Một ngày khoa Truyền nhiễm Bệnh viện nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh có hàng chục người vào điều trị các bệnh liên quan đến bệnh gan với đủ các dạng từ nặng đến nhẹ.
Hỏi chuyện ông Hoàng Thế Thường ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu đang điều trị nội trú tại khoa được biết từ đầu năm đến nay, ông Thường đã phải 5 lần nhập viện vì bệnh xơ gan. Căn bệnh chuyển biến sang thể nặng, người ông Thường trở nên gầy gò, mệt nhọc, tròng mắt vàng và da đen xạm. Ông Thường cho hay: Hiện giờ sức khỏe ông tạm ổn vì được điều trị thuốc đều đặn. Mấy lần trước, ra viện về nhà chừng được một tháng ông lại mệt mỏi, bụng trướng lên, không ăn được, tiêu hóa khó khăn.
Thăm, khám cho người bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.
Bác sỹ Hoàng Thị Hiệp, người trực tiếp điều trị cho ông Thường trao đổi: Bệnh nhân Hoàng Thế Thường bị viêm gan B nặng nhưng phát hiện quá muộn nên đã chuyển sang tình trạng xơ gan, khó điều trị khỏi. Các giải pháp điều trị hiện tại chỉ nhằm ngăn ngừa thời gian để bệnh chậm chuyển biến sang ung thư gan… Nguyên nhân đáng tiếc khiến bệnh viêm gan B của ông Thường trở thành bệnh nan y được bác sỹ Hiệp cho biết: Dù bệnh được phát hiện khá lâu, thế nhưng thay vì điều trị theo phác đồ điều trị của y học hiện đại thì ông Thường lại dùng thuốc Bắc trong một thời gian dài. Thế nên, khi vào viện chẳng những bị tổn thương gan, ông còn bị ngộ độc chì khiến da càng ngày càng xạm đen lại. Hệ chức năng của gan kém hơn và ngày càng giảm khả năng thải độc.
Bệnh viêm gan B đang rất phổ biến hiện nay. Bác sỹ Quế Anh Trâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh chia sẻ: Theo thống kê, Việt Nam có từ 10-20% dân số nhiễm virus viêm gan B, trong đó có khoảng 5 triệu người trong tình trạng viêm gan mãn tính, xơ gan hoặc ung thư gan. Mặc dù là căn bệnh hết sức nguy hiểm nhưng đa phần người dân đều chủ quan với bệnh này và chỉ được phát hiện khi đi khám sức khỏe hoặc đi khám bệnh, nhưng lúc này bệnh thường đã phát triển đến giai đoạn xấu như viêm gan cấp, viêm gan mãn, xơ gan hoặc ung thư gan. Bệnh này rất dễ lây truyền, nhất là qua đường máu, đường sinh hoạt tình dục, lây từ mẹ sang con hoặc có khoảng 0,3% là không có lý do nhưng vì không được phát hiện sớm để phòng trừ nên nhiều trường hợp khác từ khỏe cũng trở thành bị lây nhiễm.
Số bệnh nhân bị viêm gan B phải nhập Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị cũng không nhỏ, ước tính mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân nhi được đưa vào đây. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Bệnh nhân nhi mắc bệnh viêm gan nguy hiểm hơn hàng chục lần so với người lớn, khoảng 90 – 95% trường hợp bị biến chứng viêm gan mãn tính, 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị xơ gan, ung thư gan. Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% đến 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B, chủ yếu là lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, một phần khác là trong quá trình cho con bú. Đây là điều rất đáng tiếc bởi thực tế, dù người mẹ có bị viêm gan B thì khi phát hiện sớm vẫn có thể phòng bệnh cho con bằng cách tuân thủ quy trình chặt chẽ lịch tiêm chủng và các biện pháp phòng trừ khác. Nhưng vì chủ quan, nhiều gia đình đã lơ là việc tiêm phòng viêm gan B cho bé.
Để điều trị bệnh viêm gan B, bác sỹ Quế Anh Trâm cho rằng: Đây không phải là bệnh nan y và nếu được điều trị kịp thời, thích ứng tốt với thuốc thì có đến 46% bệnh nhân có thể chữa khỏi. Khó khăn hiện nay là đa phần người dân không tự đi xét nghiệm, kiểm tra để xác định bệnh. Đến khi điều trị lại không kiên trì, không tuân thủ phác đồ điều trị. Ở một số bệnh viện cơ sở, nhiều bác sỹ lại chủ quan cho rằng bệnh này không nguy hiểm hoặc vì không có thuốc nên không điều trị dứt điểm cho bệnh nhân. Cách tốt nhất để phòng bệnh là người bệnh phải tiêm phòng đầy đủ, sau khi tiêm xong phải xét nghiệm để kiểm tra bản thân có tiếp nhận được tốt hay không. Trường hợp bệnh nhân có viêm gan B nhưng không biểu hiện bệnh cũng cần phải khám để theo dõi, ít nhất 6 tháng một lần phòng trường hợp bệnh có thể bất ngờ diễn biến xấu.
Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B. Do đó tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo: Tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80 – 95%. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả. Để phòng bệnh viêm gan B trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm vắc-xin viêm gan B trong Tiêm chủng mở rộng (Trẻ sơ sinh – Tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh; Trẻ 2 tháng tuổi – Tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib1 và uống OPV1; Trẻ 3 tháng tuổi – Tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib2 và uống OPV2; Trẻ 4 tháng tuổi – Tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib3 và uống OPV3).
Vắc-xin viêm gan B rất an toàn, đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, vắc-xin viêm gan B được triển khai tiêm cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B có thể gặp các phản ứng thông thường như: đau tại chỗ tiêm, sốt. Những phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin viêm gan B thường hiếm gặp và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các bà mẹ nên tiêm vắc-xin viêm gan B khi trẻ đã bú tốt và đề nghị để con mình được cán bộ y tế thăm khám trước khi tiêm.
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để hỗ trợ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt
Truyền thông và ứng dụng chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục thực hiện thành công lấy, ghép tạng từ người cho chết não
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN