Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Tổn thương SLAP – Một trong các nguyên nhân tổn thương khớp vai thường gặp trong chấn thương thể thao

Tổn thương SLAP – Một trong các nguyên nhân tổn thương khớp vai thường gặp trong chấn thương thể thao

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau khớp vai, trong đó một nguyên nhân hay gặp trong các chấn thương do thể thao, trong đó hay gặp là tổn thương sụn viền vào chỗ bám của gân nhị đầu dài vào bờ trên ổ chảo xương cánh tay hay tổn thương SLAP.

1. Tổn thương SLAP là gì?

Tổn thương SLAP (superior labrum anterior to posterior) là tổn thương liên quan tới cấu trúc của khớp vai được gọi là sụn viền.Tuy có cấu tạo tương tự như khớp háng, nhưng ổ khớp vai nông và kém ổn định hơn. Cấu trúc sụn viền giúp làm sâu hơn ổ khớp vai, tạo cấu trúc ổn định cho chỏm xương cánh tay hoạt động. Tổn thương SLAP là tổn thương sụn viền vào chỗ bám của gân nhị đầu dài vào bờ trên ổ chảo xương cánh tay.

 

Vết rách SLAP (còn gọi là tổn thương SLAP) có mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ chấn thương đụng dập nhẹ đến rách hoàn toàn. Tổn thương này thường gặp ở các vận động viên sử dụng động tác vung tay mạnh, chẳng hạn như vận động viên bóng chày hoặc vận động viên quần vợt.

2. Nguyên nhân gây ra tổn thương SLAP?

Tổn thương gây ra do các tai nạn ngã chống tay ở tư thế dạng vai, động tác nâng nhanh một vật nặng hoặc do các động tác mạnh đưa cánh tay qua đầu trong khi chơi thể thao hay làm việc. Tuy nhiên thường gặp hơn cả là do các động tác lặp đi lặp lại lên khớp vai, tạo thành các stress liên tục, lâu dần gây  ra các tổn thương lên sụn viện.

Trong tất cả các trường hợp, tổn thương SLAP phổ biến nhất ở những người có hoạt động hàng ngày đòi hỏi phải vận động nâng cánh tay lên thường xuyên, chẳng hạn như vận động viên cử tạ, người chơi quần vợt hay công nhân bốc vác.

3. Các triệu chứng của tổn thương SLAP là gì?

Các triệu chứng thường gặp của tổn thương SLAP là:

– Đau âm ỉ hoặc đau nhức ở vai, đặc biệt là khi nâng qua đầu. Cơn đau được mô tả như đau ở sâu bên trong khớp vai

– Cơn đau thường đi kèm tiếng kêu “lách cách” và “pốp pốp” ở trong vai.

– Khó thực hiện các cử động vai bình thường.

– Đau ở phía trước vai gần gân nhị đầu trong trường hợp có tổn thương gân cơ nhị đầu kèm theo.

– Hạn chế phạm vi cử động khớp vai.

4. Làm thế nào để chẩn đoán tổn thương SLAP khớp vai?

Việc thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử có thể giúp bác sĩ xác định các triệu chứng phù hợp với tổn thương SLAP. Tổn thương này khó xác định đơn thuần qua việc thăm khám lâm sàng vì nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây đau vai, và SLAP là nguyên nhân ít phổ biến hơn cả. Do vậy, MRI là phương tiện chẩn đoán hình ảnh thương được sử dụng để xác định các tổn thương SLAP và đồng thời cũng giúp đánh giá các tổn thương khác của khớp vai.

5. Điều trị tổn thương SLAP như thế nào?

Phương pháp điều trị bao gồm điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật, tùy thuộc vào tình trạng người bênh và mức độ tổn thương.

 

5.1. Điều trị không phẫu thuật

Nguyên tắc đầu tiên của điều trị không phẫu thuật là bất động khớp vai. Điều này giúp ổn định tình trạng viêm và đau khớp vai. Bên cạnh đó, có thể phối hợp các phương pháp như vật lý trị liệu, sử dụng thuốc kháng viêm, chườm đá hoặc tiêm corticoid nội khớp.

5.2. Điều trị phẫu thuật

– Ở những bệnh nhân không đáp ứng với các điều trị nội khoa, tình trạng đau kéo dài, phẫu thuật nội soi khớp vai sẽ được chỉ định. Với nhiều ưu điểm và lợi thế như ít xâm lấn, cho thời gian hồi phục sau mổ nhanh hơn giảm đau và nguy cơ cứng khớp sau phẫu thuật rất tốt.

– Trong quá trình phẫu thuật, dưới sự quan sát của Camera nội soi, phẫu thuật viên sẽ đánh giá và xử trí các thương tổn SLAP và toàn bộ các thương tổn khác của khớp vai như rách gân cơ trên gai, các tổn thương viêm cơ nhị đầu,… Tùy vào độ tuổi bệnh nhân, mức độ tổn thương, …có thể tiến hành cắt bỏ, làm gọn sụn viền hay có thể tiến hành khâu phục hồi sụn viền.

6. Phục hồi chức năng (vật lý trị liệu) sau mổ

Việc phục hồi chức năng khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như phương pháp phẫu thuật, mức độ tổn thương. Trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi chức năng, việc bất động khớp vai bằng áo Desault và chỉ được phép thực hiện một số chuyển động thụ động trong sáu tuần đầu giúp ổn định tổn thương sau khâu và để ngăn ngừa cứng vai.

Sau khi tổn thương đã ổn định, bệnh nhân sẽ bước vào giai đoạn phục hồi chức năng thứ hai và có thể bắt đầu cử động nhiều hơn sau khoảng sáu tuần. Vật lý trị liệu tiếp tục giúp duy trì chuyển động và lấy lại sức mạnh của vai. Giai đoạn cuối cùng của quá trình phục hồi chức năng bao gồm việc tăng cường tích cực hơn các cơ xung quanh khớp vai và quá trình phục hồi hoàn toàn dự kiến ​​sẽ diễn ra trong khoảng từ 3 đến 4 tháng.

Phẫu thuật nội soi khớp vai là kỹ thuật chuyên sâu, cần có trang thiết bị hiện đại, đặc biệt cần phẫu thuật viên có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình. Tại khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, phẫu thuật nội soi khớp vai được thực hiện thường quy. Chính vì vậy, khi người bệnh có các triệu chứng đau khớp vai, hãy liên hệ đặt lịch khám tại website chính thức của bệnh viện: http://bvnghean.vn hoặc liên hệ tổng đài đặt lịch khám 1900. 8082 hoặc 0866.234.222 để được khám và điều trị.