Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Y học thường thức > Sẹo lồi và sẹo quá phát

Sẹo lồi và sẹo quá phát

I. ĐẠI CƯƠNG :

 Sẹo lồi và sẹo quá phát là tình trạng đáp ứng quá mức của mô da với các sang thương ban đầu đặc trưng bởi sự tăng nguyên bào sợi , sản sinh quá mức Collagen tại thương tổn. Cơ chế bệnh sinh hình thành sẹo là do quá trình liền vết thương kéo dài và rối loạn trong giai đoạn viêm dẫn đến kết quả là tăng tổng hợp và giảm thoái hóa chất nền ngoại bài

II.LÂM SÀNG :

 Sự khác biệt giữ sẹo lồi và sẹo quá phát là sẹo quá phát không vượt quá ranh giới vết thương ban đầu, không có yếu tố gia đình và thoái triển theo thời gian

– Sẹo quá phát:

+ Là khối tăng sinh xuất hiện sau các vết thương trên da 1 – 2 tháng và phát triển nhanh đến 6 tháng sau đó thoái lui dần.

+ Khối sẹo phát triển không vượt quá ranh giới vết thương ban đầu .Sẹo quá phát hiếm khi cao hơn 4mm so với bề mặt da , thường có màu hồng , đỏ. Sẹo có thể gặp bất kỳ vị trí nào.

+ Triệu chứng cơ năng có thể ngứa, có thể gây hạn chế vận động khi mô sẹo đi qua các khớp.

– Sẹo lồi:

+ Có thể xuất hiện bất kể vùng da nào, tuy nhiên hay gặp ở một số vùng như : ngực, vai, lưng trên, sau cooe, trước xương ức, dái tai

+ Sẹo xuất hiện sau chấn thương, vết thương, trứng cá hoặc có thể tự phát. Khối sẹo phát triển cao lên và rộng ra, xâm lấn vào tổ chức da lành xung quanh, vượt quá giới hạn của tổn thương da ban đầu.

+ Màu sắc từ màu hồng đến màu nâu hoặc đỏ, có nhiều mạch máu dưới lớp biểu mô sẹo. Một số sẹo có tăng sắc tố .Sẹo có thể mềm hoặc chắc , cứng, một số sẹo co kéo gây hạn chế vận động.

+ Cơ năng: thường ngứa và đau

+ Sẹo lồi thường không thoái triển theo thời gian mà có thể tiến triển tăng dần. Điều trị rất khó khăn, tỉ lệ tái phát cao.

+ Biến chứng tại chỗ hiếm gặp .Một số trường hợp sẹo loét lâu lành, đôi khi có thể ung thư hóa như ung thư tế bào gai.

III. ĐIỀU TRỊ :

– Nguyên tắc: sẹo lồi  và sẹo quá phát là những tổn thương lành tính . Mục đích điều trị là để cải thiện triệu chứng cơ năng, khiếm khuyết chức năng và đặc biệt là nhu cầu về thẩm mỹ là lý do chính khiến bệnh nhân mong muốn điều trị .

– Mục tiêu điều trị: Phải dựa trên mỗi cá nhân và hướng đến nhu cầu của bệnh nhân. Đánh giá hiệu quả sau 3 -6 tháng điều trị và thay đổi phương pháp sau 3 đến 6 lần điều trị  nếu không hiệu quả.

– Các phương pháp điều trị:

+ Loại bỏ bằng phẫu thuật thông thường

Kỹ thuật này đòi hỏi quy trình phải đảm bảo vô trùng và được chăm sóc cẩn thận sau phẫu thuật. Sẹo lồi vẫn có thể tái phát quay trở lại sau khi bị sẹo và được loại bỏ, thậm chí nó tái phát lớn hơn ban đầu. Trên thực tế, hơn 45% bệnh nhân gặp tình trạng tái phát tình trạng sẹo sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ.

+ Băng che vết thương

Băng che vết thương làm từ các tấm gel silicone đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm kích thước sẹo lồi theo thời gian. Phương pháp này an toàn và không gây đau đớn.

+ Tiêm corticosteroid

Tiêm sẹo lồi triamcinolone acetonide hoặc một loại thuốc corticosteroid khác với tần suất tiêm cách nhau khoảng thời gian từ bốn đến sáu tuần. Phương pháp này thường làm giảm kích thước và kích ứng của sẹo rõ rệt, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào quy trình điều trị và tay nghề của người thực hiện.

+ Băng ép

Phương pháp này sử dụng băng để tạo áp lực liên tục 24 giờ trong khoảng thời gian từ sáu đến 12 tháng. Việc băng ép như vậy có tác dụng giúp sẹo lồi trở nên nhỏ hơn. Đối với sẹo hình thành tại vị trí xỏ lỗ tai, một chiếc kẹp được gọi là “nẹp Zimmer” thường làm giảm kích thước sẹo ít nhất 50% sau một năm nén sẹo.

+ Sử dụng nitơ lỏng

Điều trị sẹo lồi bằng nitơ lỏng sẽ được lặp lại sau mỗi 20 đến 30 ngày tùy theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, phương pháp này gây ra tác dụng phụ là làm da không đều màu tại vùng cần điều trị.

+ Liệu pháp laser

Đây là một phương pháp thay thế cho phẫu thuật thông thường để loại bỏ sẹo lồi. Không có bằng chứng xác đáng nào cho thấy sẹo ít có khả năng quay trở lại sau điều trị bằng laser hơn so với sau phẫu thuật thông thường.

+ Tiêm fluorouracil

Tiêm vào sẹo lồi kết hợp với thuốc hóa trị fluorouracil và triamcinolone có thể được sử dụng khi các biện pháp điều trị khác không thành công.

Các biện pháp ngăn ngừa sẹo lồi hiệu quả

Các phương pháp trị sẹo lồi có thể khó và không phải lúc nào cũng hiệu quả. Vì lý do này, điều quan trọng là phải cố gắng ngăn ngừa các vết thương có thể dẫn đến sẹo lồi.

Những người có cơ địa dễ bị sẹo lồi nên tránh phẫu thuật thẩm mỹ. Trong trường hợp cần phải phẫu thuật, bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt để giảm thiểu sự hình thành sẹo tại vị trí vết mổ.

Ví dụ, các kỹ thuật có thể được sử dụng để giảm thiểu sẹo hình thành bao gồm: che vết thương đang lành bằng băng giấy không gây dị ứng trong vài tuần sau phẫu thuật. Che vết thương bằng các tấm nhỏ làm bằng gel silicon sau quá trình làm phẫu thuật. Sử dụng tiêm corticosteroid hoặc điều trị bức xạ tại vị trí của vết thương phẫu thuật trong quá trình lành vết thương.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tắm nắng có thể làm đổi màu mô sẹo, khiến nó hơi sẫm màu hơn so với vùng da xung quanh. Điều này có thể làm cho vết sẹo lồi nổi rõ hơn so với sẹo thông thường trên cơ thể.

Do đó, bạn nên che chắn kỹ lưỡng sẹo khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để ngăn chặn sự đổi màu. Sử dụng kem chống nắng và che chắn bằng các phụ kiện chống nắng cũng là một biện pháp hữu hiệu để bạn có thể bảo vệ làn da của mình.

 

Khi nào nên gặp bác sĩ để trị sẹo lồi?

Sẹo lồi chủ yếu là một mối quan tâm về thẩm mỹ. Nếu sẹo trở nên to ra, gây ngứa ngáy, khó chịu, cản trở chuyển động của khớp hoặc gây mất thẩm mỹ, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu có chuyên môn cao để thảo luận về các lựa chọn điều trị.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán sẹo lồi dựa trên sự xuất hiện của nó và tiền sử chấn thương mô, chẳng hạn như phẫu thuật, mụn trứng cá hoặc vết thương trên cơ thể. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bác sĩ có thể loại bỏ một phần da nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi, được gọi là sinh thiết.

                      Hình ảnh sau khi tiêm sẹo lồi (Nguồn: Internet)

Cách trị sẹo lồi lâu năm tại khoa Da liễu bệnh viện HNĐK Nghệ An

Tại đây, chúng tôi sử dụng phương pháp tiêm Triamcinolone trong thương tổn, giúp làm phẳng và làm mềm mô sẹo. Trước khi tiến hành tiêm sẹo lồi, bạn sẽ được thăm khám bởi các bác sĩ da liễu giàu kinh nghiệm để biết được vị trí, kích thước mô sẹo, tình trạng da và mức độ đáp ứng của mỗi cá nhân cũng như thông tin về tiền sử bệnh lý.

Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ phù hợp nhất khi tiêm corticosteroid và kết quả dự kiến sau quá trình điều trị.

Khác với những cơ sở bên ngoài, thủ thuật tiêm trị sẹo lồi tại khoa Da liễu bệnh viện HNĐK Nghệ An sẽ được thực hiện trực tiếp bởi bác sĩ da liễu có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Tùy thuộc vào vị trí của vết sẹo mà bác sĩ sẽ lựa chọn liều lượng thuốc tiêm khác nhau để loại bỏ.

Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được bác sỹ trực tiếp hướng dẫn cách tự chăm sóc da tại nhà để đẩy nhanh quá trình phục hồi da, mờ sẹo, đồng thời bảo vệ da khỏi những rủi ro không đáng có.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn biết được nguyên nhân và thế nào là sẹo lồi, cũng như tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả.