Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Vai trò và ứng dụng của Acid hyaluronic – Dịch nhờn nhân tạo trong điều trị Thoái hóa khớp gối

Vai trò và ứng dụng của Acid hyaluronic – Dịch nhờn nhân tạo trong điều trị Thoái hóa khớp gối

                                                                                                               ThS.BS. Nguyễn Thị Lý

                                                          Khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Thoái hóa khớp gối là bệnh khớp phổ biến nhất ở nhiều quốc gia. Tỉ lệ bệnh ngày càng tăng theo tuổi và tình trạng thừa cân, béo phì, là nguyên chính nhân gây mất vận động, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và gây tàn tật ở người lớn tuổi.

Acid Hyaluronic được ứng dụng rộng rãi trong điều trị thoái hoá khớp gối gần 40 năm qua và được chứng minh hiệu quả giảm đau, cải thiện chức năng vận động cho người bệnh. Acid Hyaluronic là Mucopolysarcharide có trọng lượng phân tử cao, có mặt tự nhiên trong tất cả các sinh vật sống. Trong cơ thể người có nồng độ cao trong một số mô liên kết bao gồm da, dây rốn, dịch khớp, thủy tinh thể.

Bình thường trong khớp gối có chứa khoảng 2ml dịch khớp, với nồng độ 2,5-3,5 mg/ml, trọng lượng phân tử từ 4-5 Mda, độ nhớt từ 4000-6000. Acid Hyaluronic được tổng hợp bởi tế bào sụn và tế bào màng hoạt dịch. Nồng độ và trọng lượng phân tử của acd hyaluronic trong khớp thoái hóa giảm đáng kể, khoảng 1/2 -2/3 so với người bình thường dẫn đến đau và giảm chức năng của khớp. Do đó tiêm acid hyaluronic có tác dụng bôi trơn và phủ trên bề mặt sụn khớp như lớp đệm giảm xóc, bôi trơn và bảo vệ khớp.

1. Tác dụng của acid hyaluronic trong điều trị thoái hoá khớp gối

– Bổ sung Acid Hyaluronic trong thoái hóa khớp dẫn đến tăng kéo dài nồng độ và trọng lượng phân tử của acid hyaluronic nội sinh, đã làm cải thiện đáng kể chức năng của khớp, giảm đau và bảo vệ sụn khớp.

– Acid Hyaluronic có tính lưu biến chuyển từ trạng thái nhớt (các chuỗi phân tử dàn xa nhau) để bôi trơn khớp khi khớp vận động nhẹ, chuyển sang trạng thái đàn hồi (các chuỗi phân tử dồn ngắn lại) khi khớp vận động mạnh có tác dụng như là một lớp đệm để hấp thụ áp lực và rung động, bảo vệ sụn khỏi sự thoái hóa cơ học.

– Bên cạnh các tác dụng về vật lý, Acid Hyaluronic ngoại sinh còn có tác dụng kích thích sự tăng sinh đáng kể tế bào sụn khớp và chất nền sụn khớp, kích thích tế bào sụn và tế bào màng hoạt dịch tăng sản xuất acid hyaluronic nội sinh.

– Ngoài ra, acid hyaluronic còn có tác dụng chống viêm thông qua ức chế chất trung gian gây viêm như cytokines, proteases và prostaglandins (IL-1β và MMP-13 và PGE2). Acid Hyaluronic tác dụng giảm đau thông qua làm giảm các xung thần kinh, giảm nhạy cảm cơ học của các kênh ion ở các đầu mút thần kinh. Tác dụng chống oxy hóa bằng cách làm giảm các phản ứng oxy hóa do IL-1 và superoxid, giảm sản xuất NO từ tế bào màng hoạt dịch.

2. Các dạng Acid hyaluronic dùng để tiêm nội khớp hiện nay

Hiện nay Acid Hyaluronic tiêm nội khớp dược phân loại dựa theo nồng độ và trọng lượng phân tử. Trên thị trường acid hyaluronic tiêm nội khớp có 4 thế hệ

  • Thế hệ 1: Acid Hyaluronic có trọng lượng phân tử thấp, 1% liệu trình tiêm 3-5 mũi, cách nhau mỗi 1 tuần. Có các chế phẩm như: Hyalgan, Adant,..
  • Thế hệ 2: Acid Hyaluronic trọng lượng phân tử cao và liên kết chéo, có nguồn gốc động vật: Synvisc.
  • Thế hệ 3: Acid Hyaluronic lên men sinh học và thể tích nhiều hơn trong 1 ống (lên men sinh học, liên kết chéo, trọng lượng phân tử cao) như : Durolane, Monovisc, Regenflex bioplus…
  • Thế hệ 4: Acid Hyaluronic kết hợp chất chống oxy hoá như Sorbitol hoặc Manitol để làm tăng hiệu quả chống viêm và thời gian tác dụng của acid hyaluronic như: Synolis VA (acid hyaluronic kết hợp Sorbitol), Ontenil Plus ( acid hyaluronic kết hợp Manitol)…
    3. Khi nào được chỉ dịnh tiêm chất nhờn?

– Liệu pháp tiêm Acid Hyaluronic vào khớp gối được chỉ định cho những trường hợp sau:

+Thoái hóa khớp gối ở mức độ trung bình tới nặng vừa.

+ Áp dụng cho các trường hợp thoái hóa khớp gối đã áp dụng những phương pháp điều trị thông thường khác nhưng không đáp ứng tốt.

+ Trì hoãn thời gian thực hiện phẫu thuật thay khớp gối.

– Tùy theo tình trạng, mức độ, giai đoạn bệnh bác sĩ sẽ lựa chọn loại chất nhờn phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Liệu trình tiêm chất nhờn có thể kéo dài 5 tuần liên tiếp với một ống/ tuần hoặc loại tiêm 1 ống duy nhất. Hiệu quả có thể kéo dài 6 tháng đến 1 năm. Do đó có thể nhắc lại sau mỗi 6 tháng đến 1 năm.  

– Tuy nhiên để đạt được hiệu quả lâu dài thì người bệnh cần tuân thủ các phương pháp điều trị không dừng thuốc như thay đổi lối sống, giảm cân và sử dụng kết hợp các thuốc chống thoái hoá khớp như Glucosamin sulfat, Diacerin hoặc cao xà phòng hóa quả bơ và đậu nành (Piasceldin)…

4. Chống chỉ định tiêm chất nhờn trong trường hợp nào?

Những đối tượng sau đây cần phải thông báo với bác sĩ về tình trạng của mình để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra:

– Người bệnh có cơ địa dễ dị ứng và dị ứng với thành phần của thuốc Acid Hyaluronic.

– Bệnh lý Rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng các thuốc chống đông máu

– Tổn thương nhiễm khuẩn ở da tại các vị trí tiêm và các khu vực gần nơi tiêm hoặc đang có các bệnh lý nhiễm trùng toàn thân.

– Các bệnh lý nội khoa khác chưa kiểm soát như đái tháo đường…

– Người đang mang thai, cho con bú chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ.

5. Tác dụng phụ của tiêm acid hyaluronic nội khớp

Thuốc có độ dung nạp khá tốt. Một số ít xảy ra một số tác dụng phụ như đau và căng tức sau tiêm kéo dài 12 -24 giờ. Các triệu chứng này chỉ thoáng qua, sau 2-3 ngày là tự hết.

– Nhiễm khuẩn  khớp (viêm mủ): Người bệnh sẽ bị sốt, sưng đau, tràn dịch chỗ tiêm. Tác dụng phụ này xảy ra do bệnh nhân tiêm không đảm bảo vô khuẩn.

– Biến chứng hiếm gặp: Tai biến do người bệnh sợ hãi – biểu hiện kích thích hệ phó giao cảm, do tiêm thuốc vào mạch máu hoặc tiêm quá nhanh. Người bệnh bị vã mồ hôi, choáng váng, ho khàn, khó thở, tức ngực, rối loạn cơ tròn

– Sau khi tiêm nội khớp người bệnh cần được theo dõi chỉ số mạch, huyết áp, tình trạng chảy máu tại chỗ, viêm trong khoảng 24 giờ. Nếu gặp các triệu chứng bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Cần làm gì để hạn chế tác dụng phụ của thuốc?

– Bệnh nhân cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để có chỉ định tiêm khớp phù hợp nhất.

– Khi tiêm nội khớp Acid Hyaluronic cần được thực hiện tại tại các phòng thủ thuật đảm bảo vô khuẩn và được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Phải tiêm thuốc ngay sau khi đã bóc hộp bơm tiêm ra..

– Cần thông báo lại ngay cho bác sĩ khi có các phản ứng bất thường sau tiêm.

Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu chuyên ngành cơ xương khớp là địa chỉ đáng tin cậy để bạn có thể yên tâm thực hiện thủ thuật tiêm Acid Hyaluronic “Dịch nhờn nhân tạo” cũng như tư vấn dự phòng và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp.

👉👉Để đặt lịch khám và tìm hiểu thông tin, xin vui lòng liên hệ
🏥 Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
🛤Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.
☎️Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082

☎️Số điện thoại Khoa Nội Cơ xương khớp: 0385384657.
⌚️Thời gian đặt hẹn: 8h – 16h thứ 2 đến thứ 6
🖥 Fanpage: https://www.facebook.com/bvhndknghean/