“Chừng 3 năm về trước, khi kỹ thuật can thiệp mạch chưa có ở Nghệ An, là những thầy thuốc của bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, chúng tôi thường chứng kiến những bệnh nhân bị liệt, hôn mê… do dị dạng mạch não tới đây cấp cứu. Với những bệnh nhân này, chúng tôi thường phải chỉ định chuyển tuyến trên. Chuyển mà trong lòng rối bời vì biết chắc một điều, bệnh nhân sẽ tử vong trên đường, hoặc nếu ra được với bệnh viện tuyến Trung ương thì đã muộn, không can thiệp được gì nhiều… Và từ những rối bời, trăn trở ấy, chúng tôi đã chọn đưa về Bệnh viện tỉnh phương pháp can thiệp nội mạch. Đây cũng là bệnh viện tuyến tỉnh đi đầu thực hiện một kỹ thuật khó”.
Tiến sỹ, Bác sỹ Dương Đình Chỉnh – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã kể với chúng tôi như vậy trước khi anh nói về công trình khoa học mà anh và Thạc sỹ – Bác sỹ Nguyễn Tất Thắng thực hiện được trao giải Nhì, Giải thưởng Khoa học công nghệ và Sáng tạo tỉnh năm 2013. “Vừa rồi, bệnh viện có 2 công trình được trao giải Nhì, đó là công trình: “Điều trị ung thư dạ dày bằng phẫu thuật nội soi kèm nạo vét hạch” của Tiến sỹ – Bác sỹ Nguyễn Văn Hương cùng cộng sự, và công trình “Điều trị bệnh dị dạng mạch máu não bằng phương pháp can thiệp nội mạch tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An” của chúng tôi. Điều đáng nói hơn cả là trên thực tế, khi chúng tôi thực hiện các công trình này, nhiều người bị bệnh hiểm nghèo được cứu sống ngay tại quê hương, không phải đi xa vất vả, tốn kém. Và cái cụm từ “chuyển tuyến” đã bớt dần đi ở một bệnh viện tuyến tỉnh đang vươn tầm khu vực” – Tiến sỹ, Bác sỹ Dương Đình Chỉnh cho biết thêm.
Bác sỹ Dương Đình Chỉnh (giữa) nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ và Sáng tạo 2013.
Là Trưởng khoa Thần kinh nhiều năm nay, Bác sỹ Dương Đình Chỉnh đã chứng kiến hàng ngàn ca chảy máu não trong một năm, trong đó chảy máu do dị dạng mạch não là nguyên nhân nguy hiểm hàng đầu bởi các biến chứng của nó và nguy cơ tái phát gần như luôn xảy ra nếu không được xử trí triệt để dị dạng. Tuy nhiên, nó lại là bệnh lý diễn biến thầm lặng và bệnh thường chỉ được phát hiện khi ổ dị dạng mạch bị vỡ.
Trước đây điều trị dị dạng mạch não đối với phình mạch não là phẫu thuật kẹp cổ túi phình. Đối với dị dạng động tĩnh mạch não là phẫu thuật cắt bỏ và xạ trị. Tuy nhiên, với các phương pháp này hiệu quả thường không triệt để vì có can thiệp tối thiểu vào các tổ chức não nên tỷ lệ để lại di chứng sau phẫu thuật còn cao, chưa kể đến thời gian hậu phẫu kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng cao.
Phương pháp can thiệp nội mạch đã khẳng định ưu thế vượt trội so với các phương pháp kể trên. Can thiệp nội mạch là đặt vòng xoắn kim loại (coils) gây đông máu nút kín toàn bộ lòng túi phình; dùng keo sinh học nút kín ổ dị dạng thông động tĩnh mạch, bít tắc tĩnh mạch dẫn lưu nhưng vẫn đảm bảo được sự lưu thông của các mạch máu mang khối dị dạng. Cụ thể, các bác sỹ sẽ dùng một ống thông nhỏ luồn vào động mạch đùi bệnh nhân. Ống dẫn sẽ đi theo động mạch chủ bụng lên cổ, các bác sỹ sẽ tiếp tục dùng một ống thông nhỏ, luồn nối ống thông kia để luồn lên mạch não. Tại đó sẽ chụp được các nhánh nuôi chính của khối dị dạng, dùng chất keo bít mạch máu đang chảy. Phương pháp này đã được một số bệnh viện ở các trung tâm lớn như BV Bạch Mai, BV Trung ương Quân đội 108, BV 115 TP. Hồ Chí Minh triển khai đạt được hiệu quả cao.
Đây là kỹ thuật khó, phức tạp đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở vật chất, trang, thiết bị và trình độ của bác sỹ, vì vậy các bệnh viện tuyến tỉnh còn đang rất dè dặt khi triển khai kỹ thuật này. Là một tỉnh lớn với hơn 3 triệu dân, lại nằm xa các bệnh viện tuyến Trung ương, những năm gần đây người bệnh bị các bệnh lý về mạch máu não tăng cao, việc triển khai kỹ thuật điều trị bệnh dị dạng mạch máu não bằng phương pháp can thiệp nội mạch tại tỉnh ta là rất cần thiết. Nhờ sự giúp đỡ “cầm tay chỉ việc” của các chuyên gia y tế đến từ BV Bạch Mai Hà Nội, hiện kỹ thuật này đã và đang từng bước được chuyển giao tại BV tỉnh.
Trong gần 3 năm qua, gần 60 bệnh nhân đã bình phục sau 2 ngày được can thiệp mạch não và họ đã trở về với cuộc sống đời thường. Sự may mắn của chính mình, và trên hết là sự tận tâm của những người thầy thuốc đã khiến họ cảm động không nói nên lời. Bệnh nhân Lê Văn Huệ quê ở Thạch Sơn, Anh Sơn là một trong số đó. Bác sỹ Nguyễn Tất Thắng kể rằng, đây là một trường hợp khá ấn tượng với anh, vì người bệnh quá nghèo. Anh được xác định bị thông động tĩnh mạch não. Những cơn đau với biểu hiện liệt đã khiến cho anh trở thành một khung xương hom hem di động. Nếu điều trị dứt điểm, anh phải bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng, trong khi 1 triệu đồng đối với gia cảnh anh đã khó. Các y, bác sỹ trong Phòng can thiệp mạch đã giúp đỡ anh bằng cách tận dụng thuốc thang, chia nhỏ các đợt điều trị để anh có thể hưởng lợi từ bảo hiểm. Nhờ vậy, anh đã thoát được “cửa tử”. Với anh, các thầy thuốc Phòng mạch đã trở thành “người nhà”, thành những người mà anh suốt đời mang ơn sâu nặng.
Một bệnh nhân mà các bác sỹ Phòng can thiệp mạch cũng không thể quên, đó là bệnh nhân Trần Văn Khánh quê Nghi Phương, Nghi Lộc. Nhớ vì Khánh gia cảnh nghèo đã đành, mà còn vì em quá trẻ, 16 tuổi. Một ngày kia, khi đi học về Khánh thấy đau đầu, chóng mặt rồi sau đó mê man, bất tỉnh. Khi xác định bị đột quỵ do dị dạng mạch não, Khánh được chỉ định can thiệp mạch để cứu tính mạng. 60 triệu đồng, một khoản tiền lớn đối với người mẹ chân lấm tay bùn, người cha làm nghề phụ hồ của em. Cuối cùng, nhờ tới sự giúp đỡ của cộng đồng, của cả các y, bác sỹ, mà sau 2 ngày can thiệp em đã bình phục.
Công trình khoa học của các bác sỹ Dương Đình Chỉnh, Nguyễn Tất Thắng dựa trên những nghiên cứu công phu, nghiêm túc và được bắt nguồn từ chính những trăn trở của các tác giả, đồng thời cũng là các bác sỹ hàng ngày trực tiếp điều trị, xử lý các ca bệnh. Không chỉ cung cấp cái nhìn khoa học, toàn diện về căn bệnh, những bước tiến trong điều trị bệnh từ trước tới nay, mà tính mới mẻ của đề tài chính ở những nghiên cứu, phân tích cụ thể về việc áp dụng, điều trị bằng kỹ thuật mới này tại Bệnh viện tỉnh. Công trình đã chỉ ra được hiệu quả thực tế, triển vọng của một phương pháp điều trị bệnh dị dạng mạch não.
Theo đó, có thể chuyển giao và triển khai phương pháp điều trị này cho tất cả các bệnh viện trong khu vực khi tại các cơ sở này có máy chụp mạch số hóa xóa nền và cán bộ được đào tạo cơ bản về chuyên ngành can thiệp mạch thần kinh. Số bệnh nhân phải điều trị bằng phương pháp này tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là khoảng 60 bệnh nhân/năm. Trong đó ngoài số bệnh nhân trong tỉnh còn các tỉnh lân cận như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Mỗi bệnh nhân nếu thực hiện kỹ thuật này tại Nghệ An sẽ tiết kiệm được khoảng 40 – 50 triệu đồng.
“Mọi công trình khoa học, cái đích cuối cùng phải chỉ ra triển vọng cho thực tế. Vậy là niềm mong mỏi để bệnh nhân bị dị dạng mạch não không phải chuyển tuyến trên trong sự day dứt của những người thầy thuốc cũng đã trở thành sự thật. Đó là niềm vui lớn nhất không chỉ dành cho người bệnh”- Bác sỹ Dương Đình Chỉnh chia sẻ. Và chúng tôi cũng đồng ý với anh, rằng nỗ lực nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ thầy thuốc để phục vụ tốt hơn cho người bệnh cũng là yếu tố của y đức.
(Báo Nghệ An)
Công đoàn, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phối hợp tổ chức lễ khai mạc Giải Thể thao chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030
Bệnh viện HNĐK Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên triển khai thành công “Kỹ thuật phẫu thuật tái tạo xương hàm dưới bằng kỹ thuật vi phẫu”
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN