Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư phổ biến ở phụ nữ trên toàn thế giới, đứng thứ 2 sau ung thư vú. Tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt ở các quốc gia nghèo. Điều này gây nên gánh nặng bệnh tật rất lớn đối với phụ nữ ở các quốc gia này.
Hiện nay khoa Vi Sinh Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là cơ sở đầu tiên ở tinh Nghệ An đã áp dụng thành công kỹ thuật xét nghiệm HPV ADN. Kỹ thuật này đã giúp nhiều phụ nữ có cơ hội sàng lọc ung thư cổ tử cung với chi phí thấp và hiệu quả cao.
Năm 2010, tại Việt Nam có 5.664 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, tỷ lệ mắc mới là 13,6/100.000 phụ nữ, tỷ lệ này thấp hơn so với trung bình ở khu vực Đông Nam Á (15,8/100.000) nhưng lại đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại một số tỉnh như Cần Thơ, tỷ lệ mắc tăng từ 15,7/100.000 vào năm 2000 lên tới 25,7/100.000 vào năm 2009. Một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là do phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và chưa có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp, dễ tiếp cận. Khi phát hiện các tổn thương tiền ung thư thì cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Bệnh ung thư cổ tử cung hình thành ở biểu mô cổ tử cung ( cổ tử cung là cơ quan nối giữa âm đạo với buồng trứng ). Ung thư cổ tử cung phát triển khi các tế bào bất thường ở niêm mạc cổ tử cung bắt đầu nhân lên một cách khó kiểm soát và sau đó tập hợp thành một khối u lớn. Tuổi thường gặp của ung thư cổ tử cung là khoảng 30- 59 tuổi, nhiều nhất ở độ tuổi 45-55, rất hiếm ở phụ nữa dưới 20.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung:
Human papillomavirus(HPV) là tác nhân thường gặp nhất trong các nhiễm trùng lây truyền qua đường tính dục và là nguyên nhân quan trọng dẫn tới ung thư cổ tử cung. 99,7% số ca ung thư cổ tử cung phát hiện nhiễm HPV. Đến nay, khoảng 150 chủng HPV đã được phát hiện. Trong đó có khoảng 30 chủng có ái tính với đường sinh dục và được phân chia làm 2 nhóm. Nhóm nguy cơ thấp gồm 2 type phổ biến là 6 và 11 gây nên các ú nhú (condyloma) đường sinh dục, trong khi đó, nhóm nguy cơ cao gồm 13 type, hay gặp nhất là 16 và 18, gây các tổn thương loạn sản, ung thư cổ tử cung, âm đạo, dương vật, hậu môn, thanh quản…
Đường lây truyền của HPV:
HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, vi rút HPV sẽ xâm nhập vào tế bào cổ tử cung, phát triển và làm biến đổi gen tế bào. Sau khoảng 10 – 15 năm các tế bào này sẽ trở thành ác tính và nhanh chóng lan rộng ra các cơ quan khác trong cơ thể. Người phụ nữ có quan hệ tình dục không an toàn như không sử dụng bao cao su hay quan hệ với nhiều người thì có nguy cơ cao nhiễm vi rút HPV.
HPV có thể lây truyền từ mẹ sang con do người mẹ bị nhiễm HPV từ trước đó và lây sang con trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh theo con đường tiếp xúc.
Ngoài ra, HPV có thể lây truyền do sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt, quần áo, khăn mặt… với người bị nhiễm vi rút. Trong đồ dùng của người bệnh có thể chưa vi rút HPV nên khi chúng ta tiếp xúc với những vẫn dụng này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung:
Không quan hệ tình dục sớm
Quan hệ sớm (ở tuổi dậy thì) là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HPV. Cơ thể của các em gái trong giai đoạn này tự bảo vệ rất kém trước sự tấn công của các vi rút gây bệnh. Các bệnh lây lan qua đường tình dục ở lứa tuổi này cũng nhanh hơn do các màng nhầy đang ở giai đoạn vô cùng nhạy cảm.
Tiêm vaccin trước lần quan hệ đầu tiên
Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc xin ngừa những týp HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nữ từ 10 đến 25 tuổi, kể cả người chưa và đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm. Tiêm vắc-xin phòng bệnh trước lần quan hệ đầu tiên cho phép chị em phòng bệnh được tới trên 90% nguy cơ. Bên cạnh đó những chị em đã có gia đình cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ, ít nhất 1 năm/1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.
Khám sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV
Từ trước tới nay, ung thư cổ tử cung chủ yếu được phát hiện qua xét nghiệp phết tế bào cổ tử cung (PAP), kiểm tra trực quan với acid acetic (VIA) và xét nghiệm HPV ADN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có tới 33% số ca ung thư cổ tử cung xảy ra ở những người phụ nữ có kết quả xét nghiệm PAP bình thường. Vì vậy, để tầm soát ung thư cổ tử cung, phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ cao cần được xét nghiệm cả HPV. Xét nghiệm HPV sẽ giúp giảm tần suất sàng lọc ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV có độ nhạy 90 – 95%, các quy trình đều do máy móc tự động thực hiện nên tránh được sai sót do yếu tố con người.
BS. Nguyễn Văn Phúc (Khoa Vi sinh)
Graphic minh họa: Tạp chí Điện tử Khám phá.
Công đoàn, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phối hợp tổ chức lễ khai mạc Giải Thể thao chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030
Bệnh viện HNĐK Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên triển khai thành công “Kỹ thuật phẫu thuật tái tạo xương hàm dưới bằng kỹ thuật vi phẫu”
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN