Viêm gan B (còn gọi là viêm gan siêu vi B) là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B mãn tính là tình trạng nhiễm trùng HBV kéo dài từ 6 tháng trở lên. Virus HBV không bị loại bỏ và tiếp tục tồn tại một cách âm thầm trong máu và gan của người bệnh. Nếu không sớm được điều trị kịp thời và đúng cách, theo thời gian, viêm gan mãn tính có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng như suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong. Khả năng viêm gan B tiến triển thành mãn tính phụ thuộc vào độ tuổi của người bệnh. Cụ thể trẻ em khi nhiễm bệnh thì tới 95% trường hợp tiến triển thành mạn tính. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người trưởng thành mắc bệnh thấp hơn rất nhiều (dưới 5%).
I. Con đường lây truyền virus viêm gan B
1. Lây truyền qua đường máu
Viêm gan B lây truyền qua đường máu dưới các hình thức: Dùng chung bơm kim tiêm, đặc biệt là tiêm chích ma túy; truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus; tái sử dụng hoặc sử dụng các dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách; Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng hoặc thực hiện các thủ thuật y tế, thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh, có chứa virus gây bệnh; Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người bị nhiễm bệnh.
2. Lây truyền từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV có thể truyền virus sang con. Tỷ lệ lây nhiễm cao nhất là trong 3 tháng cuối thai kì và khi chuyển dạ. Nguy cơ lây truyền cho thai nhi có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh.
3. Lây truyền qua đường tình dục
Viêm gan B có thể lây truyền khi quan hệ tình dục khác giới hoặc đồng giới do tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người bệnh.
Viêm gan B không lây lan qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm… Bệnh cũng không lây lan khi ho, hắt hơi, dùng chung dụng cụ ăn uống, chơi đùa hoặc ăn thực phẩm được nấu bởi người mang virus viêm gan B.
II. Biểu hiện lâm sàng của nhiễm virus viêm gan B
Các triệu chứng lâm sàng là biểu hiện của tình trạng viêm gan, hoăc biến chứng xơ gan: bệnh nhân có thể mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng da, bụng cổ chướng, tiểu sậm màu, sốt, đau các khớp tùy vào đợt tiến triển của bệnh.
III. Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh
HbsAg là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Xét nghiệm định tính HbsAg là xét nghiệm phổi biến ở các cơ sở y tế để chẩn đoán ban đầu tình trạng nhiễm VGB. Khi nhiễm virus, kháng nguyên này sẽ có mặt trong máu. Nếu HbsAg dương tính trên 6 tháng tức là tình trạng nhiễm virus viêm gan B trở thành mạn tính
Bệnh nhân nhiễm VGB mạn tính có men gan cao cần phải thực hiện xét nghiệm đo tải lượng virus VGB trong máu để đánh giá mức độ nhiễm virus và quyết định điều trị.
Chỉ định điều trị viêm gan virus B cân nhắc mở rộng trên một số đối tượng: bệnh nhân có xơ hóa gan trên F2/ xơ gan/ ung thư gan; bệnh nhân có tiền sử gia đình có người ung thư gan; bệnh nhân VGB có biểu hiện ngoài gan: viêm khớp, viêm đa nút động mạch, viêm cầu thận- hội chứng thận hư.
III. Thuốc điều trị Viêm gan B
Thuốc kháng virus viêm gan B là thuốc điều trị ức chế hoạt động virus viêm gan B trong máu. Qúa trình điều trị cần kiên trì lâu dài, có thể suốt đời, yêu cầu người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ điều trị. Khi nhiễm virus VGB mạn tính, DNA của virus có thể tồn tại lâu dài trong tế bào gan của người bệnh và rất khó bị đào thải, kể cả khi HbsAg âm tính và đo tải lượng virus trong máu đạt dưới ngưỡng phát hiện, do vậy luôn luôn có nguy cơ tái hoạt lại virus viêm gan B. Việc dừng thuốc sớm trước chỉ định của bác sĩ hoặc bỏ thuốc có thể dẫn đến virus viêm gan B bùng phát và gây ra các hậu quả sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là suy gan và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Sử dụng thuốc kháng virus ở bệnh nhân viêm gan B mạn giúp làm giảm nồng độ virus VGB, giảm tiến triển đợt cấp, giảm tiến triển thành xơ hóa gan, giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, tuy nhiên không làm giảm nguy cơ ung thư gan. Người bệnh nhiễm VGB mạn tính cần được theo dõi điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế và sàng lọc ung thư gan định kỳ bằng xét nghiệm marker ung thư gan aFP và siêu âm ổ bụng thường quy.
IV. Phòng ngừa viêm gan B
Vắc xin viêm gan B được chứng minh là vắc xin an toàn và hiệu quả, được khuyến nghị chủng ngừa cho trẻ sơ sinh, trẻ em người lớn, người mắc các bệnh mạn tính được chỉ định tiêm chủng và những người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do công việc, lối sống, hoàn cảnh sống hoặc quốc gia mà họ sinh sống. Vì mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh, nên việc tiêm vắc xin viêm gan B để bảo vệ khỏi bệnh gan mãn tính suốt đời được coi là rất quan trọng.
Ngoài ra, dựa vào những đường lây truyền của viêm gan siêu vi B, các biện pháp phòng ngừa khác nên được phối hợp thực hiện song song với việc chủng ngừa bệnh như sau:
– Đảm bảo quan hệ tình dục an toàn.
– Đảm bảo tiếp xúc an toàn tuyệt đối với kim (xăm, xỏ khuyên, châm cứu, chích,…).
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể của người khác.
– Tránh sử dụng chung các vật sắc nhọn như dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng, bông tai hoặc nhẫn trên cơ thể…
🏥BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN
🏆Chất lượng hàng đầu – Phát triển chuyên sâu – Nâng tầm cao mới
🛣️Địa chỉ: Km5, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An
🌎Website: www.bvnghean.vn
🌍Facebook: /bvhndknghean
☎️☎️TỔNG ĐÀI CSKH + ĐẶT LỊCH KHÁM: 1900.8082 – 0886.234.222, Thời gian đặt lịch khám từ Thứ 2 đến Thứ 6
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thông báo nội dung ôn tập: môn thi Ngoại ngữ, Kiến thức chung, Chuyên môn chuyên ngành kỳ thi tuyển viên chức năm 2024
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiên phong trong phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho nhân viên y tế
Thông báo số 3292/TB-BV về việc Tuyển dụng viên chức năm 2024 của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Copyright © 2024 BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ ĐA KHOA NGHỆ AN