Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Tìm hiểu về bệnh lý trượt đốt sống thắt lưng

Tìm hiểu về bệnh lý trượt đốt sống thắt lưng

Ths. Bs Ngô Văn Thành, Khoa Phẫu thuật Thần kinh cột sống, Bệnh viện HNĐK Nghệ An

Trượt đốt sống  là bệnh lý mà tình trạng đốt sống trên trượt ra phía trước hoặc ra phía sau so với đốt sống dưới. Tình trạng này khiến người bệnh bị đau cột sống thắt lưng, đi đứng khó khăn, thường đau lan xuống một hay hai chân nặng hơn nữa có thể gây teo chân, rối loạn tiểu tiện, tàn phế suốt đời nếu không được khám và điều trị kịp thời.

     1. Nguyên nhân gây bệnh

  • Trượt đốt sống do thoái hoá: là nguyên nhân thường gặp nhất, các đốt sống và đĩa đệm thoái hoá mất nước, các diện khớp ngày càng bị tổn thương kèm theo bệnh nhân mang vác nặng hoặc làm việc nhiều khiến đốt sống ngày càng bị trượt. Tỷ lệ Nam/ Nữ là 1/6
  • Trượt đốt sống do bẩm sinh: Tình trạng này xảy ra khi cột sống của thai nhi không hình thành như bình thường trước khi sinh. Các đốt sống bị lệch, làm tăng nguy cơ trượt đốt sống trong hoạt động thường ngày sau này của người bệnh.
  • Trượt đốt sống do khuyết eo: Trượt đốt sống loại này thường xuất hiện ở thanh thiếu niên, vận động viên trẻ và những người bị chấn thương rất nhẹ. Nguyên nhân là do sự suy yếu của những thành phần sau cột sống bởi khiếm khuyết bẩm sinh mỏm gai (khuyết eo đốt sống).
  • Trượt đốt sống do chấn thương: thường thì trên nền bệnh nhân bị thoái hoá hoặc khuyết eo cộng thêm tình trang chấn thương hoặc vi chấn thương làm nặng tình trạng bệnh.
  • Trượt đốt sống thứ phát: có thể trượt đốt sống xảy ra sau khi mổ về bệnh lý về cột sống như: thoát vị đĩa đệm, u tuỷ, u rễ thần kinh … sau 1 thời gian bệnh nhân bị trượt và mất vững cột sống.

    2. Phân loại trượt đốt sống

Trượt đốt sống được phân thành 5 cấp độ theo tiêu chuẩn Meyerding. Mỗi cấp độ trượt được xác định dựa theo tỉ lệ trên phim chụp X quang quy ước ở tư thế nghiêng. Tỷ lệ trượt đốt sống được tính bằng khoảng cách trượt với độ rộng của thân đốt sống trượt:

  • Độ 1: Trượt 0% đến 25% thân đốt sống.
  • Độ 2: Trượt 25% đến 50% thân đốt sống.
  • Độ 3: Trượt 50% đến 75% thân đốt sống.
  • Độ 4: Trượt 75% đến 100% thân đốt sống.
  • Độ 5: Trượt đốt sống hoàn toàn (trên 100%), đốt trên hoàn toàn rời khỏi bề mặt thân đốt dưới 

    3. Dấu hiệu nhận biết và cận lâm sàng 

    a. Dấu hiệu lâm sàng

         Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân trượt cột sống như: đau cột sống thắt lưng, đau lưng lan xuống 1 chân hoặc cả 2 chân, bệnh nhân đi lại đau tăng nhiều, hạn chế vận động   và đi lại. các trường hợp nặng hơn bệnh nhân không thể đi lại được, teo cơ vùng chân, liệt 2 chân, rối loạn đại tiểu tiện. Một số trường hợp bệnh nhân có thể sờ thấy dấu hiệu bậc thang ở ngay giữa cột sống thắt lưng

        b. Chẩn đoán hình ảnh: Hình ảnh XQ cột sống thắt lưng 4 tư thế ( thẳng nghiêng, gập ưỡn) điển hình chẩn đoán xác định trượt cột sống thắt lưng, phân độ trượt.

 

Hình ảnh MRI cột sống thắt lưng xác định mức độ tổn thương đĩa đệm, mức độ hẹp ống sống, đưa ra hướng điều trị phù hợp

      4. Điều trị trượt đốt sống

      a. Điều trị nội khoa

      Dựa vào khám lâm sàng và hình ảnh XQ và MRI, các bác sĩ chuyên khoa về cột sống sẽ tư vấn hướng điều trị phù hợp đối với từng bệnh nhân. Đa số bệnh nhân bị trượt đốt sống thắt lưng sẽ được điều trị bằng phương pháp nội khoa và thường giảm đau đáng kể. Đối với những bệnh nhân ở độ tuổi thanh thiếu niên, việc nằm nghỉ và mặc áo cố định ngoài, kèm theo việc hạn chế các hoạt động gây đau, có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh.

        Đối với những bệnh nhân là người trưởng thành, phương pháp điều trị bảo tồn đốt sống thắt lưng bao gồm:

  • Mặc áo cố định ngoài và hướng dẫn vận động.
  • Nằm nghỉ ngơi trong các đợt đau cấp.
  • Sử dụng thuốc chống viêm và thuốc giảm đau khi cần.
  • Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và tập thể dục để tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ ở lưng, đùi và bụng.
  • Giảm cân đối với những người bị thừa cân hoặc béo phì.
    b. Điều trị phẫu thuật

     Phẫu thuật chỉ được áp dụng cho những bệnh nhân bị trượt đốt sống thắt lưng trong những trường hợp sau:

  • Trường hợp đã thực hiện điều trị bảo tồn ít nhất trong 6 tuần và không cải thiện sau 6 – 12 tháng điều trị, vẫn bị ảnh hưởng trong sinh hoạt và công việc hàng ngày.
  • Bệnh nhân cảm thấy đau nhiều, không đáp ứng với biện pháp nghỉ ngơi và sử dụng thuốc.
  • Trong trường hợp trượt đốt sống gây ra các biến chứng như liệt một hoặc hai chân, teo cơ, hoặc cơ vòng bàng quang (bí tiểu).
  • Trường hợp trượt đốt sống trở nên nghiêm trọng do khuyết eo đốt sống ở trẻ nhỏ.

Hai mục tiêu chính của phương pháp phẫu thuật bao gồm: giải phóng chèn ép lên thần kinh và ổn định cột sống. Có ba yếu tố quan trọng cần chú ý trong quá trình phẫu thuật để đảm bảo hiệu quả thành công: Giải ép hiệu quả, cố định cột sống vững, liền xương tốt sau phẫu thuật.

 

 

Hiện nay, phẫu thuật nắn chỉnh trượt và cố định cột sống bằng nẹp vít, kết hợp với ghép xương liên thân đốt lối sau, được xem là phương pháp hiệu quả và phổ biến nhất trong điều trị trượt đốt sống thắt lưng.

      5. Dự phòng và tiên lượng

  • Hạn chế mang vác nặng khôn đúng cách
  • Giữ cân nặng trong mức bình thường BMI từ 18-25
  • Đi khám sức khỏe thường xuyên để được các bác sĩ tư vấn
  • Khi có dấu hiệu về cột sống phải đến đúng bác sĩ chuyên khoa về cột sống tư vấn

Khoa Phẫu thuật Thần kinh cột sống – Tầng 3, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

Km số 5, đại lộ Lê Nin,  TP Vinh,  Nghệ An

Hotline:  Khoa Phẫu thuật Thần kinh cột sống: 0928.121.242