nhiều nơi hoặc có kèm theo bệnh lý. Ngoài bệnh nhân tại Nghệ An và các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Bình khoa hiếm muộn còn điều trị cho nhiều bệnh nhân là người Lào… Đến nay đã có 833 em bé chào đời tại bệnh viện bằng phương pháp IVF.
Tại Trung tâm, hàng năm có khoảng trên 7000 lượt bệnh nhân đến khám, hơn 300 chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, với khoảng 400 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh. Việc nuôi cấy phôi dài ngày và chuyển phôi trữ lạnh đã mang lại hiệu quả cao, đưa kết quả thành công lên gần 45%, cao hơn so với quy trình điều trị trước đó, đồng thời tiết kiệm được thời gian và chi phí phải lặp lại chuyển phôi nhiều lần cho bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh, việc triển khai kỹ thuật IVF tại Nghệ An đã thể hiện tính cập nhật, chủ động áp dụng các phương pháp kỹ thuật cao trong lĩnh vực y tế tại địa phương nhằm mục tiêu đưa bệnh viện trở thành trung tâm y tế của khu vực Bắc Trung Bộ. Việc kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thành công tăng dần, hiện là tương đương với các nghiên cứu quốc tế và các nghiên cứu ở các trung tâm lớn trong cả nước cho thấy bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật.
Có thể thấy Bắc miền Trung, là một khu vực đông dân cư và điều kiện kinh tế còn thấp giúp tăng tỉ lệ tiếp cận với kỹ thuật điều trị mới. Khi các cặp vợ chồng tham gia điều trị tại địa phương sẽ giảm được tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn và sử dụng hiệu quả trang thiết bị, nhân sự đã được đào tạo cho bệnh viện ở tuyến địa phương.
Tiến sĩ Đinh Văn Chiến, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) cho biết: Công trình khoa học “Điều trị vô sinh bằng kỹ thuật chuyển phôi trữ lạnh trong thụ tinh ống nghiệm” của BS. CKII Hoàng Ngọc Anh và các cộng sự đã đạt giải Nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Nghệ An năm 2023. Có thể thấy, việc ứng dụng thực tiễn của các công trình khoa học này đã giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn vô sinh, giúp cho những người dân được khám và chẩn đoán sớm, có nhiều cơ hội tiếp cận điều trị, bước đầu đã khẳng định được những bước đi hết sức khoa học của tỉnh Nghệ An để từng bước trở thành trung tâm khu vực Bắc trung Bộ.
Theo Báo Sức khoẻ và đời sống
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy tại Bệnh Viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN