CÂU CHUYỆN PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH…
Một bệnh nhân nam 53 tuổi, tiền sử bệnh lý van 2 lá ở tim và rung nhĩ đã điều trị ở một bệnh viện ở Hà Nội nhưng không tuân thủ điều trị theo đơn, không thường xuyên uống thuốc, thay vào đó bệnh nhân này lại thường xuyên uống …rượu.
Bệnh nhân đang ở ngoài đồng thì ngã quỵ, liệt nửa người phải, không nói được. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện HNĐK Nghệ An, khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng ý thức lú lẫn, thất ngôn, liệt hoàn toàn nửa người phải, tim loạn nhịp hoàn toàn, phim cắt lớp vi tính sọ não đã bắt đầu thấy tổn thương não sớm do tắc mạch não. Chụp mạch não thấy tắc động mạch cảnh trong-não giữa trái, là một trường hợp tắc mạch lớn, nguy cơ tử vong và tàn phế cao nếu không điều trị kịp thời.
Bệnh nhân sau đó đã được các nhân viên y tế của Trung tâm Đột quỵ áp dụng các biện pháp điều trị cấp cứu là dùng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối động mạch não, kết quả tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc.
Nhận định ban đầu là nhồi máu não do huyết khối có nguồn gốc từ tim do có rung nhĩ và bệnh van tim, ngoài ra bệnh nhân không tuân thủ điều trị (không dự phòng được các biến cố tắc mạch từ tim) và bệnh nhân thường xuyên uống rượu (làm tăng nguy cơ rung nhĩ). Nhiều yếu tố gộp lại gây ra tình trạng đột quỵ, nhưng các yếu tố này hoàn toàn có thể phòng được nếu bệnh nhân uống thuốc đều và không uống rượu.
90% các trường hợp đột quỵ có thể dự phòng được nhờ chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện thể chất phù hợp và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể điều trị được như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường… Việc dự phòng đột quỵ tương tự như tiêm vaccine phòng bệnh, để giúp không bị bệnh hoặc giảm nguy cơ bị bệnh (và đó cũng là giá trị của việc dự phòng), chứ không phải cảm thấy bình thường trong người rồi nghĩ là mình vẫn khỏe, vẫn ổn. Vâng đúng là vẫn khỏe vẫn ổn, cho đến khi bị bệnh…
Sau một ngày bệnh nhân đã có một số dấu hiệu phục hồi như hiểu lời nói, co được chân bên liệt nhưng tay vẫn liệt nặng và chưa nói được bởi đột quỵ do tắc mạch lớn nên vùng tổn thương sẽ rộng, nếu bệnh nhân sống sót được qua đợt này thì chắc chắn sẽ có những di chứng nhất định.
Giá như bệnh nhân tuân thủ điều trị, giá như bệnh nhân không thường xuyên uống rượu thì có khi đã không gặp nhau trong hoàn cảnh éo le này…
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN