Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Ths. Bs. Nguyễn Hoàng Dương

Khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống, Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An

Thoát vị đĩa đệm là một thể đặc biệt của bệnh lý thoái hoá đĩa đệm, được xếp vào bệnh chung của chứng hư xương sụn cột sống. Bệnh khá phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới, bệnh chiếm khoảng 1% dân số và trong đó có khoảng 10-12% phải phẫu thuật, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều nhất ở lứa tuổi lao động 20 – 50 tuổi, đặc biệt bệnh này càng có xu hướng trẻ hóa độ tuổi và ngày càng gia tăng nhiều hơn.

  1. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì ?

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng dưới, rối loạn chức năng thần kinh và đau mông/chân. Thoát vị đề cập đến sự dịch chuyển của nhân nhầy của đĩa đệm qua bao xơ, do đó gây áp lực lên các thành phần thần kinh.

  1. Ai dễ bị mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ?

Những đối tượng dễ bị thoát vị đĩa đệm:

  • Người đang trong độ tuổi từ 35 đến 50.
  • Nam giới có nguy cơ bị bệnh cao gấp đôi so với nữ giới.
  • Người thường xuyên làm việc nặng.
  • Người bị béo phì hoặc hút thuốc.
  • Gia đình có người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
  1. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng ?
  • Thoái hóa cột sống, thường xảy ra ở độ tuổi 30 – 50. Theo thời gian, lớp bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách khiến phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài, chèn vào ống sống và chèn ép dây thần kinh vùng thắt lưng.
  • Tai nạn hoặc chấn thương cột sống do lao động nặng khiến đĩa đệm bị rách hoặc lồi.
  • Các hội chứng bẩm sinh như gù lưng, vẹo cột sống, cũng như yếu tố di truyền từ đặc điểm cột sống yếu của bố mẹ.
  • Tăng cân, béo phì làm tăng sức đè nén lên các đĩa đệm.
  • Hút thuốc làm giảm nồng độ oxy và chất dinh dưỡng nuôi các mô, xương và đĩa đệm.
  • Tư thế sai, tập thể dục không đúng cách cũng gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cột sống, dẫn đến nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
  1. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ?

Theo thống kê có hơn 70% dân số thế giới gặp chứng đau lưng ít nhất một lần trong đời. Đau lưng là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Tuy nhiên, tùy vào mức độ nặng nhẹ mà người bệnh có thể đau ít hoặc đau dữ dội, đau đột ngột hoặc âm ỉ, liên tục.

Sau đây là những triệu chứng cụ thể để nhận biết bệnh:

  • Xuất hiện các cơn đau khi cúi người, ho hoặc hắt hơi. Người bệnh khi ngồi, đứng hoặc nằm sấp quá lâu cũng gặp những cơn đau. Tình trạng đau giảm khi nghỉ ngơi nhưng tăng nhiều khi vận động, thỉnh thoảng xuất hiện cảm giác tê bì, nhức hoặc bỏng rát.
  • Đau lan xuống mông, mặt trước hoặc sau đùi và chân cũng là những triệu chứng mà thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra do chèn ép lên dây thần kinh. Nghiêm trọng hơn, người bệnh còn có thể bị rối loạn đại tiện, tiểu tiện, rối loạn cương dương (ở nam giới).
  1. Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không ?

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống hằng ngày. Không những thế, nếu chủ quan và không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Rối loạn cảm giác: cảm giác nóng, lạnh, tê bì, khó chịu bất thường
  • Teo cơ chân: sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn
  • Gây liệt, tàn phế: là biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị đĩa đệm
  • Đại tiểu tiện không tự chủ
  • Dấu hiệu đau cách hồi thần kinh: biểu hiện của hội chứng này là đau chân từng cơn, đặc biệt khi đang đi, ngồi nghỉ đỡ đau và sẽ đau trở lại khi đi tiếp.
  1. Chẩn đoán bệnh bằng cách nào ?

Để tránh các biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, người bệnh nên đến bác sĩ để kiểm tra khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên dù chỉ là thoáng qua. Tại đây, bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra bao gồm:

Chụp X-quang: Thông qua một số hình ảnh của chụp Xquang quy ước như: Lệch vẹo cột sống, Mất ưỡn cột sống, Hẹp khoang gian đốt sống… có thể xác định vị trí thoát vị. Ngoài ra chụp Xquang quy ước còn giúp xác định thương tổn khác của cột sống như khuyết eo, mất vững cột sống, trượt đốt sống…

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ cho phép xác định được vị trí, hình thái thoát vị, số tầng thoát vị. Đây được coi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và chính xác nhất trong các phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Đo điện cơ đồ và dẫn truyền thần kinh (EMG/ NCS): Đo xung điện dọc theo rễ thần kinh, dây thần kinh ngoại vi và mô cơ để biết nguyên nhân gây đau có phải do tổn thương dây thần kinh hay không.

  1. Phương pháp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ?
  2. Điều trị nội khoa và phục hồi chức năng

Điều trị thoát vị đĩa đệm bảo tồn, chủ yếu tránh những tư thế gây đau, giúp bệnh nhân tuân thủ kế hoạch luyện tập và dùng thuốc sẽ làm giảm triệu chứng trong thời gian ngắn. Các nhóm thuốc có thể được sử dụng là thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, corticoid phong bế ngoài màng cứng. Nếu các biện pháp trên không giải quyết được triệu chứng trong vài tuần, bác sĩ có thể cân nhắc vật lý trị liệu.

Một số liệu pháp thay thế uống thuốc, kết hợp với thuốc có thể giúp giảm triệu chứng đau lưng:

  • Phương pháp kéo nắn xương khớp
  • Châm cứu
  • Mát – xa, yoga

Chế độ sinh hoạt phù hợp trong quá trình điều trị:

  • Trong thời gian điều trị thoát vị đĩa đệm, nên hạn chế các hoạt động mạnh, tăng cường nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế
  • Đi khám ngay nếu thấy các triệu chứng nặng hơn như: tê liệt ở chân, đau tê vùng bàn tọa, khó tiểu hoặc khó đại tiện hoặc bị yếu đột ngột ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là chân.
  • Tránh nằm quá nhiều: nên nghỉ ngơi một thời gian ngắn sau đó đứng dậy thực hiện vận động nhẹ như đi lại, làm việc nhà do nằm quá nhiều gây cứng khớp cột sống và yếu cơ.
  1. Một số phương pháp can thiệp giảm áp đĩa đệm qua da
  • Một số phương pháp đã được áp dụng, có hiệu quả: giảm áp đĩa đệm bằng Laser, bằng sóng cao tần (radio frequency)…
  • Tuy nhiên các phương pháp này chỉ nên áp dụng cho các trường hợp lồi đĩa đệm, đĩa đệm chưa bị rách bao xơ, đĩa đệm thoái hóa độ I, II.
  1. Điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Chỉ định phẫu thuật trong trường hợp

  • Điều trị nội khoa thất bại sau 5-8 tuần.
  • Gây chèn ép thần kinh cấp tính.
  • Thoát vị đĩa đệm gây rách bao xơ, thoát vị di trú.

Ngoài ra, còn có một sống thể đặc biệt cần can thiệp mổ cấp cứu

  • Thoát vị đĩa đệm gây đau quá mức, dùng các loại thuốc giảm đau không có tác dụng.
  • Thoát vị đĩa đệm gây liệt hoặc gây hội chứng đuôi ngựa: do chèn ép rễ thần kinh dẫn đến giảm trương lực cơ gây yếu hoặc liệt các nhóm cơ hoặc gây liệt mềm đột ngột hai chi dưới kèm theo rối loạn cơ tròn và rối loạn cảm giác tầng sinh môn hình yên ngựa.

Các phương pháp phẫu thuật

  • Phẫu thuật mổ mở hoặc qua ống banh, lấy bỏ nhân thoát vị giải chèn ép thần kinh. Có thể dùng kính hiển vi hỗ trợ trong mổ.
  • Phẫu thuật nội soi cột sống, lấy bỏ nhân thoát vị.
Phẫu thuật mổ mở cố định cột sống hàn liên thân đốt    và nội soi lấy khối thoát vị

  

Việc lựa chọn phương pháp tối ưu tùy theo tính chất tổn thương của người bệnh.

Tại Khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đã được tiến hành thường quy với số lượng hàng trăm ca mỗi năm với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, đạt kết quả rất khả quan.