Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Protein niệu ở phụ nữ có thai

Protein niệu ở phụ nữ có thai

                     

1. Protein niệu ở phụ nữ có thai là gì?

– Ở phụ nữ có thai, khi protein niệu vượt quá 0,3 g trong 24 giờ hoặc trên 1 g/l được coi là protein niệu dương tính.

– Protein niệu dương tính là một biểu hiện lâm sàng cần được các bác sĩ sản khoa và thận học quan tâm, cần tìm kiếm nguyên nhân để có hướng theo dõi và điều trị cũng như tiên lượng. Ở những phụ nữ này, cần xác định rõ có biểu hiện tiền sản giật hay không để có điều trị phù hợp. Thông thường, sau 20 tuần tuổi thai nếu lượng protein vượt quá các mức cho phép được coi là bất thường và là dấu hiệu của tiền sản giật. Tuy nhiên, nếu trước khi mang thai hoặc trước 20 tuần tuổi thai, nếu protein niệu xuất hiện trong nước tiểu được coi là một dấu hiệu của bệnh thận trước đó.

2. Nguyên nhân gây xuất hiện protein niệu trong thai kỳ

Nguyên nhân xuất hiện protein niệu trên mức bình thường trong thời kỳ có thai có thể gặp:

  • Có bệnh thận trước đó chưa được phát hiện
  • Có bệnh thận trước đó khi có thai nặng lên
  • Có biểu hiện của tiền sản giật.
    Vì sao protein lại xuất hiện trong quá trình mang thai?

3. Cơ chế xuất hiện protein niệu trong thai kỳ

Ở phụ nữ có thai, kích thước thận thường to hơn bình thường, có biểu hiện giãn đài thận – bể thận và niệu quản do có sự chèn ép của thai nhi vào đường tiết niệu. Mặt khác tình trạng tưới máu thận cũng tăng lên ở phụ nữ có thai làm mức lọc cầu thận cũng tăng lên một cách đáng kể khoảng 50%. Ở 4 tuần cuối của thai kỳ, mức lọc cầu thận có xu hướng giảm dần, đồng thời sự tăng huyết động đến thận làm thay đổi tính thấm thành mao mạch và khả năng tái hấp thu ở ống thận giảm dẫn đến sự xuất hiện protein niệu, bình thường < 0,3 g/24h mặc dù không có bệnh lý thận.

 Cơ chế bệnh sinh của tiền sản giật

Do tế bào nội mô mạch máu bị tổn thương, đồng thời với sự xuất hiện phản ứng viêm quá mức ở thai phụ dẫn đến

  • Tăng tính thấm thành mạch gây phù nề và xuất hiện protein niệu
  • Co mạch gây tăng huyết áp, giảm tưới máu não (xuất hiện co giật), tổn thương gan
  • Giảm lưu lượng máu qua nhau thai dẫn đến hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi
  • Rối loạn đông máu.

4. Dấu hiệu chẩn đoán protein niệu ở phụ nữ có thai

Protein có thể làm thân nhiệt tăng, xuất hiện những cơn đau vùng xương chậu, bụng dưới

Dấu hiệu nhận biết protein niệu thai kỳ bao gồm:

  • Nước tiểu có mùi khó chịu, thậm chí còn lẫn cả máu
  • Gia tăng tình trạng tiểu rắt
  • Thân nhiệt tăng
  • Xuất hiện những cơn đau vùng xương chậu, bụng dưới, lưng dưới…
  • Đau hoặc cảm giác nóng bừng vùng kín khi đi tiểu, đau bụng khi quan hệ.

Khi protein niệu xuất hiện sớm và > 0,3 g/ 24h cần nghĩ đến sự có mặt của một số bệnh lý thận như: Nhiễm trùng đường tiểu, bệnh thận mạn, nhưng quan trọng nhất để tìm kiếm tiền sản giật.

5. Chẩn đoán tiền sản giật

  • Xuất hiện protein niệu ở thời kỳ muộn, sau 20 tuần thai trên mức bình thường cho phép
  • Kèm theo tăng huyết áp
  • Có thể có phù ở các mức độ
  • Các triệu chứng bao gồm đau đầu, rối loạn thị giác, nôn, buồn ngủ, đau thượng vị, phù nề
  • Đây là một bệnh lý chỉ xuất hiện khi mang thai, có nguồn gốc nhau thai và chỉ chấm dứt tình trạng này khi giải phóng được thai nhi ra ngoài cơ thể mẹ.

Một số yếu tố nguy cơ xuất hiện tiền sản giật bao gồm: Trong gia đình có mẹ/chị em gái bị tiền sản giật, tiền sử trước đó, bà mẹ lớn tuổi, béo phì, các bệnh về mạch máu và có thai với một nhau thai lớn (thai đôi).

6. Chẩn đoán bệnh thận ở phụ nữ có thai

  • Tùy theo bệnh sử bệnh thận trước đó, biểu hiện lâm sàng mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra bệnh thận của thai phụ như: Hội chứng thận hư, lao thận, tắc nghẽn đường tiểu, bệnh thận trào ngược, nang thận hoặc u thận,…
  • Nếu protein niệu > 2 g/ngày, cần nghĩ đến bệnh cầu thận (tìm kiếm các triệu chứng của bệnh cầu thận như: có hồng cầu niệu, phù tái phát, có bệnh hệ thống…) và nếu protein niệu < 2 g/ngày nghĩ đến bệnh ống kẽ thận (cần tìm kiếm các triệu chứng liên quan như: có bạch cầu niệu, có triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi thận,…).

5. Điều trị protein niệu ở phụ nữ có thai

Tùy thuộc vào nguyên nhân xuất hiện protein niệu và mức độ xuất hiện cũng như tình trạng lâm sàng toàn thân mà có thái độ xử trí phù hợp.

Nếu phụ nữ có thai có bệnh thận cần theo dõi đồng thời ở chuyên khoa thận và chuyên khoa sản để phối hợp điều trị bệnh thận và triệu chứng. Cần cân nhắc lợi ích điều trị cho mẹ và cho thai nhi một cách hợp lý. Việc sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai cần hết sức thận trọng vì một số thuốc có thể qua hàng rào rau thai và ảnh hưởng đến thai.

Nếu có biểu hiện của tiền sản giật cần theo dõi sát tình trạng lâm sàng toàn thân của mẹ và sự phát triển của thai nhi thường xuyên để có biện pháp xử trí kịp thời nhằm an toàn cho tính mạng của mẹ và của con nếu có thể.

Tài liệu tham khảo:

Phác đồ điều trị Bệnh thận tiết niệu – Bộ Y tế

– Bệnh học nội khoa – Nhà xuất bản Y học