Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Viêm gân Achilles

Viêm gân Achilles

ThS.BS. Nguyễn Thị Hoài Thắm

Khoa Cơ Xương Khớp – Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

 

Gân Achilles (hay còn gọi là gân gót chân) là gân lớn nhất cơ thể kéo dài từ bắp chân với sự hợp nhất của 3 cơ: 2 cơ bụng chân và cơ dép đến bám vào xương gót. Ngoài việc thực hiện các động tác như đi bộ, nhảy, chạy, gân Achilles giúp cơ thể đứng trên các đầu mũi chân. Gân Achilles được sử dụng trong hầu hết các hoạt động nên cũng là nơi chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương.

1. Viêm gân Achilles là gì?

Viêm gân Achilles là tình trạng gân Achilles hoạt động quá mức dẫn tới tình trạng bị quá tải về lực và trọng lực, gây tổn thương vùng gót chân. Gân Achilles là khu vực có ít mạch máu, cách chỗ bám vào xương gót 3 – 6cm. Cấu tạo của gân gồm nhiều sợi collagen nhỏ nên chỉ cần một tác động bất ngờ cũng đủ gây tổn thương gót chân.

Viêm gân Achilles được chia thành 2 loại, cụ thể:

– Viêm điểm bám gân Achilles: Tổn thương này tác động tới nơi thấp nhất của gân, nơi gân được gắn vào xương gót chân.

– Viêm sợi gân : Đây là tình trạng viêm các sợi collagen ở phần giữa của gân, thường xảy ra ở người trẻ tuổi.

2. Nguyên nhân viêm gân Achilles

Cơ chế chính gây viêm gân Achilles là những tác động lên gân lặp đi lặp lại nhiều lần. Tình trạng này thường xảy ra ở người tập thể dục quá mức, đặc biệt là vận động viên. Ngoài ra cũng có thể gặp ở một số bệnh lý xương khớp như viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng, …

Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm gân Achilles như:

  • Không khởi động đầy đủ trước khi tập thể dục.
  • Bị căng cơ chân khi thực hiện những động tác lặp lại nhiều lần.
  • Chơi các môn thể thao yêu cầu đổi hướng, di chuyển nhanh, đột ngột như bóng đá, quần vợt, bóng rổ, bóng chuyền…
  • Đi giày không vừa chân, giày quá cũ hoặc chất lượng kém.
  • Mang giày cao gót liên tục trong thời gian dài.
  • Xuất hiện gai xương ở phía sau gót chân (gai gót chân).
  • Thoái hóa gân do tuổi tác.
  • Những yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương gân Achilles cao hơn:

+ Giới tính nam.

+ Tuổi cao.

+ Người mắc hội chứng bàn chân bẹt.

+  Mắc các bệnh lý như vảy nến, tăng huyết áp.

+ Ảnh hưởng một số loại thuốc như kháng sinh fluoroquinolones làm gia tăng nguy cơ viêm gân gót chân Achilles.

3. Các triệu chứng viêm gân Achilles thường gặp

Một số triệu chứng có thể gặp khi gân Achilles bị viêm là:

  • Đau rát bỏng hoặc đau cứng phần thấp bắp chân sau vào buổi sáng. Một số trường hợp có thể bị rách một phần gân hoặc đứt gân hoàn toàn.
  • Đau vùng gót, đặc biệt là khi căng gót hay đứng trên đầu mũi chân.
  • Khi tình trạng viêm gân Achilles kéo dài mà không có biện pháp điều trị phù hợp, người bệnh có nguy cơ cao bị đứt gân Achilles. Khi đó người bệnh sẽ bị đau dai dẳng, xuất hiện tình trạng phù nề vùng gót chân do có chảy máu giữa các sợi gân.
    4. Biến chứng của Viêm gân Achilles

Viêm gân Achilles nếu không được điều trị hiệu quả có thể dẫn tới nhiều biến chứng như:

  • Hạn chế khả năng đi lại.
  • Biến dạng gân và xương gót chân.
  • Đứt gân Achilles hoàn toàn.
    5. Phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán viêm gân Achilles chủ yếu dựa vào lâm sàng: đau vùng gân gót, Khám gân gót thấy sưng rõ, ít nóng đỏ, sờ có thể thấy nổi cục, ấn đau, gấp duỗi mạnh bàn chân thì đau tăng

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác viêm gân Achilles:

  • Chụp X quang sẽ giúp bác sĩ quan sát hình ảnh các xương ở bàn chân, sẽ giúp loại trừ các nguyên nhân có thể dẫn đến triệu chứng tương tự viêm gân gót chân Achilles.
  • Siêu âm : Đánh giá tình trạng gân viêm, các chuyển động hay lưu lượng máu quanh gân Achilles.
  • Chụp MRI là phương pháp có thể ghi nhận hình ảnh chi tiết của gân Achilles, qua đó phát hiện vị trí hay mức độ gân bị viêm.
  1. Điều trị viêm gân Achilles

Trong hầu hết các trường hợp, liệu pháp điều trị không phẫu thuật sẽ giúp cải thiện tình trạng đau gân, dù sẽ mất khoảng vài tháng để các triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn.

– Các biện pháp không phẫu thuật:

  • Nghỉ ngơi: Bước đầu tiên để giảm đau đó là giảm hoặc ngưng các vận động làm trầm trọng hơn triệu chứng đau, giảm áp lực đè nén, giúp gân thư giãn và mau chóng hồi phục. Người bị viêm gân gót chân achillescần nghỉ ngơi cho đến khi việc đi lại không gây đau chân bị viêm gân. Đồng thời, nếu cần phải di chuyển người bệnh nên sử dụng biện pháp hỗ trợ như nạng để hạn chế gây áp lực lên gân. Nếu người bệnh thường xuyên tập luyện các bài tập có cường độ cao lên gân (như chạy bộ), thì nên chuyển sang các bài tập có cường độ thấp, ảnh hưởng lên gân ít như đạp xe, tập luyện trên máy đạp xe, hoặc bơi lội.
  • Chườm đá: Người bị viêm gân achillescó thể chườm một túi nước đá lên vị trí tổn thương 15 – 20 phút để giảm đau và sưng nề.
  • Dùng thuốc: Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau hay thuốc chống viêm tùy mức độ, nhưng nên có kê đơn của bác sĩ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho người bệnh tiêm huyết tương tiểu giàu tiểu cầu (PRP) hay tiêm steroid. Tuy nhiên tiêm Steroid ít khi được chỉ định vì có thể gây mủn gân và biến chứng đứt gân gót.
  • Vật lý trị liệu

 –  Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể đề nghị người bệnh thực hiện một số liệu pháp điều trị viêm gân gót chân như:

+ Thực hiện những bài tập trị liệu giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, hỗ trợ tăng cường sức mạnh của gân Achilles.

+ Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như miếng đệm hay miếng lót giày nâng cao để giảm căng thẳng cho gân.

  • Phẫu thuật gân Achilles:

Khi các phương pháp điều trị bảo tồn trên không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp phẫu thuật. Ngoài ra, các trường hợp đứt gân hoặc có nguy cơ đứt gân sẽ được chỉ định phẫu thuật nối gân để phục hồi khả năng vận động.

  1. Biện pháp phòng ngừa

Để hạn chế nguy cơ viêm gân Achilles, bạn nên lưu ý:

  • Tập dãn cơ, cụ thể làm căng cơ bắp chân, khởi động kĩ trước khi vận động.
  • Tập luyện với mức độ căng thẳng tăng dần.
  • Luyện tập xen kẽ các môn thể thao căng và dãn cơ để giảm tải áp lực cho gân gót chân.
  • Sử dụng giày và lót giày phù hợp, vừa vặn khi vận động
  • Hạn chế mang giày cao gót.

🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN

🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới

🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An

🌎Website: www.bvnghean.vn

🌍Facebook: https://www.facebook.com/bvhndknghean

☎️Số điện thoại Khoa Nội Cơ xương khớp: 0385.384.657.

☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6.