Điện thoại CSKH: 19008082 - 0886.234.222
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Thời gian làm việc: Khám bệnh: 7h-16h (Thứ 2-Thứ 6), 7h-12h (Sáng thứ 7), trừ nghỉ lễ ----- Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú 24/7, kể cả nghỉ lễ
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU - PHÁT TRIỂN CHUYÊN SÂU - NÂNG TẦM CAO MỚI
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An > Đào tạo liên tục > Viêm khớp dạng thấp: nguyên nhân, cách điều trị và phòng bệnh

Viêm khớp dạng thấp: nguyên nhân, cách điều trị và phòng bệnh

  1. Tổng quan về viêm khớp dạng thấp (VKDT)

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn điển hình, diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề do đó cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để làm ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

  1. Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch thay vì bảo vệ lại quay sang tấn công màng hoạt dịch là lớp màng bao quanh khớp. Kết quả là tình trạng viêm làm dày bao hoạt dịch, cuối cùng phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn.

Nguyên nhân gây ra sự rối loạn miễn dịch này chưa rõ, hiện được coi là bệnh tự miễn dịch với sự tham gia của nhiều yếu tố như nhiễm khuẩn và di truyền.

  1. Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh diễn biến mạn tính xen kẽ với các đợt tiến triển. Các triệu chứng thường gặp trong viêm khớp dạng thấp là:

– Sưng nóng đau các khớp.

– Cứng khớp thường nặng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau khi ngồi bất động trong khoảng thời gian dài, có thể kéo dài trên 1 giờ.

– Mệt mỏi, đau cơ, sốt nhẹ, sụt cân, tê và ngứa ran ở tay.

Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp giống nhau ở cả hai bên của cơ thể, điều này thường được mô tả là viêm khớp đối xứng. Trong giai đoạn sớm bệnh có xu hướng ảnh hưởng đến những khớp nhỏ hơn trước đặc biệt là các khớp bàn ngón, dốt gần ngón tay chân. Khi bệnh tiến triển, các biểu hiện sẽ lan xuống cổ tay, gối, cổ chân, khuỷu tay, hông và vai. Nếu không kiểm soát được bệnh có thể dẫn đến biến dạng khớp.

– Ngoài khớp bệnh còn có biểu hiện ở các cơ quan khác: Tim, phổi. mạch máu, mắt, da, hệ thần kinh.

  1. Đối tượng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp

–  Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 2-3 lần nam giới.

– Tuổi: viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường bắt đầu ở tuổi trung niên.

– Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn

– Hút thuốc:  Hút thuốc lá là một yếu tố đã được công nhận làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp dạng thấp.

– Phơi nhiễm môi trường: Một số chất phơi nhiễm như amiăng hoặc silica đã được chứng minh làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. 

– Béo phì: Những người thừa cân hoặc béo phì dường như có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.

  1. Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp

Thực tế cho thấy chưa có biện pháp nào có khả năng ngăn ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên bạn nên chủ động nâng cao sức khỏe bằng cách kiểm soát căng thẳng, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đủ chất.

Nếu gia đình có người  mắc viêm khớp dạng thấp bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để sớm phát hiện bệnh lý và kịp thời chữa trị.

  1. Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp cần dựa vào triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.

– Xét nghiệm máu: 

+ Tốc độ máu lắng, protein phản ứng C ( CRP)  thường tăng biểu hiện quá trình viêm đang xảy ra

+ Xét nghiệm miễn dịch tìm yếu tố dạng thấp RF , kháng thể kháng CCP đặc trưng trong bệnh.

  + Xét nghiệm công thức máu thấy biểu hiện thiếu máu do quá trình viêm mạn tính hoặc do dùng thuốc.

– Chẩn đoán hình ảnh:

+ Chụp X-quang các khớp viêm với hình ảnh đặc trưng là tổn thương bào mòn xương.

+ MRI và siêu âm có thể được chỉ định giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh trong cơ thể bạn.

Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Mỹ ACR 1987 hiện nay vẫn đang được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới và Việt Nam để chẩn đoán đối với thể biểu hiện nhiều khớp và thời gian diễn biến viêm khớp trên 6 tuần:

+ Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.

+ Viêm ít nhất 3 trong số 14 khớp sau (kể cả hai bên): khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân.

+ Trong đó có ít nhất 1 khớp thuộc các vị trí sau: các khớp cổ tay, ngón gần, bàn ngón tay.

+ Viêm khớp đối xứng.

+ Hạt dưới da.

+ Yếu tố dạng thấp trong huyết thanh dương tính.

+ Dấu hiệu X quang điển hình của VKDT: chụp khớp tại bàn tay, cổ tay hoặc khớp tổn thương: hình bào mòn, hình hốc, hình khuyết đầu xương, hẹp khe khớp, mất chất khoáng đầu xương.

Chẩn đoán xác định: khi có ≥ 4 tiêu chuẩn. Triệu chứng viêm khớp (tiêu chuẩn 1- 4) cần có thời gian diễn biến ≥ 6 tuần và được xác định bởi thầy thuốc.

 Để chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm với ít khớp tổn thương, hiện nay thường áp dụng tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu Âu 2010 (ACR/EULAR 2010) .

  1. Các biện pháp điều trị VKDT

 Chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp hiện tại được áp dụng với mục đích kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương khớp và tối đa hóa chất lượng cuộc sống và khả năng vận động sinh hoạt của bệnh nhân.

Điều trị gồm dùng thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, giáo dục tư vấn bệnh nhân.

* Thuốc:

Thuốc là nền tảng của điều trị khi các triệu chứng viêm khớp dạng thấp đang hoạt động . Bạn sẽ cần  thường xuyên đến cơ sở khám chưa bệnh để khám và xét nghiệm máu để theo dõi các biến chứng của thuốc

– Thuốc điều trị triệu chứng:

+ NSAID: Thuốc chống viêm không steroid , chẳng hạn như ibuprofen và naproxen , được dùng để giảm đau và giảm viêm nhẹ , thường cần được sử dụng trong vài tuần để đạt tác dụng.

Tác dụng phụ bao gồm kích ứng dạ dày, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tổn thương thận, kéo dài thời gian chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết.

+ Steroid hay còn gọi là Glucocorticoid: chẳng hạn như prednisone, prednisolone có tác dụng chống viêm mạnh. Steroid có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và bảo tồn chức năng cho đến khi các thuốc DMARD bắt đầu phát huy tác dụng. Liều thấp corticoid đôi khi được kê đơn để sử dụng lâu dài cùng với DMARDs nếu cần thiết để kiểm soát hoạt động của bệnh.

Tác dụng phụ bao gồm: tăng cân, tiểu đường, loãng xương, và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

+ Thuốc giảm đau: thường dùng điều trị kết hợp để giảm triệu chứng ví dụ như: paracetamol, có thể kết hợp với tramadol hoặc codein.

Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs): Những loại thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs) có khả năng làm chậm sự tiến triển của tình trạng viêm khớp dạng thấp. Đồng thời giúp cứu các mô và các khớp khác tránh khỏi sự tổn thương vĩnh viễn, bao gồm leflunomide, sulfasalazine, hydroxychloroquine, methotrexate.

Tùy từng loại có tác dụng phụ khác nhau có thể bao gồm: tổn thương gan, phổi, ức chế tủy xương.

– Thuốc sinh học: là nhóm ức chế các cytokine hoạt động trong cơ chế bệnh viêm khớp dạng thấp, được sử dụng cho các trường hợp nặng, không đáp ứng với các thuốc điều trị cơ bản. Thuộc nhóm này có các thuốc kháng TNF- anpha, ức chế tế bào B (Rituximab), ức chế interleukin 6 (Tocilizumab).

* Phẫu thuật:

Khi tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để phục hồi khả năng vận động của người bệnh, bao gồm:

– Phẫu thuật nội soi để lấy bỏ tổ chức viêm, lớp màng hoạt dịch viêm

– Phẫu thuật chỉnh hình sửa chữa các gân, chỉnh trục khớp

– Thay khớp nhân tạo : thay phần khớp bị tổn thương bằng khớp nhân tạo (làm từ nhựa, kim loại…) thường gặp khớp háng, gối.

* Các biện pháp khác:

– Tập luyện, vận động:

Hướng dẫn vận động chống co rút gân, dính khớp, teo cơ. Trong đợt viêm cấp: để khớp nghỉ ở tư thế cơ năng, tránh kê, độn tại khớp. Khuyến khích tập ngay khi triệu chứng viêm thuyên giảm, tăng dần, tập nhiều lần trong ngày, cả chủ động và thụ động theo đúng chức năng sinh lý của khớp.

Khuyến khích người bệnh vận động và tự phục vụ bằng cách trang bị các dụng cụ phù hợp: các loại quần áo dày dép mềm dễ mặc, cài bằng khóa dán, sử dụng cốc nhẹ, thìa có cán dài to…

   Giai đoạn ổn định nên thể dục đều đặn: Kết hợp các bài tập sức mạnh (như squat, tennis, cầu lông…) với những bài tập nhẹ nhàng (đi bộ, bơi lội, đạp xe…). Tập luyện sức mạnh làm giảm đáng kể sự mất xương – một biến chứng nghiêm trọng của căn bệnh viêm khớp dạng thấp, đồng thời giúp giảm đau và cứng khớp.

– Kết hợp vật lý trị liệu, tắm suối khoáng.

– Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ: nạng hỗ trợ khớp gối, khớp háng, nẹp cổ tay.

– Chế độ ăn:

+ Nếu bạn bị thừ cân béo phì nên cố gắng giảm cân để giảm áp lực lên khớp.

+ Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây trong thực đơn. Ưu tiên protein từ cá, gà thay vì ăn nhiều thịt đỏ. Tránh thức ăn nhiều đường, muối và chất béo không tốt.

  1. Phòng ngừa và điều trị các biến chứng của điều trị

– Viêm, loét dạ dày tá tràng: Dùng kèm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc các thuốc giảm tiết để tránh biến chứng này

– Cần bổ xung can xi, vitamin D để phòng ngừa loãng xương. có thể sử dụng bisphosphonates cho những bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cao.

– Nếu có thiếu máu: bổ sung acid folic, sắt, vitamin B12.

Để đặt lịch khám và tìm hiều thông tin, xin vui lòng liên hệ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Km5, xã Nghi Phú, Vinh, Nghệ An.

Số điện thoại đặt lịch khám: 19008082 (Thời gian đặt hẹn: 7h – 19h Thứ 2 đến thứ 6 và 7h -12h thứ 7 hàng tuần, áp dụng cho bệnh nhân khám viện phí và yêu cầu).

Số điện thoại khoa Cơ xương khớp: 0385384657.

Website: https://bvnghean.vn.