Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Tiểu cầu là gì? Chức năng và bệnh lý thường gặp

Tiểu cầu là gì? Chức năng và bệnh lý thường gặp

1. Tiểu cầu là gì ?

Tiểu cầu (Platelets hay Thrombocytes) là một trong ba loại tế bào máu. Tiểu cầu là một mảnh tế bào không có nhân, sinh ra từ mẫu tiểu cầu trưởng thành trong tủy xương.

 

          Tiểu cầu là một trong những tế bào máu của cơ thể

Tiểu cầu có hình dạng giống hình đĩa, đường kính khoảng 2 – 3 μm, dày khoảng 0,5 μm. Màng của tiểu cầu là màng Phospholipid kép có chứa rất nhiều thụ thể bề mặt. Bên trong bào tương có các hạt chứa chất liên quan đến quá trình ngưng tập tiểu cầu và đông cầm máu.

Đời sống của tiểu cầu từ 7-10 ngày. Trong cơ thể, cơ quan đảm nhiệm vai trò tiêu hủy các tiểu cầu già là lách. Những phát triển bất thường của lá lách như lách to có thể làm tăng quá trình giữ và tiêu hủy tiểu cầu, gây giảm số lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi.

2. Chức năng của tiểu cầu.

Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình bao gồm đông cầm máu, tạo cục máu đông, co cục máu đông, co mạch và sửa chữa, miễn dịch, viêm, xơ vữa động mạch.

Chức năng chính của tiểu cầu là cầm máu, tức là quá trình dừng chảy máu tại nơi nội mạc mạch máu (thành trong của mạch máu hay mạch bạch huyết) bị thương. Lúc này các tiểu cầu phải trải qua giai đoạn hoạt hóa để phóng thích chất trong các hạt chức năng và biến đổi hình dạng để kết dính lại với nhau tạo nút tiểu cầu và cục máu đông.

Quá trình giúp đông máu và dừng chảy máu của tiểu cầu trải qua 3 giai đoạn:

– Kết dính tiểu cầu

– Tiểu cầu giải phóng các yếu tố hoạt động

– Ngưng tập tiểu cầu

3. Một số bệnh lý thường gặp

Việc tăng, giảm số lượng và/hoặc chất lượng tiểu cầu đều có thể là những biểu hiện bệnh lý khác nhau như:

– Tăng số lượng tiểu cầu:

+ Tiên phát: Là bệnh lý hiếm gặp với tình trạng tăng tiểu cầu không rõ nguyên nhân các dấu hiệu như: Yếu, đau đầu, dị cảm đầu chi, chảy máu, lách to, và hồng ban với thiếu máu cục bộ. Chẩn đoán dựa trên số lượng tiểu cầu > 450 G/L kéo dài, không có xơ tủy hoặc nhiễm sắc thể Philadelphia (hoặc BCR-ABL).

+ Thứ phát: So với tăng tiểu cầu tiên phát thì tăng tiểu cầu thứ phát phổ biến hơn. Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng hoặc viêm hay do một số bệnh ung thư, cũng có thể là do phản ứng với một số loại thuốc.

– Giảm số lượng tiểu cầu gặp trong: Ức chế hoặc thay thế tủy xương, các chất hoá trị liệu, phì đại lách, đông máu rải rác trong lòng mạch, các kháng thể tiểu cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch …

– Rối loạn chức năng tiểu cầu: Số lượng tiểu cầu bình thường song chức năng tiểu cầu giảm, nguyên nhân có thể là do sự khiếm khuyết di truyền ảnh hưởng tới chức năng của tiểu cầu hoặc do tác động của các yếu tố bên ngoài như sử dụng một số loại thuốc.

4. Khi nào thì cần xét nghiệm Tiểu cầu

Tiểu cầu có vai trò quan trọng đối với hoạt động của máu trong cơ thể. Việc theo dõi chỉ số và hoạt động của tiểu cầu là việc cần làm đối với tất cả mọi người. Đặc biệt là với những đối tượng có tiền sử mắc bệnh lý làm tăng/giảm tiểu cầu bất thường hoặc những ai có nguy cơ mắc bệnh lý làm ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu.

Nếu thấy có bất cứ những dấu hiệu nào sau đây thì cần làm xét nghiệm tiểu cầu:

  • Xuất hiện những vết bầm tím trên cơ thể không rõ nguyên nhân.
  • Vết thương chảy máu khó cầm máu hoặc không cầm được máu.
  • Thường xuyên chảy máu cam, chảy máu chân răng tự nhiên.
  • Bị rong kinh, rong huyết, băng kinh,…
  1. Các xét nghiệm đánh giá tiểu cầu

Bao gồm các xét nghiệm về số lượng và chất lượng tiểu cầu.

Số lượng tiểu cầu trước đây được thực hiện bằng cách đếm trên các buồng đếm thủ công. Hiện nay số lượng tiểu cầu đã được xác định bằng các hệ thống máy tự động với nguyên lý trở kháng hoặc laser.

Chức năng tiểu cầu được đánh giá bằng cách sử dụng một số xét nghiệm như: đánh giá tập trung tiểu cầu trên lam máu ngoại vi không chống đông, thời gian máu chảy, thời gian co cục máu. Hiện nay, để đánh giá chất lượng của tiểu cầu có thể sử dụng phương pháp đo độ ngưng tập tiểu cầu với các chất kích tập như ADP, Collagen, Ristocetin, Epinephrine.v.v. Xét nghiệm các dấu ấn bề mặt, các thụ thể trên bề mặt màng tế bào cũng là những xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá toàn diện chức năng tiểu cầu.

Xét nghiệm số lượng và chức tiểu cầu là thủ tục xét nghiệm khá đơn giản, chi phí thấp được thực hiện tại nhiều phòng xét nghiệm, bệnh viện trên cả nước. Tuy nhiên bạn nên đến các trung tâm xét nghiệm lớn, hiện đại để thực hiện bởi sẽ tiện lợi, nhanh chóng nếu kết quả bất thường cần các xét nghiệm chuyên sâu bổ sung. Vì thế Trung tâm xét nghiệm – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là một trong những địa chỉ uy tín để thực hiện xét nghiệm số lượng và chức năng tiểu cầu.

Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An –

Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

Website: https://bvnghean.vn

Facebook: https://www.facebook.com/bvhndknghean/

Số điện thoại đặt lịch khám: 1900. 8082 hoặc 0866.234.222 (Thời gian đặt hẹn: 7h – 19h, Thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).

Nếu cần tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến xét nghiệm vui lòng liên hệ qua Fanpage Trung tâm xét nghiệm: https://www.facebook.com/ TrungTamXetNghiem?mibextid=2JQ9oc